Hiệu quả mô hình kinh tế tập thể

30/11/2020 | 07:22 GMT+7

Từ sự hỗ trợ về nhiều mặt của ngành chức năng, cùng với những chiến lược hoạt động hiệu quả nên mô hình kinh tế tập thể (KTTT) trên địa bàn thị xã Long Mỹ đang mang lại nhiều kết quả khả quan.

Mô hình sản xuất lúa theo hướng an toàn thực phẩm của HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Đan Anh đang nhận được sự quan tâm hỗ trợ từ ngành chức năng tỉnh và sự liên kết hợp tác của doanh nghiệp. 

Xác định mô hình KTTT, HTX có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đồng thời khi lĩnh vực này hoạt động hiệu quả sẽ tạo điều kiện thuận lợi không nhỏ trong quá trình xây dựng các tiêu chí nông thôn mới (NTM) cho các xã của thị xã Long Mỹ nên từ đầu năm đến nay ngành chức năng của thị xã Long Mỹ đã có nhiều giải pháp để vực dậy lĩnh vực KTTT, HTX của địa phương. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT thị xã Long Mỹ, cho biết: Nhờ sự quan tâm về nhiều mặt của địa phương và sự nỗ lực trong hoạt động nên các mô hình KTTT, HTX trên địa bàn thị xã Long Mỹ không ngừng đổi mới, phát triển cả về số lượng và chất lượng và đang dần khắc phục được tình trạng yếu kém kéo dài. Trong đó, có nhiều loại hình, mô hình KTTT, HTX hoạt động hiệu quả đã góp phần phát triển kinh tế bền vững, xây dựng NTM bằng việc tạo việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Qua đây cho thấy, mô hình KTTT, HTX của địa phương đang từng bước khẳng định được vị trí, vai trò nền tảng trong phát triển sản xuất ở nông thôn, góp phần vào sự thành công trong xây dựng NTM ở thị xã.

Tính từ đầu năm đến nay, ngành chức năng thị xã Long Mỹ đã thành lập mới 2 HTX, nâng tổng số HTX trên địa bàn thị xã đến thời điểm này là 23 HTX, trong đó có 19 HTX nông nghiệp và 4 HTX phi nông nghiệp. Tổng số thành viên trong HTX hiện tại là 308, với diện tích đất sản xuất hơn 3.418ha. Về Tổ hợp tác (THT), chỉ tính từ đầu năm đến nay đã thành lập mới 9 THT, nâng tổng số THT hiện có của thị xã Long Mỹ là 43, với số lượng thành viên là 443, diện tích đất sản xuất hơn 1.628ha. Điều đang làm cho các thành viên ở hầu hết các mô hình KTTT, HTX trên địa bàn thị xã Long Mỹ cảm thấy phấn khởi là được địa phương quan tâm đầu từ hệ thống đê bao khép kín kết hợp với trạm bơm. Qua đây, tạo điều kiện thuận lợi về nhiều mặt cho bà con sản xuất hiệu quả. Đặc biệt, nhiều THT, HTX đã ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất, nhất là mô hình canh tác lúa theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm khi sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật bằng chất hữu cơ thay cho hóa học. Từ đó, có không ít THT, HTX của thị xã Long Mỹ đã thu hút được doanh nghiệp đến liên kết, hợp tác bao tiêu đầu ra sản phẩm nên tạo sự an tâm cho thành viên.

Điển hình như HTX dịch vụ nông nghiệp và xây dựng Đan Anh, ở ấp Long Hòa 1, xã Long Phú, sau thời gian vận động và được người dân xung quanh đồng tình, hiện HTX có diện tích đất trồng lúa được liên kết sản xuất gần 700ha. Với sự liên kết sản xuất đã tạo điều kiện thuận lợi trong việc triển khai các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác lúa, từ đó hạ giá thành sản xuất và tăng lợi nhuận cho thành viên.

