Giữ màu xanh cho rừng

04/02/2019 | 09:54 GMT+7

Là đơn vị có diện tích rừng lớn nhất của tỉnh (1.404ha) và là nơi rất đa dạng về các loài động, thực vật nên trải qua 15 năm thành lập tỉnh thì cũng chừng ấy thời gian, lãnh đạo Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng (Khu bảo tồn) luôn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình và màu xanh của rừng luôn giữ vững, phát triển.

Lãnh đạo UBND tỉnh và các ngành có liên quan thường xuyên phối hợp với Ban Giám đốc Lung Ngọc Hoàng trong công tác kiểm tra bảo vệ đất rừng và PCCCR.

Từ khi thành lập (năm 2002) đến nay, lãnh đạo Khu bảo tồn luôn đặt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR) là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết: Để rừng mãi xanh là mục tiêu hàng đầu của Ban giám đốc và mỗi cán bộ. Do đó, vào cao điểm mùa khô hàng năm thì mỗi ngày, cán bộ nơi đây vẫn âm thầm, bền bỉ khắc phục khó khăn, quyết tâm bám rừng để bảo vệ màu xanh sự sống không chỉ cho hộ dân xung quanh nơi đây mà còn cho người dân trong và ngoài tỉnh. Bởi Lung Ngọc Hoàng đang được các nhà khoa học xem là lá phổi xanh của vùng ĐBSCL trước biến đổi khí hậu.  

Chính tầm ảnh hưởng trên nên trước khi vào đầu mùa khô hàng năm, Ban giám đốc Khu bảo tồn đều lên kế hoạch và triển khai rộng rãi đến tất cả nhân viên của đơn vị về việc thực hiện công tác PCCCR, trong đó lấy quan điểm “phòng là chính”. Bên cạnh đó, Khu bảo tồn còn phối hợp với chính quyền các địa phương giáp ranh thực hiện nhiều buổi họp dân để tuyên truyền về công tác PCCCR và luôn nhận được sự ủng hộ của người dân. Ngoài ra, vào cao điểm mùa khô hàng năm, đơn vị còn phân công cán bộ túc trực trên các tháp canh kể cả ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật; đồng thời phối hợp với công an và ngành kiểm lâm huyện, tỉnh thực hiện nhiều cuộc tuần tra xung quanh các điểm trọng yếu nhằm kịp thời phát hiện và xử lý những trường hợp vào rừng trái phép... Nhờ triển khai và chủ động thực hiện tốt nhiều giải pháp trọng tâm trong PCCCR hàng năm nên 8 năm liền (từ năm 2011-2018) Khu bảo tồn không để xảy ra vụ cháy rừng nào.  

Cùng với công tác PCCCR, thời gian qua, khu bảo tồn còn thực hiện tốt việc bảo tồn về sự đa dạng các loài sinh học nơi đây, từ đó tạo ra địa điểm nghiên cứu khoa học lý tưởng và là nơi bảo vệ các thảm thực vật trên vùng đất ngập nước hiếm hoi còn sót lại của khu vực ĐBSCL. Ông Lư Xuân Hội, Giám đốc Khu bảo tồn, cho biết thêm: Ngoài thực hiện tốt chức năng bảo tồn thì để phát triển sự đa dạng sinh học nơi đây, thời gian qua, đơn vị đã triển khai nhiều phần việc. Cụ thể, là thực hiện đề tài nghiên cứu và đưa ra giải pháp phát triển sự đa dạng sinh học; hàng năm, tiến hành trồng mới từ 200-300 cây bản địa các loại (có năm trồng gần 30.000 cây) để tái sinh trong rừng tràm. Ngoài ra, đơn vị còn đón nhiều nhà khoa học, sinh viên tại thành phố Cần Thơ và Hồ Chí Minh đến nghiên cứu, thực tập.

Một góc màu xanh rừng tràm tại Lung Ngọc Hoàng.

Ngoài phong phú về thực vật thì do nơi đây có điều kiện tự nhiên là vùng đất ngập nước quanh năm, rừng tràm bao phủ dày đặc nên nhiều loài cá, tôm quần tựu về sinh sống. Hàng năm, lãnh đạo Lung Ngọc Hoàng luôn thực hiện tốt công tác bảo vệ nhằm hạn chế sự đánh bắt của người dân, đồng thời phối hợp với ngành chức năng thả về tự nhiên nhiều cá thể động vật hoang dã, nhiều loài cá để tái sinh.

Từ những điều kiện tự nhiên có được, khu bảo tồn đang triển khai một số dự án nhằm phục vụ du lịch sau này, đồng thời kêu gọi nhà đầu tư thực hiện một số dự án mà đơn vị đang có nhu cầu. Trong thời gian gần, Khu bảo tồn sẽ là nơi nghỉ ngơi, giải trí… cho du khách tham quan. Đến với Lung Ngọc Hoàng, du khách có dịp ngắm những cánh đồng hoang vu xa tít với những bầy le le, cò trắng chập chờn tung cánh giữa mênh mông hoang dã...

HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>