Đồng hành với nhà vườn làm kinh tế

08/04/2021 | 18:04 GMT+7

Mô hình trồng cam mật ở thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhà vườn nơi đây.

Nhận được hỗ trợ từ mô hình “Tổ hợp tác cung ứng vật tư nông nghiệp”, ông Lê Thanh Công sẽ nhẹ lo vốn đầu tư ban đầu vào mỗi vụ canh tác.

Đây là cách làm mới mà chính quyền thị trấn Rạch Gòi đã đồng hành, định hướng cho người dân địa phương phát triển kinh tế theo hướng bền vững mấy năm gần đây. Theo ông Lê Văn Chính, cán bộ kỹ thuật thị trấn Rạch Gòi thì khoảng 5 năm trước, nông dân trong thị trấn trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng diện tích không tập trung, manh mún, nhỏ lẻ nên nguồn thu nhập không đáng kể. Ngành nông nghiệp huyện đã kết hợp với các nhà khoa học, trung tâm nghiên cứu thử nghiệm nhiều loại cây trồng trên địa bàn. Từ đó đã tìm ra không ít loại cây trồng thích nghi tốt và đem lại nguồn thu nhập cao cho nông dân. Trong đó có mô hình trồng cam mật.

So với cam sành, cam mật không hề kém cỏi mà ổn định về mặt giá cả lẫn năng suất. Chính vì đặc điểm này, cam mật đã được người dân nơi đây chọn lựa và nhân rộng. Đến năm 2017, phong trào trồng cam mật nở rộ, từ vài chục héc-ta ban đầu thì đến nay đã phát triển được 200ha/tổng số 589ha vườn cây ăn trái trên toàn thị trấn.

Gắn bó với mô hình trồng cam mật từ những ngày đầu sơ khai, ông Lê Thanh Công, ở ấp Xáng Mới A, thị trấn Rạch Gòi, nhớ lại: “Trước kia, tôi có 5 công đất trồng cam sành, sau khi thấy giá cam sành tăng giảm bất thường nên đã thuê thêm đất trồng cam mật. Đến nay, diện tích cam đã tăng lên 20 công, được 6 năm tuổi, năng suất năm nào cũng cao từ 3 tấn/công. Giá cam luôn ổn định, không giảm mạnh hay tăng đột biến, thường thì ở mức từ 7.000-8.000 đồng/kg. Trừ chi phí, mỗi công cam mật, tôi còn khoảng 10 triệu đồng”.

Nhận thấy lợi nhuận từ mô hình vườn nhà ông Công, ông Nguyễn Thanh Bình, ở cùng ấp Xáng Mới A, cũng chuyển hết 5 công đất sang trồng cam mật. Ông Bình chia sẻ: “Trồng cam mật nhẹ công chăm sóc, chỉ cực giai đoạn năm đầu mới xuống cây con. Cây lại ít bệnh, cho năng suất cao, vì vậy tôi đã chọn cây trồng này để gắn bó lâu dài”. Đến nay, cây trồng của ông Bình đã được hơn 4 năm tuổi, thu trái được 2 mùa, lợi nhuận thu về gần 100 triệu đồng/năm.

Tuy mô hình cam mật đã mang lại hiệu quả kinh tế thấy rõ ở địa phương, nhưng nguồn vốn đầu tư ban đầu cũng không nhỏ. Vấn đề thiếu vốn sản xuất trong những năm đầu đã gây trở ngại cho mỗi vụ canh tác mới. Thấu hiểu được khó khăn của nhà vườn, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo huyện, thị trấn Rạch Gòi đã tiến hành hỗ trợ, bảo lãnh hộ dân vay vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội để giảm chi phí sản xuất, tăng lợi nhuận.

Chủ tịch UBND thị trấn Rạch Gòi Phạm Vũ Hùng thông tin: Thực hiện theo chỉ đạo của UBND huyện về việc hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, thị trấn sẽ xây dựng mô hình “Tổ hợp tác cung ứng vật tư nông nghiệp”. Bước đầu, các ấp sẽ lập danh sách nhà vườn trồng cây ăn trái có nhu cầu tham gia. Sau đó, thống kê diện tích canh tác cụ thể, liều lượng phân bón sử dụng thực tế hàng năm. Về phía chính quyền địa phương sẽ có bước làm việc với Ngân hàng chính sách xã hội huyện để bảo lãnh cho người dân vay vốn. Theo đó, tiền phân bón sẽ được trả trước, đến cuối vụ nông dân sẽ trả lại cho ngân hàng với phần lãi suất rất thấp. Tiền mua phân bón sẽ được ngân hàng chuyển thẳng cho đại lý phân cấp 1 nên bà con không phải lo khoản chi phí đầu tư ban đầu vào đầu vụ.

Nhận được tin này, ông Nguyễn Thanh Bình phấn khởi: “Tôi cũng lo lắm, mỗi năm tôi đều mua phân, thuốc thiếu từ đại lý phân bón ở địa phương, đến cuối vụ khi thu hoạch trái mới trả nên giá cũng nhỉnh hơn khoảng 10.000 đồng/bao phân. Nếu được tham gia thì tôi khỏi phải lo việc này mỗi khi vào vụ mới. Vậy là năm nay tôi sẽ có tiền dư để thuê thêm đất trồng cam mật”.

Còn ông Lê Thanh Công cũng ước tính sẽ tiết kiệm được một khoản tiền từ cách làm này. Mỗi năm, ước tính tiền vật tư nông nghiệp của 20 công vườn nhà ông đã tốn 40 triệu đồng. Nếu được hỗ trợ như mô hình thì số tiền đó sẽ giúp ông xoay sở được chi phí sinh hoạt, con cái học hành và nhiều việc khác. Hy vọng với cách làm mới này, mô hình sẽ giúp nhà nông bước đầu thuận lợi, yên tâm canh tác, làm ra nhiều sản phẩm chất lượng cho thị trường.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>