Khởi động vụ mía mới

29/12/2017 | 08:12 GMT+7

Tranh thủ nước lũ rút và tận dụng giá mía giống đầu vụ rẻ, nhiều nông dân tại các vùng mía của tỉnh có đất liếp cao đang tất bật vệ sinh đồng ruộng và xuống giống cho niên vụ mía 2017-2018 với nhiều kỳ vọng.

Nông dân vùng mía huyện Phụng Hiệp đang rộn ràng các công việc cho đợt xuống giống mía.

Sau khi cơn bão số 16 đi qua, hiện về vùng mía nguyên liệu lớn nhất của tỉnh là huyện Phụng Hiệp, không khí nông dân ra đồng đào hộc, chặt và đặt hom mía lại rộn ràng. Đang đặt hom mía cho hơn 1ha đất của gia đình, anh Dương Hoàng Trung, ở ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, cho biết: “Trước khi bão vào, gia đình tôi đã thuê nhân công đào hộc mía xong, vừa định xuống giống thì nghe có bão nên ngưng lại và giờ mới đặt hom mía. Hiện tại, tuy nước lũ rút dần nhưng vẫn còn tương đối nhiều nên cánh đồng nơi đây mới chỉ một vài hộ có liếp mía cao như tôi tranh thủ xuống giống trước. Khả năng khoảng nửa tháng nữa bà con xứ này sẽ vào cao điểm xuống giống mía, chủ yếu là ROC 16”.

Cũng theo anh Trung, mặc dù vụ mía vừa qua, nguồn lợi nhuận bà con có được không như vụ trước do giá bán giảm, thế nhưng số tiền lời cũng chấp nhận được, từ đó phần nào tạo không khí vui vẻ khi xuống giống cho niên vụ mía mới này và đặt kỳ vọng sẽ tiếp tục có thêm mùa mía ngọt. Được biết, nhiều niên vụ mía qua, năm nào gia đình anh Trung và một số hộ dân cũng tranh thủ đặt hom mía sớm để giảm được nhiều khoản chi phí đầu vụ như: tiền mua giống mía, thuê nhân công chặt hom mía và đào hộc… do rẻ hơn so với lúc cao điểm xuống giống. Riêng năm nay, tuy mới đầu vụ nhưng giá mía giống và tiền thuê nhân công đang tăng so với cùng kỳ nên khả năng vào cao điểm xuống giống thì giá sẽ còn tiếp tục tăng mạnh hơn. Đây thật sự là một gánh nặng đầu vụ cho người trồng mía. 

Qua ghi nhận của chúng tôi tại một số hộ dân đang xuống giống mía trong lúc này, hiện giá mía giống đầu vụ đang tăng từ 200-300 đồng/kg so với cùng kỳ. Cụ thể, mía giống được thương lái từ huyện Mỹ Tú và Long Phú của tỉnh Sóc Trăng chở về Phụng Hiệp bán với giá từ 1.500-1.700 đồng/kg khi trả tiền mặt, còn thiếu lại thì mỗi ký tăng thêm 50 đồng. Còn về tiền thuê nhân công chặt hom mía là 150.000 đồng/tấn, tăng 20.000 đồng/tấn; tiền đào hộc mía là 1,3 triệu đồng/công, tăng 100.000 đồng/công. “Giống như đợt thu hoạch mía, tình hình thuê nhân công trong những năm gần đây rất khan hiếm do họ rời quê lên thành phố làm công nhân tại các công ty, xí nghiệp, từ đó giá thuê cứ tăng lên theo mùa vụ, nhất là vào cao điểm giá càng tăng hơn nhưng để kiếm được người làm không dễ”, anh Trung cho biết thêm. 

Theo bà con trồng mía, mặc dù giá mía lên xuống thất thường ở từng thời điểm xuống giống, nhưng có điều nông dân cảm thấy an tâm là trong những năm gần đây nguồn mía giống rất dồi dào, với nhiều loại giống khác nhau để phục vụ theo ý thích của mỗi người. Đang ngồi chặt hom mía để chuẩn bị xuống giống cho hơn 1ha mía của gia đình, chị Nguyễn Thị Phượng, ở cùng ấp Hiệp Hòa, xã Hiệp Hưng, thông tin: “Gia đình tôi vừa mua 5 tấn mía hom (giống ROC 16) từ huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng chở về. Năm nay, tuy mới vào đầu vụ nhưng đã có rất nhiều “cò” bán mía giống ở nhiều nơi rảo quanh đây để kiếm mối từ nông dân. Bà con nào có nhu cầu thì chỉ cần thương thảo với “cò”, nếu được giá thì đặt tiền cọc và thống nhất ngày giao mía hom là xong. Điều an tâm là cần bao nhiêu mía giống cũng có, nhưng đa phần bà con thường chọn các mối quen để có nguồn mía giống chất lượng”.

Theo kế hoạch, niên vụ mía 2017-2018, toàn huyện Phụng Hiệp sẽ xuống giống 7.500ha, tương đương cùng kỳ. Hiện tại, tranh thủ nước lũ đang rút dần và nhằm đảm bảo lịch thời vụ, nông dân ở một số địa phương có truyền thống bán mía chục như xã Tân Phước Hưng, Hiệp Hưng, thị trấn Búng Tàu… đã bắt đầu xuống giống được hơn 500ha mía liếp, với giống mía chủ lực là ROC 16. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho hay: Niên vụ mía năm nay, nhìn chung cơ cấu giống mía được nông dân chọn trồng sẽ không có nhiều thay đổi so với cùng kỳ, với một số loại giống quen thuộc như ROC 16 và các giống thuộc nhóm K. Tới đây, ngành nông nghiệp huyện sẽ hỗ trợ, hướng dẫn nông dân các giải pháp canh tác mía đạt hiệu quả. 

Cùng với nông dân huyện Phụng Hiệp, bà con vùng mía lớn thứ 2 của tỉnh là thành phố Vị Thanh cũng đang xuống giống cho niên vụ mía mới khi vừa thu hoạch xong vụ mía. Anh Nguyễn Thanh Xuân, ở ấp Mỹ 1, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Do trồng giống mía có thời gian sinh trưởng dài ngày (Suphan Buri 7) nên khi vừa bán mía xong là tôi cùng bà con nơi đây tiến hành đào hộc lại ngay để đặt hom cho kịp thời vụ và hiện 5 công mía của gia đình đã xuống giống gần xong. Giống như nhiều địa phương có mía trong tỉnh, bà con nơi đây cũng rất khó khăn trong việc kiếm nhân công làm thuê ở các khâu trong sản xuất mía nên giá mướn cứ tăng dần. Do đó, nông dân mong sao vụ mía tới đây giá bán được ổn định ở mức cao để an tâm gắn bó với cây mía”.

Để giúp cho người trồng mía phần nào giảm gánh nặng về nguồn giống mía đầu vụ, nhiều năm qua, Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đều triển khai chương trình cho nông dân mượn giống mía, đến khi bà con thu hoạch sẽ thu hồi lại để cho hộ khác mượn trồng vụ mía tiếp theo. Năm nay, chương trình này đang được Bộ phận khuyến nông của Casuco lên kế hoạch trình Ban giám đốc công ty phê duyệt và sẽ được thực hiện trong thời gian tới.   

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>