Khôi phục lại vùng quýt đường Long Trị

21/06/2017 | 08:06 GMT+7

Trước nguy cơ khó giữ được diện tích quýt đường Long Trị do dịch bệnh vàng lá gây ra, hiện ngành chuyên môn đã tìm ra nguyên nhân gây bệnh và có hướng giải quyết để dần khôi phục lại cây quýt đường là đặc sản của vùng Long Trị, thị xã Long Mỹ nói riêng và của tỉnh Hậu Giang nói chung.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT tỉnh khảo sát vườn quýt đường tại xã Long Trị.

Gắn bó với cây quýt hơn nửa đời người, chưa bao giờ ông Nguyễn Văn Bâng, ở ấp 8, xã Long Trị, có thể ngờ đến có ngày phải tự mình đốn bỏ vườn quýt mà gia đình ông đặt nhiều tâm huyết. “Hai năm trước, khi vườn quýt phát bệnh vàng lá không cho năng suất, tôi đã đốn bỏ tất cả 7 công vườn. Sau đó, có trồng thử nghiệm thêm 200 gốc cam nhưng cũng dần héo lá, chết cây khi chưa kịp cho trái. Trong thời gian đợi tìm ra nguyên nhân gây bệnh trên cây quýt, tôi đã trồng chuối cau để bán kiếm thêm thu nhập”, ông Bâng cho biết.

Hiện nay, diện tích quýt đường ở xã Long Trị đã phát triển lên đến gần 196ha, riêng HTX quýt đường chiếm 104ha. Qua rà soát, đã có 80% diện tích trồng quýt bị nhiễm bệnh vàng lá mà chưa tìm ra nguyên nhân. Thấy được lợi ích kinh tế từ việc trồng quýt, nhiều nhà vườn ở địa phương này sau khi đốn bỏ vườn quýt bệnh liền mua cây giống để trồng mới nhưng không mang lại hiệu quả. Như trường hợp của ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX quýt đường Long Trị. Vườn quýt 6 công của gia đình ông trồng được 1 năm nhưng hiện đã có dấu hiệu vàng lá, không phát triển. Ông Út lo lắng: “Nông dân ở vùng này không thể bỏ cây quýt được, nhưng hiện chúng tôi không có nguồn giống chất lượng để trồng. Kỹ thuật canh tác cũng chưa đạt hiệu quả, vì thế mà cứ trồng rồi đốn bỏ. Tôi mong ngành chức năng sớm có giải pháp để giúp nhà vườn trồng quýt gầy dựng lại thương hiệu trong thời gian tới”.

Thực trạng cây quýt đường ở xã Long Trị bị vàng lá không mang lại hiệu quả kinh tế như hiện nay, nguyên nhân được xác định là do diện tích đất trồng bị khai thác quá nhiều trong thời gian dài nhưng nhà vườn thiếu kiến thức chăm sóc nên đất thiếu PH, vôi và chất dinh dưỡng. Mặt khác, thói quen bón phân theo hình thức rải đã làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây quýt do thiếu kẽm. Theo ngành chức năng, cách xử lý ra hoa nghịch vụ cũng là nguyên nhân làm cho cây mau kiệt sức, việc siết nước để xử lý ra hoa cũng làm ảnh hưởng đến bộ rễ của cây.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hậu Giang, cho biết: Qua khảo sát tại các vườn quýt bị bệnh ở xã Long Trị thì cây bị vàng lá, lá có hình tai thỏ là dấu hiệu của bệnh vàng lá gân xanh nhưng cũng có thể là do thiếu kẽm. Trên thực tế, đã có nhiều thí nghiệm chứng minh khi cây có múi có dấu hiệu này nếu được cung cấp kẽm bằng cách phun trực tiếp qua lá thì cây sẽ xanh lá. Nông dân có thể dùng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón lá có kẽm để cung cấp cho cây. Còn đối với gốc thì bón phân hữu cơ được ủ từ rơm, rạ, phân chuồng, bã bùn, bón vôi, tạo độ tơi xốp cho đất để dễ dàng hấp thu các chất vi lượng, đa lượng. Hiện nay, nhiều nông dân trồng gừng xen trên đất quýt cũng gây ảnh hưởng đến bộ rễ của cây, vì gừng là loại cây trồng có nhiều tuyến trùng làm ảnh hưởng đến rễ quýt gây ra vàng lá thối rễ. Vì thế, tới đây nhà vườn không nên trồng xen gừng với quýt để bảo vệ cây trồng.

Trên cơ sở tìm ra nguyên nhân gây bệnh vàng lá trên cây quýt ở xã Long Trị, ngành chuyên môn tỉnh đặt ra yêu cầu là sớm khôi phục, cải tạo lại vườn quýt đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Trước hết là lựa chọn cây đầu dòng chất lượng để nhân giống và trồng trên vùng đất Long Trị. Tiến hành hỗ trợ cho nhà vườn quy trình canh tác khoa học, cụ thể là nhận biết được dấu hiệu của bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ, phương pháp chăm sóc hiệu quả, ủ phân hữu cơ bón cho cây. Đặc biệt, là hỗ trợ giống cây trồng xen canh trên vườn quýt, tìm đầu ra cho nông sản để giúp nông dân lấy ngắn nuôi dài trong thời gian nhà vườn cải tạo vườn quýt. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết: Ngành luôn có trách nhiệm trong việc cải tạo, khôi phục lại diện tích trồng quýt tại xã Long Trị, vì đây là đặc sản của tỉnh Hậu Giang. Ngoài giao nhiệm vụ cụ thể cho ngành chức năng để xây dựng dự án cải tạo vườn quýt 100ha, hỗ trợ nông dân về nguồn giống chất lượng, quy trình canh tác khoa học thì từ mô hình này còn giúp nông dân thực hiện khâu bảo quản sau thu hoạch, đảm bảo chất lượng và thẩm mỹ của nông sản để cung ứng ra thị trường. Ngoài ra, trong khâu tiêu thụ, tỉnh đang tiếp tục thực hiện quy trình xúc tiến đầu tư nông sản quýt đường, giới thiệu cho nông dân có nơi tiêu thụ đạt giá cao hơn, cũng như tập huấn và đầu tư, tạo điều kiện cho HTX quýt đường hoạt động hiệu quả.

Từ những giải pháp căn cơ của lãnh đạo các cấp sẽ là điều kiện tốt để từng bước khôi phục lại vườn quýt đường Long Trị trong thời gian tới. Đây là nền tảng để nông dân của địa phương này phát triển kinh tế, đóng góp vào sự phát triển của quê hương, đặc biệt là phong trào xây dựng nông thôn mới đang được phát động thực hiện.

Bài, ảnh: HOÀNG NHÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>