Kỳ vọng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”

28/09/2018 | 08:18 GMT+7

Với mục tiêu nâng cao giá trị sản phẩm, các xã nông thôn mới đang xây dựng chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” với nhiều kỳ vọng.

Khóm Cầu Đúc là sản phẩm được tỉnh tập trung đầu tư đạt tiêu chuẩn quốc tế trong thời gian tới. 

Chưa phát triển được nhiều sản phẩm thế mạnh

Theo Sở NN&PTNT tỉnh, việc sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn tỉnh hiện chủ yếu là mô hình kinh tế hộ, còn mô hình sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, hợp tác xã) còn hạn chế cả về số lượng, chất lượng. Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại hiệu quả chưa cao, người dân chưa chú trọng phát triển sản phẩm truyền thống có lợi thế, nhiều dự án khi rút đi thì người dân không đủ điều kiện phát triển tiếp. Mặt khác, dù thời gian qua ngành chức năng tỉnh thường xuyên quan tâm xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh nhưng đến nay Hậu Giang chỉ có 12/48 sản phẩm lợi thế, chủ lực của địa phương được chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ và nhãn hiệu hàng hóa, trong đó có 3 sản phẩm đã có thương hiệu.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Một thực trạng mà chúng ta cần nhìn nhận là trong số 12 sản phẩm nông sản, tiểu thủ công nghiệp đã được bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp thì chỉ có vài mặt hàng như: khóm Cầu Đúc, chanh không hạt, bưởi Năm Roi, bưởi da xanh, cá thát lát... xây dựng được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Đa số sản phẩm còn lại do chưa thực hiện duy trì đảm bảo chất lượng, cải tiến mẫu mã, tem sản phẩm phù hợp thị hiếu thị trường nên khó cạnh tranh và tiêu thụ không ổn định. Riêng nhóm sản phẩm chưa được cấp chứng nhận quyền sở hữu công nghiệp thì phần lớn chất lượng sản phẩm không đồng đều, quy mô sản xuất nhỏ lẻ nên cũng rất khó tiếp cận thị trường. Chính những nguyên nhân trên nên thường dẫn đến tình cảnh nông dân sản xuất được mùa thì mất giá và ngược lại, từ đó nguồn thu nhập bị giảm đáng kể.

Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, cho biết tuy quá trình xây dựng NTM của tỉnh qua gần 8 năm đã đạt được nhiều kết quả bước đầu ấn tượng, nhưng công tác xây dựng NTM vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế. Điển hình, là mặc dù các xã đều xây dựng được nhiều mô hình sản xuất hiệu quả nhưng đầu ra không ổn định do mối liên kết 4 nhà trong sản xuất, tiêu thụ còn thiếu tính bền vững; hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX chưa cao, chưa thật sự làm cầu nối giữa thành viên với doanh nghiệp. Do đó, đời sống người dân tuy có bước nâng lên nhưng vẫn còn thấp và tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao so với các tỉnh, thành phố khác.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM tỉnh, chia sẻ: Yêu cầu nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn trong giai đoạn 2016-2020 vẫn là nhiệm vụ cốt lõi trong xây dựng NTM. Riêng UBND tỉnh đã đề ra mục tiêu về nâng cao thu nhập cho người dân ở khu vực nông thôn trong giai đoạn này sẽ tăng gấp 2,5 lần so với năm 2015, phấn đấu giảm hộ nghèo toàn tỉnh còn dưới 4% đến năm 2020. Đây thật sự là nhiệm vụ không hề dễ dàng để các cấp, các ngành và chính quyền địa phương nỗ lực thực hiện.

