Kỳ vọng vụ lúa Đông xuân thắng lợi

15/01/2018 | 08:00 GMT+7

Được đánh giá là có nhiều mặt thuận lợi trong sản xuất, cộng với sự tích cực chăm sóc của nông dân nên vụ lúa Đông xuân 2017-2018 được kỳ vọng sẽ thành công về mọi mặt.

Nông dân Hậu Giang đang tích cực chăm sóc lúa Đông xuân. 

Lúa phát triển tốt

Những ngày này, chạy dọc theo tuyến đường nối Vị Thanh - Cần Thơ, nhiều ruộng lúa được nông dân gieo sạ hơn một tháng tuổi đang tươi tốt. Riêng những mảnh ruộng trong giai đoạn mạ được nông dân tích cực giặm lại ở những chỗ còn chết giống và hiện lúa cũng phát triển rất tốt. Đang rảo quanh thăm 1,5ha ruộng của gia đình đã xuống giống được 35 ngày tuổi, ông Nguyễn Văn Sỹ, ở ấp 4A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Thời tiết từ khi xuống giống đến nay rất thuận lợi cho cây lúa phát triển, sâu bệnh ít nên tôi chưa phun thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch hại lần nào mà lúa vẫn xanh tốt. Bên cạnh đó, do mùa lũ năm rồi nước lớn và mang theo lượng phù sa trên đồng tương đối khá nên vụ Đông xuân này bà con rất nhẹ phân bón”.

Cách ruộng lúa ông Sỹ không xa, ông Phạm Văn Dũng, ở ấp 3A, xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, thông tin: “Năm nay, bà con ở cánh đồng này chủ yếu gieo sạ giống lúa OM 5451 và hiện các trà lúa được gần 40 ngày tuổi. Theo quan sát từ đầu vụ đến nay thì vụ Đông xuân này cây lúa nở bẹ, đâm chồi và phát triển mạnh hơn so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do năm qua nhuần một tháng, bà con xuống giống trễ và thời điểm này tiết trời se lạnh nên cây lúa rất phát triển. Với việc cây lúa xanh tốt thế này nên khi thăm đồng ai nấy đều phấn khởi và kỳ vọng về một vụ lúa thắng lợi”.

Bên cạnh những vấn đề trên, một yếu tố khác đang tạo động lực cho nông dân hăng say chăm sóc lúa là thông tin từ các doanh nghiệp dự báo về thị trường tiêu thụ lúa Đông xuân tới đây sẽ gặp nhiều thuận lợi về đầu ra. Điều này được thể hiện từ khi bà con chưa xuống giống là đã có nhiều “cò” lúa đến đặt tiền cọc và chốt giá thu mua với nông dân. Theo ghi nhận tại nhiều cánh đồng lúa trên địa bàn tỉnh, hiện “cò” lúa đã hợp đồng bao tiêu lúa cho bà con với giá từ 5.200-5.500 đồng/kg (tùy giống) và đã có không ít hộ chấp nhận lấy tiền cọc với “cò” lúa.

Ông Lương Văn Ngôn, ở khu vực 5, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho hay: “Vụ này, tôi và bà con nơi đây chuyển sang canh tác giống lúa RVT. Hiện lúa gieo sạ được gần một tháng và đã có công ty đến đặt tiền cọc với giá sàn 5.500 đồng/kg, vào thời điểm thu hoạch sẽ mua theo giá thị trường nhưng không thấp hơn giá sàn. Thấy có lợi nên bà con đã chấp nhận lấy tiền cọc và đang tích cực chăm sóc cho cây lúa tốt để sau này cho năng suất cao là có nguồn lợi nhuận hấp dẫn, còn về giá cả thì yên tâm rồi”.    

Theo kế hoạch, vụ lúa Đông xuân 2017-2018, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ xuống giống khoảng 80.000ha. Đến thời điểm này, bà con đã gieo sạ được gần 70.000ha và phân bổ ở các địa phương trong tỉnh, với một số loại giống chủ lực như: OM 5451, OM 4900, RVT, Jasmine 85... Trong đó, huyện Long Mỹ và Vị Thủy là hai địa phương có diện tích xuống giống nhiều nhất, với hơn 16.000ha; kế đến là huyện Phụng Hiệp gần 14.500ha, thị xã Long Mỹ gần 10.000ha, huyện Châu Thành A gần 9.000ha. Hiện tại, các trà lúa tập trung trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh, với diện tích gần 67.000ha, còn lại gần 3.000ha ở huyện Châu Thành A đang trong giai đoạn làm đòng. Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: Với sự chủ động bằng nhiều việc làm thiết thực của ngành nông nghiệp ngay từ đầu vụ xuống giống, như: vận động nông dân vệ sinh đồng ruộng, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật xuống giống, đồng thời ban hành khung lịch thời vụ xuống giống né rầy và được bà con tuân thủ chặt chẽ, nhờ vậy mà hầu hết các trà lúa Đông xuân trên địa bàn tỉnh đang phát triển tốt.  

