Hiệu quả mô hình hợp tác nuôi lươn

18/09/2020 | 07:40 GMT+7

Từ một số mô hình nhỏ lẻ, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, đã thành lập Tổ hợp tác nuôi lươn để giúp nâng cao hiệu quả từ mô hình và hợp tác liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo. 

Những hộ khó khăn sẽ khởi đầu nuôi lươn trong bể bạt để nhẹ chi phí đầu tư.

Phong trào nuôi lươn khởi phát ở thị trấn Bảy Ngàn cách đây khoảng 4 năm nhờ một vài hộ học hỏi kinh nghiệm ở ngoài địa phương về áp dụng trong quy mô nhỏ. Ông Nguyễn Văn Thanh, ở ấp 2A, là người tiên phong nuôi lươn có bùn theo kiểu truyền thống. Ban đầu, ông Thanh cho biết lượng giống hao hụt khá lớn do chủ yếu sử dụng lươn giống khai thác từ tự nhiên. Sau năm đầu, ông đã có thêm kinh nghiệm về lựa chọn lươn giống, tạo môi trường và thức ăn để giảm tỷ lệ hao hụt. Nhờ kiên trì và chịu khó, giờ đây ông Thanh đã mở rộng lên đến hơn 20 bể nuôi lươn. Ước tính mỗi năm xuất bán ra thị trường khoảng 1 tấn lươn thương phẩm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Nhiều hộ dân có ít đất sản xuất cũng bắt đầu học hỏi từ mô hình này cùng với sự hỗ trợ của Tổ kỹ thuật thị trấn Bảy Ngàn.

Ông Đinh Văn Tự, ở ấp 2A, trước đây có công việc chính là làm thợ hồ. Càng lớn tuổi công việc càng vất vả, ông nghỉ việc về cải tạo lại khoảnh đất trống còn lại bên cạnh nhà để xây 4 bể nuôi lươn. Năm đầu thả nuôi, tỷ lệ hao hụt đến 50%, cuối năm bán lươn chỉ đủ vốn đầu tư làm bể. Những năm sau đó, ông chịu khó đến học những người nuôi trước, có khó khăn gì thì nhờ tổ kỹ thuật hỗ trợ để rút ra nhiều kinh nghiệm quý. Quan trọng nhất chính là chọn lươn giống thật kỹ để giảm hao hụt và trong quá trình nuôi có bổ sung nguồn thức ăn tự nhiên. Tỷ lệ hao hụt sau khi thả nuôi giảm còn khoảng 20%. Hiện ông đã mở rộng lên 11 bể nuôi, đợt bán lươn vừa qua thương lái mua với giá 215.000 đồng/kg, ông thu về được 178 triệu đồng.

Những hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn cũng chọn mô hình này để phát triển kinh tế gia đình. Tùy theo điều kiện mỗi hộ mà đầu tư quy mô phù hợp để khởi đầu thuận lợi, làm nền tảng mở rộng vào các năm sau. Ông Hồ Văn Hạnh, ở ấp 2, là hộ khó khăn, gia đình chỉ có 3 công ruộng. Theo định hướng của những thành viên trong Tổ hợp tác nuôi lươn và địa phương, ông làm 4 bể bằng bạt nhựa để nhẹ chi phí, tự đặt dớn bắt lươn giống nuôi nên không tốn tiền mua con giống ban đầu và kiếm thêm thức ăn tự nhiên để phối trộn với thức ăn công nghiệp. Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa sẽ đến kỳ xuất bán, dự kiến ông Hạnh thu về không dưới 60 triệu đồng. Trong quá trình nuôi, khi khó khăn do thiếu tiền trang trải mua thức ăn, thành viên tổ hợp tác tạo điều kiện cho ông hoàn lại chi phí này sau khi bán lươn.

Ông Nguyễn Văn Hảo, cán bộ khuyến nông thị trấn Bảy Ngàn, cho biết thêm: Hiện nay, trên địa bàn thị trấn nhiều hộ mở rộng quy mô bể nuôi và hộ nuôi mới. Thương lái thu mua lươn ở địa phương ổn định và giá cao hơn ở nhiều nơi khác do màu lươn đẹp, tỷ lệ con đạt trọng lượng từ 700gram trở lên nhiều. Tổ kỹ thuật cũng khuyến khích bà con nên kiên trì nuôi đến khi lươn đạt trong lượng mong muốn và hướng dẫn ghi chép cẩn thận về mật độ, điều chỉnh lượng thức ăn cho phù hợp. Về lâu dài, để giảm tỷ lệ hao hụt từ nguồn giống khai thác tự nhiên, tổ kỹ thuật sẽ đề xuất ngành nông nghiệp hỗ trợ để xây dựng từ 1-2 mô hình nuôi lươn sinh sản bán nhân tạo. Đây sẽ là nguồn cung cấp giống ổn định, phục vụ cho người nuôi lươn tại địa phương, cũng như đảm bảo nguồn lươn giống tự nhiên không bị cạn kiệt.

Theo ông Phạm Thanh Phong, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Bảy Ngàn, mô hình nuôi lươn được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện của địa phương. Tổ hợp tác nghề nghiệp nuôi lươn thị trấn Bảy Ngàn ra đời với 8 thành viên. Vừa qua tổ đã nhận được quỹ hỗ trợ nông dân từ Hội Nông dân huyện Châu Thành A với tổng số vốn 250 triệu đồng để thành viên tổ hợp tác xây dựng và mở rộng mô hình. Tổ kỹ thuật và Hội Nông dân thị trấn cũng hỗ trợ tối đa cho tổ hợp tác, mở lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ đang nuôi và những hộ có nhu cầu phát triển mới, ứng dụng thêm các kỹ thuật ương giống nhân tạo. Khuyến khích hộ nuôi khác tham gia vào tổ hợp tác để nâng cao hiệu quả mô hình cũng như liên kết trong tiêu thụ sản phẩm.

Bài, ảnh: THIÊN NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>