Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng

02/03/2021 | 06:55 GMT+7

Nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thời gian qua, ngành chức năng huyện Long Mỹ đã đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất và đang mang lại nhiều kết quả khả quan.

Mô hình chuyển đổi từ đất lúa sang trồng bưởi da xanh tại vùng phèn, mặn trên địa bàn huyện Long Mỹ đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Vực dậy vùng đất khó

Xuất phát từ những khó khăn trong sản xuất như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, hạn hán, sâu bệnh ngày càng diễn biến thất thường; vì vậy, thời gian qua, ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ đã phối hợp cùng với các ngành, đoàn thể của huyện và chính quyền địa phương trong huyện đẩy mạnh việc tuyên truyền, vận động người dân hiểu và tham gia chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng tập trung, chuyên canh phù hợp với điều kiện canh tác của từng vùng, đồng thời gắn với áp dụng những tiến bộ mới trong sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng và thu nhập trên cùng đơn vị canh tác.

Theo lãnh đạo xã Lương Tâm, trong những năm gần đây, tình hình xâm nhập mặn có những tác động và gây ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp của người dân. Do đó, thực hiện theo sự chỉ đạo của Huyện ủy và UBND huyện, địa phương đã khoanh vùng và vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao. Kết quả hiện nay là nhiều vùng đất bị nhiễm phèn, xâm nhập mặn trên địa bàn xã đã và đang được người dân mạnh dạn chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng màu, cây ăn trái. Điển hình như tại ấp 9, hiện người dân nơi đây đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng được hơn 56ha. Điều phấn khởi là các sản phẩm làm ra từ khi chuyển đổi đều đạt năng suất, chất lượng và có nơi bao tiêu; từ đó giúp sản phẩm có đầu ra ổn định, mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với trồng lúa trước đây. Nổi bật như mô hình trồng đậu bắp Nhật, dưa lê, dưa Kim Hồng Ngọc, trồng ớt...

Ông Nguyễn Hoàng Nam, hộ có nhiều năm trồng dưa lê ở ấp 9, xã Lương Tâm, chia sẻ: “Dưa lê là loại dễ trồng, nhẹ công chăm sóc, đầu ra và giá bán ổn định nên người dân có nguồn lợi nhuận hấp dẫn. Theo đó, nếu được chăm sóc tốt thì năng suất dưa lê có thể đạt từ 2-2,5 tấn/công; với giá bán dao động từ 5.000 - 7.000 đồng/kg thì sau khi trừ chi phí, người trồng dưa lê có được lợi nhuận từ 10-12 triệu đồng/công/vụ, cao gấp nhiều lần so với trồng lúa. Đặc biệt, với mô hình này đã giúp người dân vùng bị xâm nhập mặn nơi đây có thể sản xuất được 3 vụ/năm (1 lúa + 2 dưa lê, có hộ độc canh 3 vụ dưa lê), thay vì chỉ độc canh 2 vụ lúa/năm như những năm trước. Phấn khởi hơn khi người dân xứ này ngày càng bám trụ với quê hương mà không đi làm ăn xa nhờ có mô hình sản xuất hiệu quả”.

Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng không chỉ mang lại hiệu quả cho người dân mà còn giúp các địa phương đạt tiêu chí trong xây dựng xã nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao. Cụ thể đó là tiêu chí về thu nhập, hộ nghèo nhờ mức lợi nhuận trong sản xuất của bà con được tăng lên. Mặt khác, khi đời sống người dân phát triển thì bà con còn hăng hái giúp các địa phương của huyện Long Mỹ thực hiện tiêu chí về cảnh quan môi trường, tham gia tốt các hoạt động xã hội, đặc biệt là người dân có sự đoàn kết, tương trợ trong sản xuất để cùng nhau thay đổi cuộc sống theo hướng phát triển.

Bên cạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng phù hợp với tình hình thực tế thì ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ còn phối hợp với cơ quan chuyên môn và bước đầu hình thành được một số vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao. Điển hình như mô hình trồng dưa lưới trong nhà kính kết hợp với hệ thống tưới nước nhỏ giọt, mô hình trồng bưởi da xanh đạt chuẩn VietGAP trên vùng đất phèn...

