Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang: Vì sao khó nhân rộng ?

18/05/2018 | 10:35 GMT+7

Bài 2: Còn nhiều điểm nghẽn

Xuất phát điểm nền nông nghiệp tỉnh Hậu Giang thấp, đa số nông dân sản xuất tự phát không theo quy hoạch và khuyến cáo của ngành chuyên môn, đặc biệt là thiếu quan tâm đến quy trình kỹ thuật, chất lượng cây con giống, khoa học công nghệ, nguồn lực... nên thường gặp nhiều rủi ro trong quá trình sản xuất và đầu ra sản phẩm.

Mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày không triển khai được do chi phí người dân phải bỏ ra khá lớn.

Ngành nông nghiệp Hậu Giang cho rằng nhiều chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn của Trung ương được tỉnh cụ thể hóa bằng các chương trình, đề án và mô hình sản xuất nông nghiệp nhưng do ngân sách tỉnh hạn chế và chưa tiếp cận được nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương nên chính sách hỗ trợ ở một số đề án và mô hình còn hạn chế, thiếu đồng bộ. Ngoài ra, cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến nông sản nhất là giao thông, thủy lợi nội đồng, đầu tư xây dựng kho chứa… tuy được quan tâm nhưng chưa đáp ứng yêu cầu sản xuất, nhất là cơ sở hạ tầng phục vụ chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản. Hầu hết các tiêu chí về cơ sở hạ tầng nông thôn so với các tiêu chí nông thôn mới còn thiếu và phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp chưa đáp ứng yêu cầu.

Thiếu nguồn lực

Ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, khẳng định: Sản xuất nông nghiệp thời gian qua ở các địa phương trong tỉnh còn nhỏ lẻ, phân tán và chất lượng thấp nên chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất hàng hóa theo tiêu chí cánh đồng lớn. Mô hình liên kết theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ giữa doanh nghiệp với nông dân phát triển chậm, thiếu tính bền vững. Nông dân chưa mạnh dạn liên kết sản xuất tập trung theo hình thức HTX, tổ hợp tác nên chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị. Kinh tế hộ nhỏ lẻ vẫn là đơn vị sản xuất, kinh doanh chủ lực ở nông thôn ngày càng bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Một điều nữa là thiếu nguồn lực cho việc thực hiện các chương trình, đề án và mô hình sản xuất nông nghiệp, cơ cấu đầu tư còn nặng về đầu tư công nên chưa thu hút được nguồn lực đầu tư tư nhân để hỗ trợ đầu tư phát triển sản xuất các sản phẩm chủ lực, nhất là trong lĩnh vực hạ tầng nông thôn, áp dụng công nghệ mới và phương thức quản lý hiện đại. Ngoài ra, tính chủ động thực hiện của người dân chưa cao, chưa có thói quen ghi chép sổ sách nên quá trình hợp tác thực hiện các mô hình khuyến nông chưa triệt để. Một số hộ dân chưa thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, còn trông chờ vào sự hỗ trợ kinh phí của Nhà nước.

Ông Phạm Thanh Phong, ở khu vực 3, phường Thuận An, thị xã Long Mỹ, cho biết sau khi được Trạm Khuyến nông thị xã cho đi tham quan, học tập mô hình trồng nấm rơm, gia đình đã đầu tư trại trồng nấm rơm trong nhà với diện tích 48m2. Đợt đầu trồng vào tháng 6-2017, sau một tháng trồng và thu hoạch, trừ phí còn lợi nhuận hơn 4 triệu đồng/vụ. Nấm rơm trồng trong nhà năng suất cao hơn trồng ngoài trời và trồng được quanh năm, nhưng theo ông thì cũng khó nhân rộng vì phải tốn nhiều chi phí.

Theo đánh giá của ngành nông nghiệp địa phương thì các mô hình trồng nấm rơm đã giúp cho người nông dân ứng dụng các kỹ thuật mới, tận dụng nguồn rơm dư thừa trong canh tác lúa để trồng nấm, góp phần bảo vệ môi trường và nâng cao thu nhập cho người dân. Đặc biệt, khi người dân trồng nấm rơm trong nhà lợi nhuận cao hơn trồng nấm rơm ngoài trời khoảng 1,8 triệu đồng/vụ. Tuy nhiên, số lượng hộ tham gia mô hình và nhân rộng cũng còn khá khiêm tốn ở địa phương. Như ở thị xã Long Mỹ, nơi được xem là “cái nôi” của vùng trồng nấm rơm thì cũng mới phát triển được khoảng 20 mô hình.

Kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng nhu cầu

Qua đúc kết từ thực tế sản xuất nông nghiệp thời gian qua, ngành nông nghiệp Hậu Giang cũng đã khẳng định là một số kết quả nghiên cứu chưa đáp ứng kịp nhu cầu xã hội, thực tiễn đặt ra. Chưa lượng hóa được những diễn biến thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn diễn ra nhanh và đối tượng gây ảnh hưởng cũng thay đổi bất thường, không theo quy luật chung, vì vậy nghiên cứu chưa theo kịp với thực tế. Các đề tài, dự án nghiên cứu xong cũng chưa đáp ứng với yêu cầu thực tiễn, do đó khi nông dân áp dụng hiệu quả mang lại không cao và không phù hợp với nhu cầu địa phương nên khả năng nhân rộng hạn chế.

