Hướng đến sản xuất nông nghiệp an toàn

21/08/2017 | 08:37 GMT+7

Thay đổi tư duy canh tác kết hợp với quá trình sáng tạo trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra sản phẩm sạch và an toàn là hướng đi chiến lược mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Long Bình, thị xã Long Mỹ, quyết tâm thực hiện trong thời gian qua.

Ông Chợ tâm đắc và chăm chút cho 3 công cam trồng xen hoa của gia đình.

Ông Phan Văn Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết: Trong những năm gần đây, nền kinh tế nông nghiệp địa phương đã có những chuyển biến tích cực. Trong đó, đa phần người dân quan tâm, học hỏi và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nhằm hạn chế thất thoát, tạo ra sản phẩm chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng. Vì vậy đến nay, ngoài sản phẩm lúa gạo thì địa phương còn đa dạng các sản phẩm nông nghiệp khác như: hoa màu, cây ăn trái, thủy sản, gia súc, gia cầm…

Là một trong những gương điển hình trong việc sản xuất nông nghiệp giỏi, ông Mai Văn Chợ, ở ấp Bình Trung, cho biết hơn 10 năm trước gia đình ông sống dựa vào cây lúa là chính. Song, với điều kiện thổ nhưỡng không thuận lợi làm ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất nông nghiệp của gia đình. Vào năm 2006, ông mạnh dạn chuyển đổi sản xuất nông nghiệp bằng việc lên liếp trồng cam mật đã đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, ông sở hữu 10 công cam và bình quân thu về lợi nhuận khoảng 80 triệu đồng/năm sau khi trừ chi phí.

“Hiện vườn cam nhà tôi đã cho trái, năng suất ước đạt trên 10 tấn và năm nay chỉ cần thương lái vào tận vườn thu mua với giá từ 13.000-14.000 đồng/kg thì tôi thu lãi không dưới 100 triệu đồng. Để tiếp tục phát triển kinh tế gia đình, tôi đã và đang cải tạo hơn 3 công đất để thực hiện thí điểm mô hình trồng hoa dưới bóng râm vườn cây ăn trái, với mong muốn hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sản xuất ra sản phẩm sạch, đạt chất lượng, đảm bảo sức khỏe cho người dùng”, ông Chợ chia sẻ thêm.

Ông Chợ cho rằng, vài năm trở lại đây, người dân địa phương luôn sử dụng thuốc khai hoang để phun xịt tiêu diệt cỏ dại, từ đó nguồn phế phẩm đã khan hiếm. Trong khi vườn cây ăn trái nhà ông rất cần để đắp mô, giữ độ ẩm trong đất, giúp cây phát triển tốt. Do vậy, ông đã nảy sinh ý tưởng trồng hoa mười giờ xung quanh tán cây ăn trái và qua hơn 1 năm trồng thí nghiệm, vườn cây ăn trái nhà ông đã phát triển xanh tốt. Hơn cả là ông ít khi sử dụng thuốc hóa học để xua đuổi côn trùng, sâu bọ gây hại.

Ông Nguyễn Hồng Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Bình, nhìn nhận: Thời gian qua, khi nói về tình hình sản xuất nông nghiệp ở địa phương đã xuất hiện nhiều mô hình nổi bật, trong đó có mô hình trồng hoa dưới bóng râm vườn cây ăn trái của ông Chợ. Đây là mô hình kết hợp thông minh, bởi khi người dân trồng xen hoa với cây trồng thì thu hút và dẫn dụ thiên địch, góp phần hạn chế những côn trùng gây hại. Với cách làm này, người dân vừa tiết kiệm chi phí sản xuất, vừa hạn chế ngày công lao động. “Dưới góc độ quản lý của hội nông dân địa phương, tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục phổ biến và tuyên truyền nhân rộng mô hình này thông qua các buổi tập huấn kỹ thuật nhằm giúp người dân áp dụng làm theo, với mục tiêu là hướng đến chuỗi sản xuất nông nghiệp sạch, nâng cao giá trị sản phẩm”, ông Sáng cho hay”.

Còn ông Phan Văn Thật, Phó Chủ tịch UBND xã Long Bình, cho biết thêm: Để tiếp tục phát triển kinh tế nông thôn và thực hiện theo chủ trương chung của tỉnh, thời gian sắp tới, địa phương sẽ chỉ đạo và đẩy mạnh chuyển đổi sản xuất, lựa chọn cây, con giống phù hợp, thích nghi tốt với điều kiện thổ nhưỡng. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác đến bao tiêu sản phẩm giúp người dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống gia đình. Với hướng đi này, xã hy vọng sớm thực hiện thắng lợi mục tiêu là đưa nền nông nghiệp phát triển theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm, mang lại giá trị kinh tế cao, nâng thu nhập, kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, góp phần rút ngắn lộ trình xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Bài, ảnh: CHÍ CÔNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>