Mô hình sản xuất nông nghiệp ở Hậu Giang: Vì sao khó nhân rộng ?

21/05/2018 | 08:10 GMT+7

Bài 3: Xây dựng mô hình sản xuất bền vững

Để các mô hình sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, nhiều nhà khoa học, ngành chức năng lẫn nông dân cho rằng cần phải thay đổi tập quán sản xuất. Đặc biệt, chú ý việc duy trì mô hình sau khi nhân rộng và sản xuất với quy mô lớn để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Trồng dưa hấu theo hướng GAP cho lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/ha.

Đa dạng sản phẩm hàng hóa

Thạc sĩ Nguyễn Văn Hai, Trường Đại học Cần Thơ, cho rằng trong thực tế hoạt động khuyến nông ở nhiều nơi đã xây dựng rất nhiều mô hình, tuy nhiên cũng có rất nhiều mô hình bị chết yểu, hạn chế được nhân rộng hay không tồn tại. Điều này do nhiều nguyên nhân là vì mô hình kém hiệu quả, mô hình không phù hợp với định hướng quy hoạch, không có đầu ra hay thiếu chiến lược duy trì mở rộng của mô hình sau xây dựng. Xây dựng mô hình hiệu quả và bền vững cần quan tâm đến lợi thế và theo định hướng quy hoạch của địa phương, không theo phong trào nhằm khắc phục việc xây dựng những mô hình thiếu trọng tâm, tốn kém và không hiệu quả. Ở nhiều nơi thường quan tâm nhiều đến xây dựng mô hình, trình diễn mô hình mới và rất ít quan tâm đến duy trì mô hình xây dựng trước đó, hoặc không có kế hoạch đầu tư, kinh phí cho duy trì các mô hình trước, điều này dẫn đến nhiều mô hình không duy trì được và chưa có tác động ra bên ngoài. Do đó, xây dựng mô hình hiệu quả và bền vững cần phải có chiến lược duy trì, kinh phí duy trì, không chạy theo xây dựng mô hình mới thiếu trọng tâm.

Theo ông Trần Văn Trợ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hậu Giang, vấn đề bây giờ là cần đa dạng hóa sản phẩm nông sản, hàng hóa phải tập trung, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất và thu hoạch để giảm giá thành, giảm thất thoát, tăng thu nhập cho nông dân. Xây dựng chính sách xúc tiến thương mại, sản xuất phải theo quy trình GAP, xúc tiến đầu tư để giải quyết đầu ra. Liên kết hợp tác nông dân với nông dân, nông dân và doanh nghiệp, nếu chỉ làm cá thể thì khó cho nông dân và phải tính đến liên kết 4 nhà. Cần đổi mới hoạt động khuyến nông, tư vấn giúp cho nông dân ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học công nghệ cho từng loại cây trồng, vật nuôi; nghiên cứu thông tin thị trường để người dân có định hướng sản xuất. Xây dựng cầu nối giữa ngành nông nghiệp - doanh nghiệp - nông dân để giải quyết khâu đầu tư, tiêu thụ sản phẩm.

Sở NN&PTNT Hậu Giang khẳng định, việc phát triển các mô hình sản xuất tới đây phải đáp ứng theo nhu cầu của thị trường, sản xuất theo hướng hàng hóa lớn và có liên kết từ đầu vào đến đầu ra ổn định. Mô hình phải phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển của Nhà nước, thích hợp với điều kiện canh tác của từng địa phương và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu. Nhất là ứng dụng đồng bộ các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đẩy mạnh cơ giới hóa nhằm giảm công lao động, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giảm giá thành trong sản xuất. Quy trình sản xuất phải đảm bảo an toàn cho người sản xuất, bảo vệ môi trường, đảm bảo cân bằng sinh thái và sản phẩm làm ra phải đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực hiện các mô hình kết hợp để tận dụng tất cả các nguồn lực nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trên cùng một đơn vị diện tích canh tác, hạn chế rủi ro do yếu tố thị trường và mang tính bền vững. Mỗi mô hình được triển khai phải phù hợp với từng nhóm đối tượng nông dân để đảm bảo tính nhân rộng về sau.

