Đồng bằng sông Cửu Long: Tạo “cú hích” từ các giống lúa thơm, chất lượng cao !

14/11/2017 | 08:36 GMT+7

Bước vào giữa tháng 11-2017 nước lũ bắt đầu rút, nông dân đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh đồng ruộng để bắt tay vào vụ sản xuất lúa Đông xuân 2017-2018. Theo kinh nghiệm nhiều năm, sau lũ lớn sản xuất lúa thường trúng do phù sa dồi dào. Cả nông dân và ngành nông nghiệp đang tận dụng tối đa chọn lựa những giống lúa có phẩm chất chất lượng cao, sản xuất theo hướng an toàn để nâng cao giá trị hạt gạo.

Xây dựng cánh đồng lớn gắn với các giống lúa thơm là nhu cầu cấp bách.

“Niềm vui nhỏ từ cánh đồng lớn”

Nước lũ đang rút dần, nông dân vùng Bắc Xà No, thuộc xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, đang khẩn trương trục đồng, bơm rút nước để xuống giống sớm vụ Đông xuân. “Vụ Đông xuân này, nông dân ở đây rất vui. Chưa xuống giống nhưng doanh nghiệp đến đặt cọc mua lúa Tài Thơm 8 với giá 5.400 đồng/kg trên diện tích 300ha” - lão nông Nguyễn Văn Tốt, xã viên HTX Bắc Xà No huyện Vị Thủy cho biết. Được biết, HTX Bắc Xà No là một trong những HTX đầu tiên của Hậu Giang sản xuất lúa theo mô hình hữu cơ. “Sản xuất hữu cơ là hướng đi tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại, nhất là đối với sản xuất lúa gạo. HTX cần đặt tiêu chí: cùng mua - cùng làm - cùng bán trong suốt quá trình liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương cần hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp thực hiện đúng cam kết hợp đồng bao tiêu”, ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Hiện có 16 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh Hậu Giang đang bàn phương án bao tiêu lúa Đông xuân với gần 20 HTX sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh. Dự kiến, Hậu Giang sẽ xuống giống khoảng 78.000ha lúa Đông xuân. Trong đó, sẽ mở rộng diện tích trồng lúa cánh đồng lớn lên 11.000ha (tăng 5.000ha). Các doanh nghiệp như Tập đoàn Lộc Trời, Gentraco, Lương thực Sông Hậu… sẽ sát cánh cùng nông dân để thực hiện xây dựng cánh đồng lớn và bao tiêu đầu ra cho lúa Đông xuân.

Theo Bộ NN&PTNT, vụ Đông xuân 2017-2018, ĐBSCL dự kiến xuống giống hơn 1,53 triệu héc-ta lúa. Hiện các tỉnh trong vùng đang củng cố, thực hiện các hợp đồng bao tiêu lúa Đông xuân trên diện tích khoảng 200.000ha theo tinh thần Quyết định số 62/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. “Chúng ta phải tổ chức lại sản xuất, cơ cấu giống chất lượng cao hơn, khoanh vùng sản xuất ổn định gắn với chuỗi sản xuất. Đặc biệt là quan tâm tạo ra giá trị gia tăng trong sản xuất lúa. Cần nhấn mạnh là chúng ta chấp nhận giảm diện tích nhưng giá trị phải tăng. Đây là yêu cầu cấp bách để cải thiện đời sống, sinh kế cho nông dân trồng lúa”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết.

Gạo Việt “đóng dấu” thương hiệu !

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, từ đầu năm 2017 đến nay đã xuất khẩu khoảng 4,9 triệu tấn gạo. Dự báo xuất khẩu gạo năm 2017, sẽ vượt ngưỡng 5 triệu tấn, tăng hơn năm 2016. Hiện giá lúa khô tại kho khu vực ĐBSCL loại thường dao động từ 5.900-6.000 đồng/kg, lúa dài khoảng 6.300-6.400 đồng/kg, tăng khoảng 700 đồng/kg so với hồi đầu tháng 10-2017. Có thể nói, việc thay đổi cấu trúc xuất khẩu gạo theo hướng tăng ở thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 38%) đã kích thích giá lúa ở ĐBSCL theo hướng tốt. Do doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi việc vận chuyển bán buôn. Tuy nhiên, các chuyên gia lúa gạo cho rằng Việt Nam cần duy trì các thị trường xuất khẩu truyền thống và tập trung cho phân khúc gạo thơm, đặc sản, chất lượng cao để cạnh tranh quyết liệt với Thái Lan.

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ, vừa báo một tin vui: Gạo ST24 của Việt Nam đã được vinh danh với gạo Thái Lan và gạo Campuchia trong “Top 3 Gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị quốc tế lần 9 về Thương mại Gạo tổ chức tại Ma Cao - Trung Quốc, ngày 8-11. Được biết, gạo ST24 được nhóm nghiên cứu do kỹ sư Hồ Quang Cua (Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng) dẫn đầu cùng với TS Trần Tấn Phương và kỹ sư Nguyễn Thị Thu Hương. Gạo ST24 được chọn bởi Hội đồng giám khảo quốc tế gồm những đầu bếp nổi tiếng bình chọn là gạo đạt chuẩn hạt dài, trắng trong, cơm dẻo vừa và có hương thơm mùi lá dứa. Đặc điểm gạo thơm ST24 của Việt Nam nổi bật là ngắn ngày (100-105 ngày) so gạo Thái rất dài ngày (khoảng 150 ngày). Đây là dấu son đánh dấu bước tiến của các loại gạo thơm ST do kỹ sư Hồ Quang Cua dày công nghiên cứu lai tạo trong nhiều năm qua. Thành quả này còn có ý nghĩa “đóng dấu” cho thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế. Việc tăng giá trị hạt gạo xuất khẩu thông qua các thương hiệu nhưng gạo ST24 là một nhu cầu cấp bách. Bởi ngay thị trường Trung Quốc cũng có nhu cầu nhập khẩu nhiều hơn phân khúc gạo thơm, đặc sản. Xuất khẩu gạo Việt Nam đang đứng trước nhiều thách thức. Trong đó, ngay Campuchia cũng đang chen chân vào các thị trường xuất khẩu gạo truyền thông Việt Nam.

Chính vì vậy, ngành nông nghiệp ĐBSCL cần tạo ra “cú hích” về các giống lúa thơm, đặc sản, chất lượng cao ngay trong vụ Đông xuân này!

Bài, ảnh: VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>