Lo mùa trái cây tết

17/10/2017 | 07:57 GMT+7

Thời điểm này, nhiều nhà vườn trong tỉnh đã tất bật chuẩn bị trái cây cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán, trong đó có trái cây tạo hình. Nhưng năm nay, dự đoán khả năng sản lượng trái cây tết sẽ giảm khoảng 30%.

Sản lượng trái cây tết ở huyện Châu Thành có khả năng giảm khoảng 30%.

Huyện Châu Thành từ lâu được biết đến như “thủ phủ” trái cây của tỉnh với sản lượng lớn và phong phú, đặc biệt là cây có múi. Mỗi năm, nông dân nơi đây cung ứng nguồn hàng lớn cho thị trường nội tỉnh và khu vực. Chỉ tính riêng bưởi, mỗi năm nông dân huyện Châu Thành thu hoạch hàng ngàn tấn trái, từ đó đời sống của nhiều hộ dân khấm khá hơn. Nhưng năm nay, nhà vườn dự đoán sản lượng bưởi cuối năm có phần sụt giảm do ảnh hưởng bởi thời tiết. Mặt khác, nhiều vườn cây bị lão hóa nên cho năng suất kém, điều này cũng phần nào ảnh hưởng đến lượng bưởi tạo hình trong đợt Tết Nguyên đán tới đây.

Ông Võ Hồng Quốc, ở ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, cho biết năm nay trong vườn nhà ông nguồn bưởi bán tết đã giảm nhiều. Chỉ còn lại khoảng 40 cây bưởi và 200 gốc đào tiên. Trên những cây bưởi còn sung sức, ông Quốc đã chọn và cho vào khuôn tạo hình khoảng 100 trái bưởi. Ngoài ra, ông dự kiến cung ứng thêm khoảng 1.000 trái đào tiên hồ lô vào cuối năm, phục vụ nhu cầu chưng tết cho khách hàng.

Ông Quốc chia sẻ: “Con số 1.100 sản phẩm bao gồm cả bưởi và đào tiên hồ lô chỉ là dự kiến chứ chưa chắc chắn, bởi đào tiên rất khó chăm sóc và tạo hình. Loại này, dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết, mưa gió nhiều dễ tác động gây rụng trái. Vì thế, tôi phải chăm sóc kỹ cây và trái để tránh bị trầy xước. Năm nay là năm nhuần, thời tiết bất lợi bởi mưa trái mùa nhiều khiến bưởi ra hoa sớm, không đồng loạt, sản lượng trái tạo hình cuối năm chắc cũng không nhiều như mọi năm”.

Còn ông Huỳnh Văn Thơm, ở ấp Phú Lễ, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, dự kiến chuẩn bị khoảng 1.500 trái bưởi hồ lô in chữ để bán trong dịp Tết Nguyên đán cuối năm. Vườn bưởi nhà ông Thơm có tuổi đời khoảng 14-20 năm, nhưng nhờ các biện pháp trẻ hóa vườn cây, áp dụng cắt cành tạo tán và chăm sóc kỹ nên năng suất trái vẫn ổn định. Cũng như nhiều nông dân khác, ông Thơm lo ngại thời tiết mưa nhiều làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng trái cuối vụ. “Khi mưa nhiều sẽ dễ gây nấm bệnh ảnh hưởng chất lượng trái, nhất là với trái cây tạo hình thì tính thẩm mỹ rất quan trọng. Vì thế, đòi hỏi tôi phải thăm vườn thường xuyên và chăm sóc kỹ để kịp thời xử lý các bệnh đi kèm thời tiết. Từ khi bắt đầu sản xuất bưởi hồ lô tạo hình này, bình quân thu nhập mỗi năm tăng thêm gấp đôi so với bán bưởi thường. Nếu năm nay tỷ lệ đạt được khoảng 80%, tôi dự kiến sẽ có khoảng 1.300 trái bưởi cung ứng vào dịp tết”.

Thêm một loại trái cây tạo hình nức tiếng khoảng hai năm nay là đu đủ in chữ được chị Nguyễn Thị Ướm, ở thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành, hợp tác cùng những người bạn tiếp tục duy trì. Ngược lại với bưởi tạo hình, đu đủ in chữ năm nay dự kiến vẫn dựa trên những mẫu truyền thống nhưng cải tiến chữ in, có thêm hoa văn tạo điểm nhấn riêng cho từng sản phẩm. Dự kiến năm nay nhóm của chị Ướm sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 1.500 trái đu đủ tạo hình, sản lượng tương đương với những năm trước. Chị Ướm chia sẻ: “Với đu đủ tạo hình, thời điểm chọn và bao trái thường đã bước vào mùa nắng, do đó năng suất sẽ ít bị ảnh hưởng bởi thời tiết”.

Theo đánh giá từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, diện tích trồng bưởi trên địa bàn huyện năm nay giảm khoảng 30% so với năm trước. Nguyên nhân chủ yếu do vườn bưởi đã trồng từ nhiều năm, già cỗi nên lượng trái giảm. Trước tình hình này, để khôi phục lại diện tích trồng bưởi trên địa bàn, ngành nông nghiệp huyện đã triển khai nhiều biện pháp giúp nông dân “trẻ hóa” vườn bưởi.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin: Hiện diện tích bưởi già cỗi ước tính có khoảng 1.000ha. Giải pháp “trẻ hóa” vườn bưởi đã được thực hiện từ nhiều năm nay, chủ yếu là ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân áp dụng các giải pháp cắt tỉa cành, áp dụng khoa học kỹ thuật để cải tạo đất tươi xốp cung cấp chất dinh dưỡng cho bộ rễ nuôi cây. Huyện còn tập trung thực hiện các mô hình hỗ trợ khoa học kỹ thuật cho người dân, hỗ trợ trồng mới từ 7.000-10.000 cây bưởi mỗi năm, trung bình khoảng 1.000 cây/ha để tăng diện tích trồng bưởi trên địa bàn. Riêng sản phẩm trái cây tạo hình, đa số nông dân làm lại các mẫu mã truyền thống như hồ lô tài lộc, thỏi vàng đồng tiền, bưởi biển đảo quê hương... Phỏng đoán về sản lượng năm nay cũng ít hơn những năm trước, bởi để có được 1 trái bưởi tạo hình thì phải áp dụng trên những cây cho trái đạt chuẩn về chất lượng và thẩm mỹ. Đặc biệt, năm nay nhiều hộ cũng liên hệ sản xuất trái cây tạo hình để sản xuất ở những tỉnh lân cận để tạo thêm nguồn cung cho thị trường.

Bài, ảnh: THÚY HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>