Khi nông dân bỏ mía

20/07/2018 | 07:52 GMT+7

Nhận định việc sản xuất mía trong niên vụ 2018-2019 này sẽ không thuận lợi, nhất là giá bán ở mức thấp nên không ít nông dân trồng mía trên địa bàn thành phố Vị Thanh đã chuyển đổi sang cây trồng khác nhằm tránh thua lỗ.

Ông Dũng đang tích cực chăm sóc rẫy bắp, ổi sau khi bỏ mía chuyển qua trồng cho hiệu quả kinh tế cao.

Dù rất buồn vì đã hơn 20 năm gắn bó với cây mía, nhưng sau khi thu hoạch xong vụ mía vừa qua, ông Nguyễn Văn Dũng, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, cũng đã chuyển hơn 6 công mía của gia đình sang trồng ổi lê và bắp nếp với hy vọng cải thiện nguồn thu nhập. Bởi, mùa thu hoạch mía vừa qua, ông Dũng bán mía tại rẫy có giá 800 đồng/kg và sau khi trừ chi phí thì ông chỉ huề vốn sau gần một năm tích cực chăm sóc. Khi nhận thấy việc sản xuất mía không đem lại hiệu quả, nhất là trước tình hình khó khăn của ngành mía đường khi Việt Nam chính thức gia nhập Khu vực mậu dịch tự do (AFTA) vào đầu năm 2018, nên ông và một số hộ dân nơi đây đã quyết định bỏ mía. 

Ông Dũng chia sẻ: “Sau thời gian trồng 65-70 ngày, vừa qua gia đình tôi đã thu hoạch đợt bắp đầu tiên. Thông thường một công bắp có thể thu hoạch khoảng 1.500 trái, với giá bán 1.400-1.500 đồng/trái, sau khi trừ chi phí, tôi kiếm được lợi nhuận gần 3 triệu đồng/công. Trong khi cả năm chăm sóc cho cây mía nhưng đợt thu hoạch vừa qua tôi chỉ huề vốn”. Từ hiệu quả ban đầu của mô hình trồng bắp nếp, hiện ông Dũng tiếp tục xuống giống đợt bắp thứ 2 và đang tích cực chăm sóc. Ngoài ra, những cây ổi lê được ông trồng cặp theo mé liếp cũng đang cho trái khá nhiều, hứa hẹn mang về nguồn thu nhập đáng kể cho ông trong ít ngày tới.

Giống như ông Dũng, ông Ngô Hoàng Hiệp, ở cùng ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, sau hơn 30 năm bám nghề trồng mía nhưng vì nguồn thu nhập ở mức thấp, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình nên ông đã từ bỏ cây mía để chuyển sang trồng lúa. Ông Hiệp thông tin: “Gia đình tôi có 1,3ha đất chuyên trồng mía, nhưng vì lỗ lã nên năm trước tôi đã mướn máy vào ban liếp xuống mương để trồng lúa được 5 công. Ba vụ thu hoạch lúa vừa qua đều đạt năng suất tốt, trong đó vụ lúa Đông xuân cũng đạt hơn 1 tấn/công, hai vụ còn lại là Hè thu và Thu đông từ 700-800 kg/công. Với năng suất này cộng với giá lúa hấp dẫn (từ 5.200-6.000 đồng/kg) nên sau khi trừ chi phí, bình quân mỗi vụ lúa tôi đạt mức lợi nhuận từ 2-3 triệu đồng/công. Chính điều này, sau khi thu hoạch vụ mía vừa rồi, tôi quyết định ban tiếp 8 công mía còn lại để chuyển sang trồng lúa”.

Theo quan sát của chúng tôi, hiện không riêng ông Hiệp mà khu vực phía sau nhà ông đã có rất nhiều nông dân bỏ mía để chuyển sang trồng lúa. Bởi theo đánh giá của bà con, canh tác lúa ngoài cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với cây mía thì làm lúa nông dân có thể sản xuất được 3 vụ/năm nên không bị áp lực lớn về nguồn thu nhập. Còn trồng mía cả năm mới thu hoạch một lần và đôi khi còn bị thua lỗ sau khi bán mía nên gia đình sẽ càng gặp khó. Trước tình hình khó khăn chung của ngành mía đường như hiện nay nên dự báo vụ mía tới đây nông dân khó có “mùa mía ngọt”. 

