Làm nông thời nay

14/01/2019 | 08:16 GMT+7

Cùng với sự phát triển chung của tỉnh thì sau 15 năm thành lập, lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã có nhiều bước chuyển mạnh mẽ nhờ những chương trình, đề án đi vào thực tế.

Với mong muốn khu vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh vươn lên “phát triển khá” của vùng ĐBSCL vào năm 2020 nên từ ngày thành lập đến nay, nông nghiệp Hậu Giang đã có nhiều bứt phá.

Quýt đường Long Trị là những mặt hàng nông sản của tỉnh đã có nhãn hiệu hàng hóa trên thị trường. 

Bước tiến cơ giới hóa

Nếu như vào thời điểm này của nhiều năm trước, sau khi ruộng lúa Đông xuân của gia đình nằm phía sau nhà được khoảng 35 ngày tuổi và tranh thủ trời nắng của những ngày gần đây là gia đình bà Mai Hồng Thắm cùng nhiều bà con ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tranh thủ xắn những cọng dây lát được trồng xung quanh nhà phơi khắp sân dùng làm dây bó lúa khi vào đợt thu hoạch. Thế nhưng, hiện bà Thắm cũng đang phơi dây lát nhưng không dành bó lúa mà để chuẩn bị buộc những đòn bánh tét nấu vào đêm đón giao thừa của năm Kỷ Hợi sắp tới.

Ngồi dưới ánh nắng có hơi lạnh của mùa xuân, bà Thắm vừa lựa từng cọng lát vừa chia sẻ: “Trước đây, với gần 3ha lúa của gia đình nên mỗi lần thấy lúa trổ bông ngoài đồng là trong nhà phải vất vả tìm dây buộc. Thế nhưng, đã hơn 5 năm qua, kể từ khi có máy gặt đập liên hợp (GĐLH) xuất hiện thì gia đình tôi không còn cực nữa. Vì khi cắt lúa bằng máy, tôi chỉ cần đem bao ra đưa cho chủ máy cắt rồi đợi lúa đầy bao chở vô chất thành cây để cân cho thương lái và đếm tiền là xong. Nhờ rảnh rang và khỏe hơn trong khâu sản xuất lúa mà tôi có nhiều thời gian chuẩn bị nhà cửa được tươm tất để đón xuân”.

Cùng chung niềm phấn khởi khi đang thăm hơn 1ha lúa Đông xuân của gia đình, ông Đinh Quốc Chiến, ở ấp 1, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, cho rằng: “Giờ không còn cảnh như trước là sau khi ăn tết xong phải ra đồng đội từng bó lúa lên đầu để gom thành đống chờ máy lại suốt mà bà con chỉ việc chọn ngày, kết giá với thương lái là xong. Đến ngày cắt chỉ cần đứng trên bờ nhìn máy thu hoạch tít tắt rồi xem cân cho thương lái là cầm bao, cầm tiền đem về nhà. Tính ra thời này làm lúa khỏe hơn trước gấp nhiều lần”.

Do là tỉnh thuần nông nên trong quá trình thực hiện tái cơ cấu thì ngành nông nghiệp tỉnh vẫn xác định lúa là cây trồng chủ lực. Chính vì vậy, để tiết giảm chi phí, giảm giá thành, nâng cao lợi nhuận cho nông dân thì giải pháp quan trọng đã và đang thực hiện có hiệu quả chính là tỉnh triển khai đề án cơ giới hóa trong sản xuất, trong đó máy GĐLH trong thu hoạch lúa được xem là đòn bẩy nhằm giải phóng nhiều sức lao động và giảm chi phí sản xuất đáng kể cho nông dân.

Ngồi hỏi thăm chuyện đồng áng cùng người dân sau những chuyến đi thăm đồng thực tế trong năm 2018 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho hay: Để đẩy mạnh sản xuất lúa theo hướng công nghiệp hóa, tỉnh Hậu Giang đã ban hành Đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa trên địa bàn tỉnh (giai đoạn 2012-2015), mà điểm nhấn chính là tỉnh tạo điều kiện cho nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đầu tư máy GĐLH. Khi có máy cắt đã giúp nông dân thu hoạch lúa nhanh, đảm bảo chất lượng hạt gạo xuất khẩu, đặc biệt là tạo tiền đề cho tỉnh thực hiện cánh đồng lớn và sản xuất lúa hàng hóa tập trung. Nếu như năm 2011, Hậu Giang chỉ có khoảng 130 máy thì đến nay toàn tỉnh có 391 máy GĐLH, đảm bảo thu hoạch trên 80% diện tích lúa của nông dân.

Không chỉ có cơ giới hóa trong thu hoạch lúa mà khâu làm đất cũng có máy trục, máy xới, máy kéo gò, máy san phẳng mặt ruộng nên không còn hình ảnh “con trâu đi trước, cái cày theo sau” nữa. Mặt khác, ở khâu gieo sạ cũng có máy sạ hàng, máy cấy lúa giúp bà con nhẹ công, giảm lượng lúa giống; còn xịt thuốc, bón phân giờ cũng nhờ máy làm. Tính ra, từ khâu làm đất đến thu hoạch trong sản xuất lúa của nông dân giờ đều có cơ giới hóa. Ông Nguyễn Văn Tạ, nông dân ở phường V, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Trước đây một mình tôi làm không nổi 1ha đất vì không đủ sức, giờ làm gì cũng có máy nên một mình tôi đang thuê và cộng thêm đất nhà hơn 6ha để sản xuất lúa trong nhiều năm qua mà vẫn thấy khỏe re”.

