Lo dịch hại trên cây trồng

03/08/2018 | 08:22 GMT+7

Thời tiết nắng, mưa xen kẽ làm cho ẩm độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều đối tượng dịch hại phát sinh trên cây trồng, trong khi công tác phòng trừ gặp không ít khó khăn.

Tranh thủ lúc nắng, nông dân khẩn trương phun thuốc phòng trị dịch hại trên lúa Thu đông gần một tháng tuổi.

Những ngày qua, ông Lê Văn Liệt cùng nhiều nông dân ở cánh đồng lúa ấp 5, xã Vị Thanh, huyện Vị Thủy, tỏ ra lo lắng vì lúa của mình đang bị một số đối tượng dịch hại tấn công nhưng công tác phòng trừ gặp khó vì mưa dầm. Ông Liệt thông tin: “Hiện lúa của tôi và bà con nơi đây được gần một tháng tuổi. Sau những đám mưa mấy ngày gần đây tôi thấy lúa bị sâu cuốn lá và bệnh đạo ôn lá tấn công nên bữa trước định lấy thuốc ra xịt nhưng sáng sớm mới ra tới ruộng thì mưa liên tục. Tranh thủ lúc này có nắng nên tiến hành phun thuốc phòng trị cho an tâm, bởi các dịch hại này chỉ mới xuất hiện, nếu để lâu thì bệnh nặng hơn, khi đó tốn nhiều công sức và chi phí”.

Theo bà con nông dân, so với vụ lúa Đông xuân và Hè thu thì vụ lúa Thu đông này (lúa vụ 3), tình hình sản xuất gặp nhiều khó khăn hơn do gặp bất lợi về thời tiết, vì đây là thời điểm mùa mưa. Chính vì vậy, dịch hại thường xuất hiện nhiều hơn theo từng thời điểm sinh trưởng của cây lúa, thế nhưng công tác phòng trị không phải dễ dàng, có khi vừa phun thuốc xong thì gặp mưa, sang hôm sau phải xịt lại, từ đó dẫn đến chi phí thường ở mức cao, kéo theo diện tích lúa canh tác trong vụ này giảm hơn so với 2 vụ chính.

Đáng lưu ý hiện nay là bệnh đạo ôn lá với diện tích nhiễm bệnh hơn 354ha, tỷ lệ nhiễm từ 5-10%, tăng 200ha so với cách nay khoảng 10 ngày. Bên cạnh đó, sâu cuốn lá cũng gây hại 272ha, đa số sâu ở tuổi 2-5 và làm nhộng, mật số 10-50 con/m2. Ngoài hai đối tượng dịch hại cần quan tâm trên thì rầy nâu cũng đang có xu hướng phát triển mạnh. Bởi toàn tỉnh hiện ghi nhận có gần 1.200ha lúa Thu đông và Hè thu muộn bị nhiễm rầy nâu, tăng gần 500ha so với cách nay khoảng 10 ngày, với mật số từ 750-3.000 con/m2, ở tuổi 1-5 và rầy trưởng thành. Theo dự báo của ngành nông nghiệp tỉnh, trước tình hình thời tiết như hiện nay thì bệnh đạo ôn lá, đốm vằn, sâu cuốn lá sẽ tiếp tục gây hại. Đặc biệt, rầy nâu sẽ còn lây lan sang diện rộng và bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây hại trên lúa Thu đông nên nông dân cần chủ động phòng trừ.

Ông Hà Minh Triều, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Phước Trung, ở ấp Trường Phước A, xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A, cho hay: “Do bà con xã viên tuân thủ lịch thời vụ xuống giống theo hướng né rầy nên hầu hết các diện tích lúa Thu đông được gần một tháng tuổi nơi đây đang phát triển tốt. Tuy nhiên, xác định vụ lúa này sẽ đối mặt với nhiều dịch hại do gặp bất lợi về thời tiết nên tôi và các xã viên luôn chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ hiệu quả”.

Ngoài người trồng lúa lo lắng về tình hình dịch hại đang phát sinh khi vào mùa mưa thì nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng có chung tình cảnh. Theo đó, một trong những loại bệnh thường xuất hiện mạnh trong mùa mưa và gây thiệt hại cho nhà vườn là bệnh xơ đen xảy ra trên trái mít. Điều đáng quan tâm hơn là hiện dịch bệnh này chưa có thuốc đặc trị hữu hiệu, trong khi mít Thái đang là cây trồng mang lại nguồn thu nhập cao nhờ giá cả hấp dẫn nên càng tạo sự lo lắng cho nhà vườn mỗi khi vào mùa mưa như lúc này. Ông Lê Văn Lem, có 4 công mít Thái (gần 300 gốc mít), ở ấp Phước Tân, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho biết: “Mỗi khi vào mùa mưa là tôi và nhiều nhà vườn trồng mít nơi đây thấy lo vì trái mít sẽ bị bệnh xơ đen dẫn đến giá bán thấp. Nhất là hiện nay giá mít đang ở mức trên 30.000 đồng/kg, nếu một trái mít bị xơ đen thì sẽ mất nguồn thu nhập trên 400.000 đồng, vì bình quân mỗi trái có trọng lượng từ 13-14kg, cá biệt có trái nặng đến 27kg”.

Cũng theo ông Lem, vào giai đoạn mít thụ phấn nếu gặp đúng thời điểm mưa thì tỷ lệ trái mít bị bệnh xơ đen sẽ nhiều (thường chiếm từ 20-30% số trái có trong vườn) nên đây là nguyên nhân bệnh xơ đen chỉ xuất hiện vào mùa mưa. Do dịch hại này hiện chưa có thuốc đặc trị nên theo kinh nghiệm nhiều năm trồng mít của ông Lem và nhiều nhà vườn nơi đây thì để hạn chế tỷ lệ bệnh xơ đen trên trái mít, nhiều hộ đã chịu khó che chắn trái mít vào thời điểm thụ phấn khi gặp mưa. Thế nhưng, giải pháp này chỉ thực hiện với những trái mít ở tầm thấp, còn trái mít ở trên cao thì khó làm. Do đó, bà con mong muốn các nhà khoa học sớm có biện pháp hữu hiệu hơn trong phòng trị dịch hại này.

Trước tình hình thời tiết bất lợi, ngành nông nghiệp tỉnh đã đề nghị trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật các địa phương cần phối hợp cùng nông dân thường xuyên thăm đồng để kiểm tra tình hình sinh vật hại trên các loại cây trồng, tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn nông dân các biện pháp quản lý phòng trừ sinh vật gây hại nhằm bảo vệ năng suất cây trồng trong mùa mưa bão như hiện nay.

Dự kiến trong vụ lúa Thu đông năm nay, nông dân trên địa bàn tỉnh xuống giống khoảng 50.000ha trong tổng số gần 80.000ha đất trồng lúa của tỉnh. Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã gieo sạ được khoảng 30.000ha, hiện lúa chủ yếu trong giai đoạn mạ đến đẻ nhánh, tập trung ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>