Không chủ quan với dịch hại

Mặc dù các trà lúa trong tỉnh đang phát triển tốt, tình hình dịch hại tấn công không đáng ngại, nhưng với điều kiện thời tiết vào những ngày này có không khí lạnh, sáng sớm nhiều sương mù, ngày nắng yếu, trời nhiều mây và có mưa nhỏ rải rác ở một vài nơi. Từ điều kiện thời tiết như thế này sẽ thuận lợi cho một số sinh vật phát triển, gây hại trên các loại cây trồng, trong đó có cây lúa. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân và cán bộ khuyến nông ở các địa phương không được lơ là mà cần chủ động phòng ngừa từ lúc bệnh mới phát sinh để tránh cho cây lúa bị ảnh hưởng nặng làm giảm năng suất về sau.

Hiện nay, do đa phần các trà lúa đều trong giai đoạn từ mạ đến đẻ nhánh nên một trong những bệnh mà nông dân cần hết sức cảnh giác lúc này là bệnh đạo ôn lá đã bắt đầu xuất hiện nhiều và đang có nguy cơ lây lan sang diện rộng. Bởi, qua thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận gần 800ha lúa bị nhiễm, tăng hơn 500ha so với cách nay khoảng 10 ngày, với tỷ lệ ảnh hưởng từ 5-10% lá. Cùng với bệnh đạo ôn lá thì diện tích nhiễm rầy nâu cũng có xu hướng phát triển, với diện tích nhiễm hiện tại của toàn tỉnh gần 900ha, mật số từ 750-3.000 con/m2, tuổi rầy từ 1-2 và rầy trưởng thành tăng gần 130ha so với cách nay khoảng 10 ngày. Đặc biệt, trong số diện tích bị rầy nâu tấn công thì có hơn 26ha tại xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ còn bị nhiễm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá, mức độ thiệt hại từ 20-50%. Tuy nhiên, điều đáng mừng là hiện ngành chức năng địa phương và người dân đã khống chế bệnh thành công, khả năng sẽ không tiếp tục lây lan sang diện rộng.

Ông Lê Văn Công, nông dân ở ấp 4, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Tuy lúa đang phát triển tốt và tình hình sâu, bệnh chưa đáng ngại nhưng đây là vụ lúa chính và quyết định đến nguồn thu nhập trong năm nên nông dân luôn đề cao cảnh giác trong việc phòng trừ dịch hại. Cụ thể là thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện và phòng trị đạt hiệu quả khi bệnh mới xuất hiện. Tuy nhiên, điều bà con đáng lo là ở một số diện tích nằm cặp lộ hay vườn đã bị chuột cắn phá rải rác”.

Ông Trần Ngọc Thể, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết thêm: Ngoài kết hợp cùng nông dân thăm đồng thì ngành đang đẩy mạnh việc khuyến cáo bà con không nên bón dư thừa phân đạm làm sâu bệnh dễ phát sinh, đồng thời không nên phun thuốc trừ sâu sớm trong 40 ngày đầu sau khi sạ để bảo tồn thiên địch trên ruộng lúa và khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cần phải tuân thủ theo nguyên tắc 4 đúng. Khi làm tốt các công việc trên sẽ góp phần bảo vệ cây lúa và năng suất khi thu hoạch được như mong muốn. 

Qua thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, hiện toàn tỉnh ghi nhận có gần 3.000ha lúa Đông xuân bị nhiễm sinh vật gây hại, với một số đối tượng phổ biến như: rầy nâu, bệnh đạo ôn lá, chuột, bọ trĩ, sâu cuốn lá, sâu phao, sâu đục thân… Ngoại trừ bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá gây hại nặng thì các đối tượng kể trên chỉ ảnh hưởng ở mức độ nhẹ và đều được nông dân chủ động phòng trừ, khống chế mật số nên không ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng và phát triển của cây lúa.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>