Hiệu quả mô hình sản xuất đa canh

01/12/2022 | 12:25 GMT+7

Những năm gần đây, phong trào chuyển đổi cây trồng, vật nuôi được nhiều  nông hộ ở các địa phương trong tỉnh thực hiện theo phương thức sản xuất đa canh nhiều loại cây trồng trên cùng một diện tích canh tác, để lấy ngắn nuôi dài góp phần nâng cao thu nhập. 

Xen canh màu trong vườn cây ăn trái được nhiều nông dân trong tỉnh áp dụng và cho hiệu quả. Ảnh: T.TRÚC

Với diện tích 3,5ha đất mía sản xuất không hiệu quả, do liên tục gặp cảnh trúng mùa rớt giá. Cách đây 7 năm, ông Nguyễn Văn Công, ở xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, đã mạnh dạn chuyển 3ha mía sang trồng cam sành. Hiện nay, dù nhà vườn trồng cam sành bị thất thu do bệnh vàng lá gân xanh tấn công, nhưng với bí quyết canh tác của riêng mình, vườn cam của gia đình ông Công hàng năm vẫn cho thu nhập hơn 100 tấn trái, giúp ông thu về lợi nhuận hơn 1 tỉ đồng/năm.

Ông Công cho biết: “Trồng cây khác rất khó lấy tiền một lần, trong khi cây cam thì làm được chuyện đó. Tuy giá bán khá rẻ, chỉ khoảng 10.000 đồng/kg nhưng nếu bán với sản lượng nhiều thì mình vẫn có thể thu được số tiền lớn. Như vừa rồi, gia đình bán được 50 tấn trái đã thu về 500 triệu đồng, còn đợt cam tết này cũng hơn số lượng đó, tính ra năm nay thu nhập sẽ trên 1 tỉ đồng”.

Để có chi phí đầu tư cho vườn cam, hơn 1,5ha đất sản xuất còn lại được ông Công chuyển đổi sang trồng sầu riêng xen với chanh bông tím và đu đủ. Không những thế, tận dụng diện tích đất trống xung quanh nhà, ông Công xây dựng 12 bể nuôi lươn, mỗi bể nuôi 1.000 con lươn theo hình thức xoay vòng nên mỗi tháng đều có lươn xuất bán. Với cách làm này, mỗi tháng thu nhập thêm từ việc bán lươn, chanh bông tím và đu đủ hơn 30 triệu đồng, vừa có tiền để chi tiêu trong gia đình vừa có vốn đầu tư mua phân, thuốc cho vườn cam và sầu riêng. Nhờ vậy, đến khi thu hoạch cam gia đình ông Công thu trọn phần lợi nhuận.

Ông Công cho biết thêm: “Chanh thì trồng 6 tháng là có trái thu hoạch, đu đủ thì 8 tháng, lươn thì nuôi xoay vòng nên tháng nào cũng xuất một bể. Nhờ đó mà ngoài việc có tiền chi tiêu hàng tháng, gia đình còn có vốn để đầu tư cho vườn cam. Đến khi cam thu hoạch thì tất cả nguồn thu đó là lợi nhuận”.

Ông Nguyễn Thanh Nhiều, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hưng, cho biết: Ngoài việc phát triển kinh tế cho gia đình thì ông Công còn hỗ trợ kỹ thuật canh tác cam cho bà con trong xóm hay bán lươn giống theo hình thức trả chậm cho những hộ nuôi trong xã. Nhờ đó mà hiện nay xã cũng nhân rộng được hơn 10 hộ nuôi lươn trên địa bàn.

Còn ông Nguyễn Văn Hậu, ở xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, chọn cây rau má để trồng xen trong vườn mít Thái. Do cây rau má dễ trồng, nhẹ chăm sóc, trồng một lần nếu chăm sóc tốt có thể thu hoạch kéo dài cả năm. Với diện tích 3.000m2 trồng rau má xen với mít, trung bình 20 ngày ông Hậu thu hoạch một lần từ 250-300kg rau má, được thương lái thu mua ở mức 10.000-13.000 đồng/kg (tùy thời điểm), mỗi đợt ông thu nhập hơn 2 triệu đồng, tương đương gần 30 triệu đồng/năm.

Ông Hậu cho biết: “Rau má trồng không cần chăm sóc nhiều, sau mỗi đợt cắt bán chỉ cần tưới phân là tiếp tục thu hoạch cho lần kế tiếp. Thu nhập từ cây rau má mang lại vừa giúp cho gia đình có nguồn tiền để trang trải hàng tháng, vừa tạo điều kiện mua thêm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để đầu tư cho vườn mít. Cho dù mít rớt giá cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của gia đình”.

Ông Trần Văn Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết: Sản xuất nông nghiệp theo hướng đa canh đang là mô hình được nông dân trong huyện áp dụng và nhân rộng. Trong 1.026 mô hình hiệu quả của huyện hiện nay, có hơn 40% mô hình nông dân áp dụng phương thức sản xuất đa canh hay lấy ngắn nuôi dài. Vì ngoài việc giúp gia tăng năng suất, hiệu quả, còn tận dụng tối đa diện tích canh tác, kết hợp nhiều cây trồng, vật nuôi để có giá trị kinh tế cao hơn. Chưa kể việc sản xuất đa canh còn hạn chế tình trạng mất trắng khi một trong các loại nông sản mất mùa hay rớt giá như thời gian qua.

Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp Hậu Giang cho biết, mô hình kết hợp các đối tượng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được nông dân thực hiện và cho hiệu quả cao. Đối với cây ăn trái thì nông dân sử dụng bao trái để hạn chế sâu bệnh, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng phân hữu cơ, hệ thống tưới. Chăn nuôi thì áp dụng đệm lót sinh học, nuôi các đối tượng cá trong vườn cây, thức ăn chủ yếu là tận dụng rau xanh và sản phẩm của trồng trọt. Với quy mô nông hộ từ 0,5ha trở lên có thể xây dựng, thiết kế mô hình sản xuất kết hợp để tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích. Hầu hết mô hình này được các hộ có vườn cây ăn trái, rau màu, khi lên liếp còn ao mương tận dụng để nuôi cá, ngoài ra tận dụng diện tích nhỏ xung quanh nhà để chăn nuôi. Hoặc trồng lúa 2 vụ còn vụ 3 tận dụng nước lũ về nuôi cá để tăng nguồn thu nhập.

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, mô hình kết hợp các đối tượng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản được nhiều nông dân ở huyện Vị Thủy, Long Mỹ, Châu Thành A, thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh, huyện Phụng Hiệp thực hiện. Mức đầu tư bình quân khoảng 233 triệu đồng/ha/năm; lợi nhuận bình quân 188 khoảng đồng/ha/năm.

 

T.TRÚC - D.KHÁNH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>