Ông Nguyễn Văn Thổ, Giám đốc HTX Đan Anh, cho biết là nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước nên toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa trong HTX đều có hệ thống đê bao khép kín, người dân chủ động được nguồn nước tưới tiêu. Bên cạnh đó, thông qua việc hỗ trợ kỹ thuật canh tác lúa của ngành chức năng thị xã và tỉnh, mà điển hình là Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT), các thành viên trong HTX được tham dự nhiều lớp tập huấn để thu thập kiến thức về mô hình canh tác lúa theo hướng “3 giảm 3 tăng” và “1 phải 5 giảm”. Ngoài ra, HTX còn được dự án VnSAT xem xét hỗ trợ đầu tư kho chứa lúa, lò sấy, trạm bơm điện và một số thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Khi các dự án đầu tư xong sẽ tạo điều kiện cho HTX sản xuất hiệu quả hơn, nhất là bà con sẽ không còn lo bị thương lái ép giá khi thị trường gặp khó về đầu ra vì đã có kho trữ lúa.

“Nhiều vụ lúa vừa qua, nông dân nơi đây đều sản xuất trúng mùa, đạt lợi nhuận hấp dẫn. Điển hình như ở vụ lúa Đông xuân năng suất lúa của xã viên đều hơn một tấn/công, lợi nhuận thu được từ 35-40 triệu đồng/ha. Mặt khác, hiện HTX có doanh nghiệp đến hợp tác làm ăn, nhất là về đầu ra sản phẩm nên xã viên rất an tâm sản xuất”, ông Thổ chia sẻ thêm.

Một điểm nổi bật khác của mô hình KTTT ở thị xã Long Mỹ hiện nay là có nhiều THT, HTX nông nghiệp đã và đang thực hiện được không ít dịch vụ đầu vào như: bơm tưới, làm đất, gặt đập, vận chuyển, cung ứng giống, phát triển sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, tăng năng suất, hạ giá thành và tăng chất lượng sản phẩm để đủ sức cạnh tranh trên thị trường và hội nhập kinh tế thế giới như hiện nay. Ngoài ra, các THT, HTX hoạt động đa ngành nghề còn thu hút được lao động nông thôn, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân; cũng như tạo sự gắn bó, đoàn kết cộng đồng dân cư nhằm xây dựng NTM theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Thống, Phó phòng Kinh tế, Phó trưởng Ban chỉ đạo đổi mới phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT thị xã Long Mỹ, cho hay: Để mô hình KTTT, HTX trên địa bàn thị xã Long Mỹ không ngừng phát triển vững mạnh thì tới đây địa phương tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng và đoàn thể của thị xã trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX tiếp cận với nguồn vốn vay một cách dễ dàng và hiệu quả. Bên cạnh đó, phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh trong việc xúc tiến thương mại nhằm tạo thị trường đầu ra thuận lợi cho các sản phẩm của mô hình KTTT, HTX trên địa bàn thị xã. Ngoài ra, địa phương cũng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân dân tham gia vào THT, HTX để tăng số lượng thành viên và diện tích đất sản xuất nhằm tạo ra sản lượng hàng hóa lớn đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức nhiều buổi hội thảo, tập huấn định kỳ để các THT, HTX của địa phương tăng tính chủ động hơn trong sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh việc liên kết 4 nhà đạt hiệu quả hơn.

“Song song với những nhiệm vụ trên thì tới đây địa phương còn phối hợp với UBND các xã, phường của thị xã trong việc lựa chọn THT, HTX tiêu biểu nhằm xây dựng mô hình điểm để nông dân hợp tác, từ đó thúc đẩy phong trào hợp tác kiểu mới của bà con về làm kinh tế, phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và kinh doanh nông nghiệp đạt hiệu quả hơn. Đồng thời bảo vệ quyền lợi của hộ nông dân; cũng như tăng cường sự trao đổi, phối hợp, chia sẻ và học hỏi giữa các đại diện THT, HTX trong xây dựng cơ chế, chính sách và các giải pháp thúc đẩy phát triển THT, HTX nông nghiệp. Từ những cách làm trên thì tin rằng sẽ hỗ trợ không nhỏ cho các cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn trong việc ban hành và thực thi các chính sách liên quan đến mô hình KTTT, HTX được sát hợp...”, ông Thống chia sẻ thêm.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>