Đồng hành cùng cơ giới hóa trong sản xuất lúa thì những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh còn tập trung hoàn thiện hệ thống thủy lợi nội đồng phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong 15 năm qua, tỉnh đã hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín (xây dựng đê bao, cống kết hợp trạm bơm) và mỗi vùng có diện tích 30-100ha. Từ những vùng này mà hầu hết diện tích lúa, cây ăn trái, khóm, mía và trên 70% rau màu của tỉnh được bơm tưới bằng máy, qua đây góp phần nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng, đồng thời chống hạn, lũ, ngăn mặn phục vụ phát triển sản xuất và đời sống người dân.

Trong không khí se lạnh của những ngày này, chỉ tay về cánh đồng lúa xanh mướt, ông Trương Minh Lợi, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, thông tin: “Nhờ Nhà nước đầu tư đê bao, trạm bơm kiên cố và nạo vét kênh nội đồng thường xuyên nên giúp tháo chua rửa phèn tốt, từ đó năng suất lúa nơi đây thường đạt cao, trong đó vụ Đông xuân là hơn 1 tấn/công (1.300m2). Bây giờ làm ruộng khỏe nhiều, không còn phải thức đêm trực máy để canh bơm nước như trước”.

Hệ thống đê bao kết hợp trạm bơm điện kiên cố đang phát huy hiệu quả tích cực trong sản xuất nông nghiệp của bà con. 

Tạo thương hiệu, xây dựng liên kết

Đang rảo quanh vườn xoài rộng 6 công của gia đình đung đưa trái chuẩn bị thu hoạch bán vào dịp tết, anh Phạm Văn Dũng, Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Xoài cát Hòa Lộc, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, chia sẻ: Những năm đầu khi xoài chưa có thương hiệu “Xoài cát Hậu Giang” thì thị trường tiêu thụ đôi lúc gặp khó khăn do người tiêu dùng biết đến chưa nhiều. Thế nhưng, từ khi xoài cát Hậu Giang được chứng nhận, cộng với công tác xúc tiến thương mại mạnh mẽ của ngành chức năng đến các thành phố lớn nên được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến và ưu tiên lựa chọn bởi chất lượng thơm ngon vốn có. Đặc biệt, hiện HTX cũng đã ký kết hợp đồng tiêu thụ xoài với 4 công ty ngoài tỉnh nên bà con rất an tâm về đầu ra sản phẩm. Với lượng trái trên cây, dự kiến mùa thu hoạch xoài tết tới đây, gia đình tôi bán được khoảng 3 tấn trái, với giá dao động từ 40.000-50.000 đồng/kg thì kiếm hơn 100 triệu đồng”.

Cùng với xoài cát Hòa Lộc, hiện Hậu Giang còn có 9 mặt hàng nông sản khác cũng được chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa, gồm: Bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang; cam sành Ngã Bảy; chanh không hạt Hậu Giang; lúa Hậu Giang 2; cá rô Hậu Giang; quýt đường Long Trị; cá thát lát Hậu Giang; khóm Cầu Đúc Hậu Giang; cam xoàn Phụng Hiệp. Gắn với mỗi sản phẩm thì có vùng nguyên liệu với diện tích từ 200ha đến 32.000ha.

Không chỉ quan tâm xây dựng nhãn hiệu nông sản mà ngành chức năng của tỉnh và nông dân còn chú trọng việc sản xuất theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm như mô hình VietGAP, GlobalGAP nên sản phẩm nông sản làm ra không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn liên kết xuất đi nhiều nước trên thế giới. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, thông tin: Hiện đơn vị có 30,2ha chanh không hạt được chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được Công ty The Fruit - Republic (Hà Lan) ký hợp đồng bao tiêu để xuất khẩu. Nhờ canh tác khoa học trên nên sản phẩm chanh không hạt của HTX được tiêu thụ lâu dài ở hệ thống siêu thị Co.opMart và xuất khẩu sang một số nước Trung Đông, châu Âu với giá dao động 10.000-30.000 đồng/kg.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: 15 năm qua, tuy chặng đường không dài nhưng khi nhìn lại thì ngành nông nghiệp tỉnh cũng cho thấy nhiều sự đổi thay mạnh mẽ trên các mặt. Để có được điều này chính là việc ngành đã chọn nhiều giải pháp đột phá, nhất là triển khai nhiều chương trình, đề án thiết thực góp phần tích cực trong việc giúp người dân chọn cây trồng, vật nuôi phù hợp với định hướng tái cơ cấu của ngành nông nghiệp tỉnh theo từng vùng và từng giai đoạn. Qua đây, góp phần ổn định đầu ra sản phẩm và nâng cao hiệu quả kinh tế cho từng mô hình, đưa đời sống người dân nông thôn ngày càng phát triển để mỗi độ tết đến xuân về bà con đều đón tết trong không khí rộn ràng, đầm ấm.

Qua 15 năm phát triển, Hậu Giang đã triển khai 8 chương trình, đề án, dự án và đang mang lại nhiều kết quả gồm: Chương trình phát triển nông sản chủ lực; đề án cơ giới hóa trong sản xuất lúa; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; nâng cao chất lượng hoạt động của hợp tác xã; công nghiệp hóa, điện khí hóa nông nghiệp, nông thôn; phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao; phát triển trạm bơm điện; các dự án sử dụng vốn vay Ngân hàng Thế giới (ODA).

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>