Kỳ vọng trong chăn nuôi

15/02/2019 | 11:11 GMT+7

Sau tết, hoạt động sản xuất bắt đầu trở lại nhộn nhịp. Nhiều hộ dân cho biết đang chuẩn bị tái đàn gia súc, gia cầm với kỳ vọng một năm mới thuận lợi hơn trong chăn nuôi.

Heo con hút hàng khi nhu cầu tái đàn tăng.

Chị Lý Thị Xuyên, ở ấp 8, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy, người chăn nuôi vịt lấy trứng cho biết nếu trước tết giá trứng vịt lên đến 25.000 đồng/chục thì 3 ngày nay đã sụt giảm xuống còn khoảng 17.000 đồng/chục. “Năm nào cũng vậy, cứ qua tết là trứng vịt rẻ lại. Dự kiến sau khi bán đàn vịt hiện tại, tôi sẽ tiếp tục nuôi mới với số lượng khoảng 1.600 con. Chăn nuôi vịt đã trên 10 năm nên tôi luôn biết cách chăm sóc và chú trọng tiêm đủ bệnh, nhất là dịch bệnh nguy hiểm như H5N1. Ở đây thuận tiện nhất là có thú y xã vào kiểm tra, phun xịt, nếu hết hạn tiêm phòng thì họ tiêm bổ sung, rồi hướng dẫn mình chăn nuôi cho an toàn”, chị Xuyên cho biết.

Chị Xuyên cho biết thêm, ngoài chăn nuôi vịt, chị còn đang dưỡng heo nái để tự gây giống tái đàn, giúp giảm nhẹ chi phí trong chăn nuôi. Sau tết, giá heo hơi cũng sụt giảm khoảng 2.000 đồng/kg, hiện chỉ còn 51.000-52.000 đồng/kg. Tuy nhiên, giá con giống vẫn giữ mức ổn định, khoảng 100.000 đồng/kg và sức mua tăng mạnh.

Tại trang trại nuôi heo của anh Trần Văn Đẳng, ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, heo con đang rất hút hàng do nhu cầu tái đàn tăng. “Trại heo của tôi trung bình mỗi tháng bán khoảng 30-40 con heo giống. Cứ giá này thêm khoảng 6 tháng nữa là gia đình đã gỡ được khoản tiền nợ lúc giá heo rẻ. Đợt heo hơi xuống thấp vừa qua cũng là một bài học kinh nghiệm, bản thân tôi cũng như nhiều người cũng phải cẩn thận hơn khi tái đàn”.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, chăn nuôi nông hộ chiếm trên 80% và chăn nuôi ở Hậu Giang chủ yếu là nhỏ lẻ. Đối tượng chính là heo, gà, vịt. Trên địa bàn tỉnh chưa hình thành được những mô hình chăn nuôi theo chuỗi giá trị nâng cao và đảm bảo an toàn thực phẩm. Tổng đàn heo hiện có trên toàn tỉnh khoảng 160.000 con, số lượng này nhỏ so với mặt bằng chung của cả nước. Đối với những hộ đã tái đàn lại, ngành chức năng khuyến cáo cần đảm bảo tốt điều kiện vệ sinh thú y, điều kiện an toàn dịch bệnh; không nên chạy theo thời giá mà vượt quá tầm quản lý của mình.

Ông Trịnh Hùng Cường, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang, cho biết: Chăn nuôi chịu ảnh hưởng rất lớn bởi điều kiện thời tiết. Nếu thời tiết bất lợi như nóng, lạnh đột ngột sẽ làm sức đề kháng của vật nuôi suy giảm, những vi sinh vật tiềm ẩn sẽ dễ dàng gây hại cho cơ thể vật nuôi. Do vậy, cần tránh những biến động lớn từ môi trường đến vật nuôi. Ngoài ra, trong phòng chống dịch bệnh, tiêm phòng phải theo chu trình khép kín phù hợp từng lứa tuổi heo để đạt được hiệu quả miễn dịch cao nhất.

Nhằm đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, nâng giá trị ngành chăn nuôi trong tổng giá trị sản xuất của ngành nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hậu Giang đã xây dựng kế hoạch quản lý, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm 2019. Một trong những nội dung quan trọng được tập trung là công tác quản lý giống. Cụ thể, ngành chuyên môn quản lý chặt chẽ heo đực giống, nâng dần chất lượng giống heo nhằm thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững. Tiếp tục thực hiện công tác giám định bình tuyển hàng năm, từng bước tiến tới cấp chứng chỉ cho con giống có năng suất, chất lượng để cung cấp nguồn tinh đạt yêu cầu phục vụ nhu cầu sản xuất con giống trên địa bàn. Ngành chức năng cũng định hướng cho các cơ sở nhân giống nên sản xuất heo nái sinh sản thuộc giống Yorkshire, Landrace hoặc giống lai (Landrace và Yorkshire) làm nái để cung ứng kịp thời nhu cầu gây, tạo giống cho các hộ chăn nuôi trên địa bàn. Tương tự, đối với gà, vịt, ngành chức năng cũng tăng cường thanh, kiểm tra điều kiện sản xuất, kinh doanh của các cơ sở cung ứng giống gia cầm.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>