Gỡ khó cho tiêu thụ nông sản

25/02/2020 | 18:13 GMT+7

Đẩy mạnh tiêu thụ thị trường nội địa, đa dạng kênh tiêu thụ để tránh phụ thuộc, đồng thời nâng cao chất lượng nông sản là những cách làm được các sở, ngành đưa ra để tìm hướng tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh.

Hiện giá mít Thái đã nhích lên nhưng vẫn còn thấp so với cùng kỳ.

Nông sản chịu áp lực giảm giá

Ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm tình hình xuất khẩu một số loại nông sản của Việt Nam nói chung và tại tỉnh Hậu Giang nói riêng gặp khó. Giá giảm và hiện vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ, đặc biệt là các mặt hàng thường xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Để tháo gỡ khó khăn, vừa qua Sở Công thương tỉnh phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có nhiều buổi làm việc và khảo sát nhằm kết nối sản xuất với tiêu thụ sản phẩm.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, tổng diện tích mít Thái trên địa bàn là 5.585ha, sản lượng thu hoạch trong tháng trên 5.900 tấn. Diện tích trồng xoài các loại là 3.406ha, sản lượng thu hoạch trong tháng 2 khoảng 276 tấn, chủ yếu là xoài Đài Loan. Giá mít Thái có lúc giảm đáng kể nhưng hiện đã tăng trở lại, tuy nhiên vẫn còn thấp hơn so với cùng kỳ từ 15.000-20.000 đồng/kg. Còn giá xoài Đài Loan vẫn ở mức thấp.

Ông Phạm Hoàng Phúc, chủ cơ sở thu mua mít Thái tại xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết: Giá mít 3 tuần nay có dấu hiệu phục hồi, khoảng 20.000 đồng/kg đối với trái loại 1. Giá cả khả quan hơn một phần do một số cửa khẩu phía Bắc thông quan trở lại, hàng đi có chậm nhưng vẫn còn đường tiêu thụ. Mặt khác, nhiều vườn mít mới “đứt lứa” nên nguồn cung giảm. Một chuyến hàng đi hiện nay phải chịu thêm các chi phí khác khi tuân thủ đúng các biện pháp cách ly, phòng dịch Covid-19 nên chi phí sẽ đội lên thêm, làm ảnh hưởng đến giá thu mua trong thời gian này.

“Bản thân tôi cũng vừa thu mua vừa trồng mít Thái nên biết khó khăn của bà con. Dù mang đi tiêu thụ ở thị trường nào thì điều quan trọng là xây dựng được thương hiệu mít, có nguồn gốc rõ ràng, truy xuất bằng tem, nhãn mới tính được chuyện lâu dài. Trước đây, khi thị trường Trung Quốc đòi hỏi có dán mã vạch cho mít, cơ sở phải chuyển đến một đầu mối trung gian ở Tiền Giang mới làm được thì rõ ràng đã mất lợi thế”, ông Phúc cho biết thêm.

Nếu mít Thái giá cả có khả quan hơn trong vài tuần qua thì xoài Đài Loan vẫn còn gặp khó. Bởi giá xoài hiện rớt xuống 4.000-5.000 đồng/kg (mua xô tại vườn), trong khi năm ngoái cũng đạt 15.000-16.000 đồng/kg. Ông Bùi Sạc Lô, chủ cơ sở thu mua xoài Đài Loan, ở ấp Thị Trấn, thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, cho hay mấy tuần nay lượng hàng đi ít, nếu lúc trước cơ sở cần thu mua từ 5-10 tấn xoài/ngày thì hiện nay giảm chỉ còn 2-3 tấn dù không hạn chế số lượng thu mua. Bởi giá thấp nên có người còn “neo” trên cây, tuy nhiên sẽ không được lâu vì tới lứa phải cắt để dưỡng cây cho vụ tới, hạn chế trái bị xì mủ, chín quá không bán được. Là người kinh doanh, ông Lô cũng mong là tìm được nhiều thị trường tiêu thụ, ổn định giá cả thì cả người trồng và thương lái đều hưởng lợi.

Tạo kết nối tiêu thụ

Không ít doanh nghiệp bán lẻ, hệ thống siêu thị, cửa hàng bách hóa trong tỉnh có mong muốn hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Tuy nhiên, điều doanh nghiệp còn băn khoăn là khi xuống địa bàn sẽ không biết rõ phải liên hệ thu mua từ đầu mối nào. Đây cũng là điểm còn vướng mắc trong sự liên kết và tiêu thụ nông sản tại thị trường nội địa. Đại diện siêu thị Vinmart cho biết, có hệ thống hơn 100 siêu thị và 2.000 cửa hàng trên toàn quốc, mỗi ngày nhu cầu tiêu dùng khá cao ở nhiều loại nông sản khác nhau. Tuy nhiên, nguồn hàng từ các tỉnh phải đảm bảo chất lượng, đáp ứng kịp tốc độ bán ra.

Cần một đầu mối đủ năng lực và đảm bảo một số yêu cầu về chất lượng sản phẩm để thu gom và giao về tổng kho trước khi phân phối đi các siêu thị. Doanh nghiệp mong có sự liên kết với người nông dân lâu dài chứ không chỉ trong thời gian các loại nông sản đang lâm vào thế cần “giải cứu”. Đây cũng là mong muốn của đại diện doanh nghiệp khi tham gia các buổi họp cùng sở, ngành tỉnh bàn về vấn đề hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Các hệ thống bán lẻ cần các ngành chuyên môn hỗ trợ liên kết với HTX và tiếp tục tuyên truyền cho người dân tham gia vào các hình thức kinh tế tập thể để nâng cao năng lực sản xuất và sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Vũ Trường, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh, cho hay: Trước mắt, Sở sẽ phối hợp với các ngành liên quan, thống nhất lập danh sách các HTX và đầu mối thu mua nông sản uy tín, ưu tiên một số loại nông sản còn gặp khó về tiêu thụ hiện nay như mít, thanh long, xoài, dưa hấu… cung cấp cho các doanh nghiệp liên hệ trực tiếp, thu mua theo nhu cầu để góp phần tháo gỡ khó khăn. Ngoài ra, sẽ tiếp tục tìm kiếm và mở rộng liên kết ở thị trường các tỉnh, thành khác, nơi không có nhiều sản phẩm tương tự ở Hậu Giang để dễ tiêu thụ. Về lâu dài, điều cần thiết nhất vẫn là nâng cao chất lượng để đáp ứng các tiêu chuẩn từ hệ thống bán lẻ hiện đại, kết hợp với ngành công nghiệp chế biến nhằm đa dạng sản phẩm, đa dạng thị trường để tránh rủi ro.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích