Mất mùa vì bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá

16/03/2018 | 07:33 GMT+7

Cùng với các địa phương khác trong tỉnh, hiện nông dân trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng đang tất bật thu hoạch vụ lúa Đông xuân 2017-2018. Tuy nhiên, bên cạnh những hộ có niềm vui chung là lúa trúng mùa, bán được giá thì lại có không ít bà con lần đầu tiên đối mặt với tình trạng thua lỗ do dịch bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL).

Nhiều diện tích lúa Đông xuân của người dân ở ấp 3, xã Thuận Hòa bị thiệt hại nặng do bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá.

Những ngày này, cánh đồng lúa Đông xuân ở ấp 3, xã Thuận Hòa tuy đang thu hoạch nhưng chỉ có khoảng 20% hộ canh tác giống lúa OM 5451 có niềm vui vì năng suất lúa nơi đây cũng giống như nhiều cánh đồng khác khi dao động từ 1-1,1 tấn/công, giá bán 5.800-6.000 đồng/kg, thu lợi nhuận từ 35-40 triệu đồng/ha. Còn khoảng 80% diện tích trồng giống lúa RVT thì hầu hết đều bị nhiễm bệnh VL-LXL, với tỷ lệ từ 30-70%, có nhiều ruộng bị hơn 70%. Chính vì vậy mà bà con nơi đây rất buồn.

Ngồi thẫn thờ trước nhà vì trong lòng buồn cho 1,3ha lúa của gia đình đang bị bệnh VL-LXL với tỷ lệ khoảng 70%, ông Huỳnh Văn Sanh, ở ấp 3, chia sẻ: “Vụ Đông xuân này, gia đình tôi canh tác được 2ha, nhưng có đến 1,3ha bị nhiễm nặng bệnh VL-LXL và khả năng thu hoạch thì năng suất chỉ đạt khoảng 300 kg/công (1.300m2) là cao, còn diện tích nhiễm nhẹ cũng chừng 600 kg/công. Trong khi cùng kỳ năm rồi và cũng cùng sạ một loại giống nhưng năng suất hơn 1 tấn/công”.

Cách ruộng ông Sanh không xa, ông Huỳnh Hoàng Lâm cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự khi toàn bộ hơn 1,3ha ruộng của gia đình đều bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ hơn 70%. Chỉ biết lắc đầu khi chỉ tay về mảnh ruộng của gia đình, ông Lâm than: “Vụ lúa chính trong năm mà gặp tình hình này thì nông dân sao mà không đau lòng cho được. Nhất là hơn mười năm từ khi tôi làm lúa đến nay thì chỉ có vụ này giá lúa mới đạt 7.000 đồng/kg và giờ nghe đâu là 7.300 đồng/kg rồi. Nhưng giá lúa càng lên thì càng thêm buồn mà thôi vì có lúa đâu mà bán!”.

Theo bà con nơi đây, giống lúa RVT đã được nông dân canh tác nhiều vụ trước và đây là lần đầu tiên gặp tình trạng bị bệnh VL-LXL. Lúc lúa còn nhỏ đến trước khi rải phân rước đòng để chuẩn bị trổ bông thì mảnh ruộng nào cũng xanh tốt nên nhìn lúa ai nấy cũng mê và đánh giá năm nay sẽ trúng hơn mọi năm do thời tiết thuận lợi. Nào ngờ, khi lúa chuyển qua giai đoạn trổ bông thì có biểu hiện vàng lá, đòng đòng no tròn nhưng trổ bông rất ít. Ngoài ra, lá lúa có biểu hiện xoắn lại và đến thời điểm gần cắt như lúc này nhưng có nhiều cây vẫn còn no đòng. Khi thấy lúa có biểu hiện lạ, không ít nông dân bón thêm phân và phun thuốc kích thích trổ bông nhưng có làm cách mấy thì vẫn không có tác dụng gì nên đành ngậm ngùi nhìn lúa thất mùa trước ngày cắt.