GAP và mô hình liên kết là tất yếu

Tại HTX Dưa hấu VietGAP, ở ấp 1, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, thời gian qua đã khẳng định được hướng đi là do sản xuất ra sản phẩm an toàn. HTX ngày càng phát triển và được coi là một trong những mô hình sản xuất an toàn tiêu biểu của tỉnh. Giám đốc HTX Võ Văn Năng chia sẻ: Toàn bộ sản phẩm sản xuất ra đều được Công ty Cổ phần Nông trại sinh thái ở tỉnh Kiên Giang bao tiêu. Điều quan trọng nhất trong sản xuất nông nghiệp hiện nay là phải an toàn cho người tiêu dùng nên sản xuất theo chuẩn GAP là đảm bảo nhất. Làm theo quy trình này có thể giảm được hơn 30% chi phí đầu vào, nhưng hộ dân thu lời hơn 100 triệu đồng/ha.

Đối với hơn 22ha xoài cát Hòa Lộc của HTX xoài cát Bảy Ngàn, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cũng được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, xoài cát không những được cải thiện năng suất, phẩm chất mà tăng giá trị thương phẩm so với bên ngoài từ 3.000-5.000 đồng/kg. Sản lượng xoài cung ứng tăng lên 175 tấn trái/năm, tất cả các vườn đều cho trái chất lượng, đồng đều. Riêng HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, ở xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, có diện tích canh tác 97ha, mấy năm nay, HTX đã ký kết nhiều hợp đồng cung ứng chanh trái không hạt cho các công ty trong và ngoài nước gồm: Siêu thị Co.opMart Cần Thơ, Công ty Sam San Thành phố Hồ Chí Minh... sản lượng cung ứng bình quân 5 tấn trái/ngày. HTX còn đứng ra bao tiêu chanh trái khoảng 2.500 tấn, doanh thu ước đạt 25 tỉ đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, cho hay: Trong năm qua, HTX đã ký hợp đồng trung gian với Công ty TNHH XNK Mekong Lime, tỉnh Long An xuất trực tiếp ra nước ngoài một sản lượng lớn chanh không hạt. Tới đây, đơn vị sẽ tìm nhiều đối tác để liên kết nhằm ổn định đầu ra cho sản phẩm, giúp nhà vườn gắn bó với mô hình trồng chanh không hạt.

Tiến sĩ Võ Hữu Thoại, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho rằng Hậu Giang cũng như ĐBSCL cần sớm tái cơ cấu tổ chức sản xuất trong ngành cây ăn trái nhằm tạo ra sản lượng lớn, sản phẩm chất lượng tốt, sản xuất gắn với thị trường theo chuỗi giá trị. Trong đó, phương thức tổ chức sản xuất liên kết các hộ trồng cây ăn trái với nhau để cùng thực hiện sản xuất trái cây theo GAP, đồng thời kết hợp với doanh nghiệp là phương thức phù hợp trong tình hình hiện nay. Nhờ liên kết mà quy mô sản xuất sẽ lớn hơn nhiều so với sản xuất nhỏ lẻ tại các nông hộ, chuỗi cung ứng được cải thiện, giảm bớt được các khâu trung gian.

PGS.TS Nguyễn Duy Cần, Khoa Phát triển nông thôn, Trường Đại học Cần Thơ, nhận định: Một thực tế là nhiều mô hình rất thành công, tuy nhiên khó duy trì và tồn tại là do thiếu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Do vậy, xây dựng mô hình hiệu quả và bền vững cần phải có chiến lược và đặc biệt chú trọng đầu ra. Xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả và bền vững không phải chỉ tạo ra mô hình hay đầu tư về mặt kỹ thuật, sản xuất, mà phải làm đồng thời, phải có giải pháp duy trì mô hình, tìm kiếm đầu ra, thị trường cho mô hình thì mới nhân rộng được, mới hiệu quả và bền vững. Hiện nay, Nhà nước đang có chủ trương lớn củng cố lại các HTX, đây là nơi sẽ “xây dựng và nhân rộng các mô hình thành công” một cách hiệu quả và bền vững, vì HTX có thể thực hiện chức năng sản xuất - tiêu thụ.

Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết tới đây sẽ tranh thủ nguồn vốn từ dự án VnSAT tiếp tục xây dựng các mô hình sản xuất lúa theo hướng cánh đồng lớn áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thực hiện tốt liên kết 4 nhà, đẩy mạnh việc sử dụng các giống lúa mới chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các mô hình GAP với quy mô lớn đối với các cây trồng chủ lực của tỉnh khi có các công ty bao tiêu sản phẩm. Thúc đẩy xây dựng mô hình sản xuất rau màu theo hướng an toàn thực phẩm để nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích canh tác. Xây dựng các mô hình nuôi thủy sản liên kết với các doanh nghiệp chế biến, cũng như thực hiện các mô hình liên kết “4 nhà” theo hướng GAP và liên kết giữa khuyến nông với các doanh nghiệp để hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường...

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>