Ông Trần Văn Tôn, nhà vườn có hơn 1ha bưởi da xanh sản xuất theo quy trình VietGAP ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, bộc bạch: “Sau khi được chính quyền địa phương cùng cơ quan chuyên môn vận động và nhận thấy hướng đi phù hợp nên vào cuối năm 2017, tôi và nhiều bà con tại vùng đất phèn mặn nơi đây đã mạnh dạn chuyển từ đất lúa kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh theo quy trình VietGAP. Nhờ được hỗ trợ về nhiều mặt nên hiện có gần 22ha bưởi da xanh của bà con được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP”.

Cũng theo ông Tôn, với những vườn bưởi đang xanh tốt và có từ 3 - 4 năm tuổi như trong mô hình thì có thể cho năng suất khoảng 20 tấn trái/ha. Với trọng lượng trái dao động từ 1,4-2kg, giá bán bình quân khoảng 35.000 đồng/kg thì mỗi héc-ta bưởi (khoảng 450 cây) có thể cho nguồn thu nhập khoảng 700 triệu đồng/năm. Đây được xem là mức thu nhập ngoài sức tưởng tượng đối với người dân vùng đất phèn, mặn như huyện Long Mỹ, từ đó mô hình đang tạo niềm vui cho nông dân.

Những con số ấn tượng

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, từ năm 2017 đến nay, diện tích chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả, vườn tạp sang cây trồng hàng năm trên địa bàn huyện là hơn 222ha, gồm một số loại cây trồng chủ yếu như: dưa hấu, dưa lê, chuối, dưa gang, đậu bắp Nhật, rau ăn lá các loại. Về diện tích chuyển đổi sang cây trồng lâu năm được hơn 128ha, gồm: bưởi da xanh, mãng cầu xiêm, dừa, chanh không hạt... Riêng diện tích chuyển đổi sang trồng lúa kết hợp với nuôi trồng thủy sản là gần 100ha; trong đó chủ yếu là mô hình lúa - tôm tại vùng bị xâm nhập mặn ở xã Lương Nghĩa và mô hình lúa kết hợp nuôi cá ruộng nhằm cải thiện độ màu mỡ cho đất, hạn chế sự phát triển của dịch bệnh trên cây lúa.

Đánh giá về sự hiệu quả của các mô hình chuyển đổi, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Qua theo dõi các mô hình nhiều năm qua cho thấy, mô hình chuyển đổi sang cây trồng hàng năm cho nguồn thu nhập cao hơn gấp 3-5 lần so với trồng lúa; còn cây trồng lâu năm thì mức thu nhập cao hơn gấp 3-7 lần. Đối với mô hình lúa - thủy sản, nếu trước đây làm 2 vụ lúa/năm thì bà con chỉ có nguồn thu nhập từ 30-35 triệu đồng/ha/năm, nhưng khi chuyển sang 1 vụ lúa - 1 vụ tôm thì cho thu nhập 60-80 triệu đồng/ha/năm. Để có được kết quả như trên thì ngoài công tác tuyên truyền và vận động, đơn vị còn lồng ghép nhiều chương trình, dự án để hỗ trợ người dân trong quá trình chuyển đổi; đặc biệt là từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng NTM. 

Như vậy, từ sự quan tâm, hỗ trợ của Nhà nước, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị từ huyện đến xã và sự tham gia tích cực của người dân, lĩnh vực nông nghiệp của huyện Long Mỹ đã và đang có bước phát triển quan trọng. Đặc biệt, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên nền đất lúa đã góp phần đáng kể vào việc định hình, phát triển nền nông nghiệp của huyện theo hướng thuận thiên gắn với ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất đã làm tăng năng suất, giá trị nông sản và nguồn thu nhập cho người dân. “Thời gian tới, địa phương tiếp tục thực hiện tốt công tác quy hoạch vùng sản xuất, trong đó tăng diện tích cây trồng chủ lực theo hướng tập trung, chuyên canh, nhất là đối với cây trồng có lợi thế cạnh tranh như: lúa, bưởi, khóm, mãng cầu xiêm... Ngoài ra, địa phương khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực sản xuất, cung ứng giống và chế biến nông sản. Mặt khác, tiếp tục khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước, xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi thủy sản thâm canh, xen canh gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản và môi trường sinh thái...”, ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết thêm.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>