Ông Huỳnh Văn Tân, cũng có hơn 1ha lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL với tỷ lệ khoảng 70%, ở cùng ấp 3, nhận định: “Có nhiều khả năng rầy nâu di trú vào lúa khi vừa mới gieo sạ được khoảng nửa tháng và có mang theo mầm bệnh VL-LXL rồi chích vào cây lúa trước khi bà con phun thuốc tiêu diệt. Bởi vào thời điểm đó, rầy nâu xuất hiện với mật số cao trên cánh đồng này và đã truyền bệnh cho cây lúa nhưng nông dân không biết mà cứ nghĩ rầy bình thường như những năm trước nên khi diệt xong là an tâm. Ngờ đâu đến lúc lúa trổ bông mới thấy biểu hiện bị bệnh thì không có cách nào cứu được”.

Ông Lữ Hoàng Nhân, có 1,3/2,1ha lúa đang bị nhiễm bệnh VL-LXL trên 70% ở ấp 1, xã Thuận Hòa, cho hay: “Toàn khu vực cánh đồng nơi đây có khoảng 5ha bị nhiễm bệnh VL-LXL nặng và tất cả diện tích này đều gieo sạ vào khoảng ngày 13 đến 15-10-2017 (âm lịch) và cũng trùng khớp với thời gian xuống giống ở nhiều ruộng bị nhiễm nặng bệnh VL-LXL trên địa bàn xã. Riêng những ruộng xuống giống từ ngày 25-10-2017 (âm lịch) trở về sau này thì tương đối đỡ hoặc bị bệnh nhẹ hơn”.

Trước tình hình dịch hại trên, bà con canh tác giống lúa RVT ở ấp 1, ấp 3, xã Thuận Hòa và một số xã khác trên địa bàn huyện Long Mỹ đều nhẩm tính trước mắt sẽ bị thua lỗ khoảng 4 triệu đồng/ha. Bà Bùi Thị Hoa, ở ấp 3, xã Thuận Hòa, thông tin: “Ngày 29-1 (âm lịch) này, gia đình tôi sẽ thu hoạch lúa. Nhưng với tỷ lệ nhiễm bệnh VL-LXL khoảng 70% như thế này thì năng suất khoảng 300 kg/công, giá bán 7.000 đồng/kg thì cho nguồn thu nhập 2,1 triệu đồng/công. Trong khi chi phí vụ này ước tính không dưới 2,5 triệu đồng/công. Như vậy, tính sơ sơ đã lỗ 400.000 đồng/công, thậm chí có hộ còn lỗ nhiều hơn do tỷ lệ bệnh nặng hơn hay những hộ thuê đất thì càng lâm vào cảnh khổ. Do đó, bà con mong muốn các ngành chức năng liên quan của huyện, tỉnh xem xét có giải pháp hỗ trợ phần nào để giúp nông dân nơi đây vượt qua khó khăn”.

Ông Hồ Anh Vũ, Phó Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho hay: Hiện ngành nông nghiệp huyện đã tổ chức đi điều tra nắm tình hình và thống kê diện tích lúa bị bệnh VL-LXL trên địa bàn huyện. Đồng thời, tham mưu cho UBND huyện trình Sở NN&PTNT có hướng trình UBND tỉnh xem xét có giải pháp hỗ trợ cho nông dân bị thiệt hại. Trước mắt, để hạn chế bệnh VL-LXL lây lan sang diện rộng, nhất là trên các trà lúa đang trong giai đoạn đòng - trổ (khoảng 2.000ha) và lúa Hè thu chuẩn bị xuống giống, ngành nông nghiệp huyện khuyến cáo nông dân cần thường xuyên thăm đồng và phun thuốc điều trị khi có rầy nâu xuất hiện hoặc khi nghe thông báo trên loa phát thanh về tình hình rầy nâu di trú...

Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, đến ngày 12-3, toàn huyện ghi nhận có hơn 331ha lúa Đông xuân 2017-2018 bị bệnh VL-LXL, trong đó có 26,7ha bị nhiễm dưới 30%, 290ha bị nhiễm từ 30-70% và 14ha bị nhiễm trên 70%. Diện tích nhiễm bệnh VL-LXL trên chủ yếu ở 3 xã, gồm: Thuận Hòa (hơn 166ha), Xà Phiên (hơn 105ha) và Lương Nghĩa (hơn 59ha). 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>