Nhiều mục tiêu mới đặt ra

Từ những thực trạng đang tồn tại như trên nên khi Chính phủ có chủ trương về việc thực hiện đề án chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đã đặt ra nhiều kỳ vọng cho Hậu Giang. Bởi đây là chương trình nhằm đưa ra các giải pháp để phát triển kinh tế từ sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, truyền thống văn hóa có lợi thế của các địa phương. Bên cạnh đó, chương trình còn là nhiệm vụ trọng tâm trong triển khai xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế khu vực nông thôn, hướng đến giảm nghèo bền vững. Nhận thấy ý nghĩa chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” sẽ là cơ hội giúp các làng nghề, vùng sản xuất phát triển nên UBND tỉnh đã đề ra chương trình, mục tiêu thực hiện của tỉnh theo đề án OCOP trong giai đoạn 2018-2020 và được các ngành, địa phương, người dân đồng tình, nỗ lực triển khai.

Bà Trần Hoa Phượng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh, cho hay: Thành phố rất đồng tình với đề án OCOP mà UBND tỉnh đã đề ra. Theo đó, trong giai đoạn 2018-2020, thành phố sẽ tập trung phát triển 2 sản phẩm đặc trưng và có thế mạnh của địa phương, trong đó khóm Cầu Đúc sẽ phát triển ở xã Hỏa Tiến, Tân Tiến, Hỏa Lựu và Vị Tân. Ngoài phát triển vùng nguyên liệu thì bà con trồng khóm còn sản xuất ra một số sản phẩm từ khóm như: rượu, kẹo, nước màu và gắn với du lịch cộng đồng. Đối với sản phẩm cá thát lát được tập trung sản xuất ở phường IV, phường V và phường VII. Bên cạnh đó, thành phố sẽ tiếp tục quan tâm đến nghề thủ công mỹ nghệ là đan lục bình tại xã Hỏa Lựu và Hỏa Tiến.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, thông tin: Là địa phương có thế mạnh về trồng cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản nên định hướng tới thị xã sẽ có 4 loại sản phẩm tham gia OCOP, gồm: cam sành, rượu cam sành, cá tra và bánh tráng Lộc Phát. Ngoài ra, thị xã cũng đề nghị UBND tỉnh bổ sung thêm vào đề án OCOP của tỉnh là việc khôi phục và phát triển ngành nghề du lịch tại chợ nổi Ngã Bảy.

Ngoài hai địa phương trên, một số sở, ngành tỉnh và chính quyền địa phương khác còn đề nghị UBND tỉnh bổ sung vào chương trình OCOP của tỉnh một số làng nghề truyền thống để có hướng khôi phục và phát triển; bên cạnh những sản phẩm đã có thương hiệu thì tiếp tục có giải pháp phát triển và mở rộng thêm những sản phẩm mới để tăng sức cạnh tranh trên thị trường; việc thực hiện OCOP phải có định hướng cụ thể về giải pháp đầu ra sản phẩm và làm có lộ trình, không gấp gáp.

Theo định hướng thì trong giai đoạn 2018-2020, Hậu Giang sẽ phát triển 34 loại sản phẩm, dịch vụ OCOP, trong đó chủ yếu là nhóm thực phẩm với 24 loại, còn lại là nhóm đồ uống có 3 loại, thảo dược 3 loại, quà lưu niệm và trang trí nội thất có 2 loại, dịch vụ du lịch và bán hàng có 2 sản phẩm. Đặc biệt, phát triển ít nhất 4 sản phẩm có chất lượng và đạt tiêu chuẩn quốc tế, có ít nhất 20 HTX, doanh nghiệp tham gia chương trình OCOP gắn với xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu sản phẩm OCOP. Song song đó, sẽ tập trung nâng cấp, đầu tư để phát triển hai dự án văn hóa du lịch sinh thái cấp tỉnh là dự án khu du lịch Mùa Xuân và vườn trầu Vị Thủy.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Để đạt được những mục tiêu lớn trên, các ngành và chính quyền địa phương cần cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng NTM thì phải thực hiện có hiệu quả nhóm tiêu chí “kinh tế và tổ chức sản xuất”. Bên cạnh đó, có kế hoạch phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nội sinh và gia tăng giá trị...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>