Liên kết sản xuất nông nghiệp

07/10/2020 | 09:29 GMT+7

Tạo chuỗi giá trị liên kết trong sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm đang được huyện Vị Thủy tập trung thực hiện.

Cầu Nàng Mau 2, huyện Vị Thủy, mới được khánh thành đưa vào sử dụng góp phần phục vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện.

Huyện Vị Thủy có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho phát triển nông nghiệp. Với mục tiêu là phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở đổi mới tư duy, đổi mới phương thức sản xuất, việc đẩy mạnh xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi liên kết đang là hướng đi mới giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa nông nghiệp bền vững tại địa phương. Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vị Thủy Nguyễn Văn Vui, cho biết: Để phát huy các tiềm năng sẵn có của địa phương nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế theo hướng bền vững, thời gian qua, huyện đã triển khai chương trình sản xuất nông nghiệp thông minh, chú trọng sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung quy mô lớn, đẩy mạnh liên kết “4 nhà” trong phát triển các loại cây trồng. Quy hoạch hàng hóa theo vùng sản xuất, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tập trung triển khai thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm xây dựng thương hiệu và tăng giá trị hàng hóa nông sản.

Quá trình triển khai thực hiện, nền nông nghiệp của huyện đã hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa có sự liên kết “4 nhà”, điển hình như trên lúa, gạo. Trong vụ Đông xuân 2019-2020, toàn huyện có 2.633ha/3.315 hộ dân tham gia liên kết sản xuất trực tiếp với doanh nghiệp, ngoài ra còn có hơn 6.910ha/7.7134 hộ được ký kết với doanh nghiệp nhưng thông qua thương lái trong và ngoài địa phương. Vụ lúa Hè thu năm 2020, toàn huyện có 10.067ha/10.265 hộ thực hiện liên kết bao tiêu, trong đó có 1.347ha/1.130 hộ được các doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu lúa cho người nông dân.

Đặc biệt năm 2020, ngành nông nghiệp huyện triển khai thực hiện một số mô hình đột phá như: Dự án xây dựng mô hình canh tác lúa ứng dụng công nghệ cao, với quy mô 687ha/600-700 hộ. Dự án này đã được triển khai trong vụ Đông xuân năm 2019-2020 và đang tiếp tục thực hiện. Bên cạnh đó, còn xây dựng mô hình sản xuất lúa thương phẩm sạch, liên kết tiêu thụ sản phẩm với quy mô 510ha/150-200 hộ, dự án đã được triển khai trong vụ lúa Hè thu 2020 và tiếp tục thực hiện trong vụ Thu đông 2020 và Đông xuân năm 2020-2021; dự án hỗ trợ máy móc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu gạo an toàn Vị Thủy; chăn nuôi vịt siêu nạc theo hướng an toàn sinh học gắn với tiêu thụ sản phẩm, với quy mô khoảng 1.000 con. Nhân rộng mô hình chuyển đổi đất trồng lúa vụ 3 kém hiệu quả sang nuôi thủy sản theo hướng nâng cao giá trị, mô hình sản xuất lươn giống bán nhân tạo thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ các nghề nông thôn trên địa bàn huyện.

Ông Trương Văn Trí, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vị Thủy, cho biết: Theo chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm để cho hàng hóa nâng cao giá trị và dần hướng tới xây dựng nền nông nghiệp chất lượng cao, ngành đã vận động thực hiện được 600ha trồng lúa an toàn hữu cơ. Đã hỗ trợ Hợp tác xã Tân Long hoàn thiện hồ sơ đăng ký sản phẩm gạo sạch Vị Thủy theo tiêu chuẩn OCOP, kết quả sản phẩm đạt 4 sao cấp huyện, đồng thời sản phẩm gạo sạch đã được xếp hạng 4 sao khi đưa ra hội đồng cấp tỉnh.

Ngoài ra, ngành nông nghiệp đang phấn đấu thực hiện đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên trên các cây trồng lợi thế hiện nay của huyện là mít ruột đỏ, xoài cát hồng. Năm 2020, cố gắng có thêm 2 sản phẩm là nấm qua chế biến, dưa hấu được công nhận sản phẩm OCOP. Sang năm 2021, tiếp tục thực hiện đối với cá thát lát và tiếp đến các loại cây, con khác.

Đi đôi với phát triển nông nghiệp bền vững, huyện Vị Thủy còn tập trung cho công tác thu ngân sách, giải ngân vốn xây dựng cơ bản. Tính đến nay, tổng thu ngân sách nhà nước toàn huyện trên 443 tỉ đồng, đạt trên 84% kế hoạch, tăng 19,76% so với cùng kỳ. Ông Trần Văn xem, Chi cục trưởng Chi cục thuế khu vực I, cho biết: Tính đến cuối tháng 9, tổng thu nội địa trên địa bàn huyện Vị Thủy trên 6,5 tỉ đồng, bằng 75,05% so với dự toán, tăng 13,37% so cùng kỳ. Tổng thu trừ nguồn thu tiền sử dụng đất, huyện Vị Thủy đạt 73,22%, tăng 15,67% so với cùng kỳ; có 4 nguồn thu đạt từ 70-117,8%. Khó khăn của huyện hiện nay là nguồn thu lệ phí trước bạ, mới đạt 61% dự toán.

Theo ông Mai Trung Kiên, Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng huyện Vị Thủy, với chỉ đạo của huyện, phấn đấu đến cuối tháng 9 khối lượng giải ngân vốn đầu tư công xây dựng cơ bản đạt 90%. Để đạt yêu cầu giải ngân theo chỉ đạo cũng như góp phần cho ngành thuế thu được nguồn thu thuế thầu xây dựng lãng lai, Ban quản lý thường xuyên theo dõi tiến độ các công trình, đôn đốc thực hiện đảm bảo thời gian, chất lượng và kịp thời làm hồ sơ thanh, quyết toán khối lượng. Rà soát những dự án thiếu vốn để điều chuyển vốn đối với các công trình kịp thời. Tính đến nay, trong 34 dự án, chỉ còn 14 công trình đang thực hiện, đạt khối lượng từ 80-90%, các công trình còn lại đã được đưa vào sử dụng của những tháng đầu năm.

Tính đến cuối tháng 9, trong 17 chỉ tiêu nghị quyết đề ra, đến nay huyện Vị Thủy có 6 chỉ tiêu đạt là huy động học sinh, tỷ lệ trường đạt chuẩn, số xã có trạm y tế đạt chuẩn, tuyển quân, tai nạn giao thông, công tác kiểm tra, giám sát, số hộ có đoàn viên hội viên. Có 5 chỉ tiêu thực hiện đạt 70-97% là tổng vốn đầu tư toàn xã hội, thu nội địa, tạo việc làm mới, bảo hiểm y tế, tỷ lệ hộ dân số sử dụng nước hợp vệ sinh. Còn 6 chỉ tiêu xét vào cuối năm.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>