Ông Trần Huy Phong, ở khu vực 1, phường VII, bộc bạch: “Với giá sàn bảo hiểm được nhà máy đường đưa ra để ký kết hợp đồng cho nông dân trong niên vụ mía sắp thu hoạch tới đây là 800 đồng/kg mía 10 chữ đường cân tại cầu cảng nhà máy. Như vậy, khả năng giá mía mà nông dân bán tại rẫy ở mức cao lắm cũng chỉ từ 650-700 đồng/kg, trong khi chi phí đầu tư cho vụ mía này chỉ tính sơ bộ là 750 đồng/kg. Dù chưa bán mía nhưng nông dân cầm chắc thua lỗ sau 1 năm canh tác. Nếu còn thua lỗ thì việc nông dân bỏ mía hàng loạt, trong đó có gia đình tôi là chuyện không thể tránh khỏi”.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp thành phố Vị Thanh, niên vụ mía 2018-2019, nông dân thành phố xuống giống được 1.832ha, giảm 58ha so với cùng kỳ. Hiện không riêng gì nông dân trồng mía ở Vị Thanh bỏ mía mà có không ít bà con ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy cũng trong cảnh tương tự nên diện tích mía trên địa bàn tỉnh vụ này giảm gần 300ha. Theo nhận định của ngành chức năng các địa phương có mía của tỉnh, diện tích mía được dự báo sẽ tiếp tục giảm nhiều hơn sau khi nông dân thu hoạch xong vụ mía sắp tới, vì khả năng sẽ đối mặt với mùa mía “đắng”.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho rằng: Trước mắt ngành chức năng các địa phương nên đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về viễn cảnh của ngành mía đường hiện nay và nguy cơ nông dân sẽ không hưởng được mùa mía “ngọt” trong đợt thu hoạch mía sắp tới đây để bà có sự chuẩn bị về mặt tâm lý và đồng cảm cùng nhà máy đường để vượt qua khó khăn. Các địa phương cứ mạnh dạn vận động người dân chuyển đổi ở những vùng sản xuất mía không hiệu quả sang cây trồng khác, trong đó tập trung vào sản xuất rau màu và cây ngắn ngày. Bởi quan điểm của ngành nông nghiệp tỉnh là tới đây tỉnh chỉ giữ một diện tích mía nhất định để đủ cung cấp cho các nhà máy đường trong tỉnh hoạt động, đồng thời có thể dễ dàng trong việc tập trung đầu tư nhằm hạ giá thành sản xuất còn 500 đồng/kg. Có như vậy, nhà máy đường và người trồng mía mới đủ sức cạnh tranh trước tình hình hội nhập như hiện nay. Riêng các nhà máy đường không nên lo lắng nhiều về việc chuyển đổi của bà con, vì nông dân chỉ tạm thời chuyển đổi cây trồng và liếp mía vẫn còn giữ nguyên, khi tình hình tiêu thụ đường sáng sủa thì sẽ quay sang trồng mía trở lại.  

Mặc dù lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh có những chia sẻ lạc quan, nhưng từ chuyện bà con nông dân trồng mía đã nản lòng, tính chuyện từ bỏ mía để chuyển sang cây trồng khác khi lợi ích kinh tế không đảm bảo. Từ đó, sẽ đặt ra những thách thức cho ngành mía đường phải đối mặt trong thời gian tới và có thể ảnh hưởng đến tình hình hoạt động. Do đó, cần phải có những giải pháp căn cơ để tạo niềm tin cho người trồng mía để họ an tâm sản xuất thì vùng mía nguyên liệu mới được đảm bảo, còn trái lại diện tích mía ít dần qua từng năm là chuyện khó tránh khỏi...

Niên vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống gần 10.600ha, tập trung ở huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh. Hiện mía trong giai đoạn từ 7-8 tháng tuổi và đang phát triển tốt. Theo dự kiến thì các nhà máy đường trong tỉnh sẽ bắt đầu vào vụ ép từ giữa tháng 9 tới.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>