Như dự án “Xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày” được Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh thống nhất cho thực hiện trong thời gian 2 năm bắt đầu từ tháng 7-2015. Tuy nhiên, đến nay dự án không được thực hiện do nhiều điểm nghẽn trong quá trình triển khai. Dự án do PGS.TS Nguyễn Duy Lâm, Trung tâm Nghiên cứu và Kiểm tra chất lượng nông sản thực phẩm Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch, Bộ NN&PTNT làm chủ nhiệm. Mục tiêu của dự án nhằm xây dựng được mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và hiệu quả kinh tế, có khả năng duy trì hoạt động và nhân rộng trên địa bàn tỉnh.

Những tưởng dự án sẽ đem lại lợi ích cho nông sản Hậu Giang, nhưng quá trình triển khai đã vấp rất nhiều cái khó. Theo ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Đông Thành, thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, nếu tham gia dự án, hợp tác xã phải góp thêm một số vốn lớn đầu tư nhà, kho mát để chứa, bảo quản cam. Vả lại, từ trước đến giờ, HTX mua cam của bà con là tiêu thụ trong ngày để xoay đồng vốn, trả tiền liền cho người dân, nếu trữ lại thì sẽ gặp khó. Ngoài ra, khi trữ lạnh sẽ làm tăng thêm chi phí thu mua cho HTX, kéo theo là sụt giảm lợi nhuận nên mô hình này sẽ khó khả thi với điều kiện và tập quán ở đây.

Bên cạnh đó, một số kết quả nghiên cứu của đề tài, dự án khi kết thúc nguồn kinh phí để xây dựng mô hình, việc nhân rộng ứng dụng kết quả sau nghiên cứu còn ít, chưa được phổ biến rộng rãi. Các thủ tục về giải ngân kinh phí vẫn còn phức tạp, như trước khi triển khai mô hình phải làm thủ tục đấu thầu, chỉ định thầu… các công đoạn này làm mất nhiều thời gian, trong khi các mô hình mang tính mùa vụ, vì thế việc cung cấp giống, vật tư cho nông dân chưa đảm bảo kịp thời, làm ảnh hưởng đến hiệu quả cũng như chất lượng của mô hình. Một yếu tố nữa là tình hình biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, khó lường, tác động lớn đến sản xuất và đời sống của người dân. Dịch bệnh trên vật nuôi, cây trồng, giá cả vật tư ngày càng tăng cao và đầu ra của sản phẩm chưa ổn định nên một số mô hình nhân rộng còn chậm. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang, cho rằng: Mô hình nhiều mà không nhân rộng được là do sự phối hợp chưa ăn ý, thiếu đầu ra sản phẩm, vốn. Hậu Giang là tỉnh còn nghèo, muốn thu hút đầu tư thêm thì phải có những hội thảo, báo cáo để chứng minh mô hình hiệu quả và xúc tiến thương mại nhưng thời gian qua việc tổ chức thực hiện cũng còn gặp nhiều khó khăn.

Còn ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, nhận định: Các năm qua, dự án khuyến nông được chuyển giao nhiều nhưng khó nhân rộng là do nguồn lực, vốn, nguyên vật liệu đầu vào, tiếp cận tín dụng, người dân chưa tích cực ứng dụng khoa học công nghệ. Một điều dễ nhận thấy là thị trường nông sản thời gian qua rất rối, đầu ra khó khăn nên người dân phải chuyển sang các cây trồng, vật nuôi khác. Năng lực cạnh tranh hàng hóa thì không đồng đều về chất lượng, số lượng, chưa giảm được giá thành sản xuất để cạnh tranh.

Theo Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Hậu Giang, trong giai đoạn 2015-2017 có 22 đề tài, dự án khoa học và công nghệ được xét duyệt thực hiện trên lĩnh vực nông nghiệp như: Đề tài “Nghiên cứu, đánh giá nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, đề xuất giải pháp bảo vệ và phát triển”; dự án “Xây dựng mô hình sơ chế, bảo quản và tiêu thụ cam sành Hậu Giang quy mô 10 tấn/ngày”; dự án “Duy trì, phát triển và xây dựng nhãn hiệu gà tàu vàng Hậu Giang; dự án “Xây dựng mô hình canh tác lúa sử dụng tiết kiệm nước tưới và phân bón thích ứng với biến đổi khí hậu tại tỉnh Hậu Giang”; đề tài “Nghiên cứu xây dựng mô hình liên kết sản xuất lúa hữu cơ trong hệ thống luân canh lúa - tôm/cá gắn với tiêu thụ ở tỉnh Hậu Giang”... Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Lê Mỹ Hạnh khẳng định: Một số mô hình trên địa bàn tỉnh từ khi triển khai đến nghiệm thu chưa phù hợp với thổ nhưỡng, điều kiện không tương thích. Ngành nông nghiệp và ngành khoa học công nghệ chưa ngồi lại với nhau nên một số nhiệm vụ còn chưa phù hợp, vì vậy cần có đặt hàng để giải quyết chính xác yêu cầu đề ra và đáp ứng nhu cầu thực tế. Trong khi nguồn kinh phí sự nghiệp khoa học công nghệ để duy trì mô hình cũng rất hạn chế, mặc dù Sở đã tăng cường kết nối các chương trình, dự án của Trung ương để đầu tư, nhân rộng.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

--------

Bài 3: Xây dựng mô hình sản xuất bền vững

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>