Mô hình sản xuất ở xã nông thôn mới: Cần những giải pháp căn cơ

06/12/2018 | 08:15 GMT+7

Nâng cao nguồn thu nhập cho người dân bằng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả được xem là nhiệm vụ trọng tâm và luôn được các địa phương tích cực thực hiện trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM). Tuy nhiên, khi có mô hình thì vấn đề về đầu ra sản phẩm luôn là trở ngại nên được nhiều bà con đặc biệt quan tâm và cần có giải pháp cụ thể.

Nông dân trồng khóm Cầu Đúc mong muốn Nhà nước sớm có giải pháp ổn định giá khóm ở mức có lợi nhuận.

Mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM muốn hướng đến là phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Bởi đa phần người dân nông thôn sống chủ yếu bằng nghề nông, thế nhưng trong tình hình chung hiện nay là giá cả nông sản bấp bênh, không ổn định đã ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của bà con và làm chậm tiến trình xây dựng NTM tại không ít địa phương trong tỉnh. 

Những khó khăn

Nhắc đến trái khóm Cầu Đúc thì nhiều người liên tưởng ngay đến loại đặc sản của vùng đất phèn xã Tân Tiến và Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, với diện tích gần 2.000ha. Và cũng chính loại trái cây đặc sản và có thương hiệu này đã góp phần nâng cao nguồn thu nhập cho người dân, giúp Tân Tiến và Hỏa Tiến đạt chuẩn xã NTM. Tuy nhiên, mặc dù đã có thương hiệu nhưng thị trường đầu ra của khóm Cầu Đúc vẫn vướng nhiều khó khăn khi lúc thì giá lên cao, lúc thì ở mức thấp và kéo dài. Chính điều này đã khiến cho người trồng khóm không mấy an tâm.

Ông Dương Văn Thanh, người có hơn 30 năm trong nghề trồng khóm Cầu Đúc, ở ấp Thạnh Xuân, xã Hỏa Tiến, chia sẻ: “Giá khóm luôn nhảy múa chứ không đứng yên một khoảng thời gian nào. Trong đó, mùa nghịch thì bán được giá tương đối cao (đỉnh điểm 7.000-9.000 đồng/trái, loại I), còn khi mùa thuận thì đôi khi chỉ còn 2.500-3.000 đồng/trái, loại I. Thông thường, giá bán cao chỉ tồn tại ít ngày rồi giảm, trong khi giá thấp thì thương lái cứ kìm giá hoài. Chính giá cả bấp bênh nên cuộc sống người trồng khóm cũng không mấy ổn định. Do đó, bà con mong sao Nhà nước có giải pháp để có thể bình ổn giá khóm ở mức nông dân có lợi nhuận mà an tâm canh tác”.

Giống như khóm Cầu Đúc, tình hình tiêu thụ cam sành cũng đang tạo nhiều áp lực cho nhà vườn tại hai địa phương có diện tích trồng tương đối lớn của tỉnh là thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành. Còn nhớ vào thời điểm “hoàng kim” (khoảng năm 2013), khi đó giá cam sành lúc đỉnh điểm lên đến 30.000 đồng/kg, từ mức giá hấp dẫn này đã giúp cho nhiều gia đình có nguồn thu nhập tiền tỉ đồng/ha/năm. Trong đó, nổi bật là tại xã Đại Thành khi cam sành là một trong những yếu tố quan trọng góp phần giúp xã đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh và vùng ĐBSCL vào năm 2013. Tuy nhiên, sau một thời gian thuận lợi thì tình hình tiêu thụ cam sành trong những năm gần đây lại đối mặt với khó khăn và giá bán giảm sâu. Điển hình trong năm 2018 này, giá cam sành liên tục ở mức thấp và kéo dài (chỉ dao động từ 2.500-5.000 đồng/kg), với mức giá này đã khiến cho nhiều nhà vườn rơi vào cảnh thua lỗ.

Ông Nguyễn Việt Phương, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thông tin: “Theo tính toán sơ bộ thì giá thành sản xuất cam sành thường dao động từ 5.000-7.000 đồng/kg. Thế nhưng, giá mà tôi và nhà vườn nơi đây mới bán cách nay không lâu cho thương lái chỉ ở mức từ 3.000-5.000 đồng/kg, trong khi giá cùng kỳ của mọi năm là từ 10.000-12.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí thì chỉ huề vốn đến thua lỗ và tình trạng này chưa từng xảy ra sau hơn 6 năm tôi gắn bó với cây cam sành”.

 Ngoài yếu tố thị trường thì trong những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường và tần suất xảy ra ngày càng nhiều và gây thiệt hại không ít cho cây trồng, vật nuôi, hệ thống chuồng trại... nên cũng là rào cản đáng ngại trong việc duy trì và nâng cao tiêu chí trong xây dựng NTM, nhất là tiêu chí quan trọng về thu nhập khi mỗi năm đều tăng cao.

Thực hiện nhiều giải pháp

Nắm bắt được tình hình và để tháo gỡ khó khăn liên quan đến những lo lắng của người dân về bài toán tiêu thụ nông sản ổn định, trong thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các ngành có liên quan của tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn đi xúc tiến thương mại ở Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Qua các chuyến đi, đoàn công tác đã tổ chức tọa đàm giới thiệu và quảng bá hình ảnh Hậu Giang đến với doanh nghiệp các nước bạn. Trong đó, xúc tiến đầu tư mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp và bước đầu thu về một số kết quả khi đã có nhiều doanh nghiệp bạn mong muốn tìm hiểu đầu tư trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh quảng bá, xúc tiến đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp thì UBND tỉnh cũng hoàn chỉnh và ban hành quy định về chính sách khuyến khích đầu tư, chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, kêu gọi doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đầu tư liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và xây dựng cánh đồng lớn trên các lĩnh vực như: vùng lúa chất lượng cao, vùng nguyên liệu mía, cây ăn trái, rau màu. Cùng với đó là tăng cường kết nối doanh nghiệp với tổ chức nông dân, HTX thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng.

Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho hay: Cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp đang được tỉnh đặc biệt quan tâm và chỉ đạo các ngành cần thực hiện tốt. Ngoài ra, tỉnh còn đang đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại để nhiều sản phẩm chủ lực có thêm thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước, trong đó chú trọng chỉ dẫn địa lý; chủ động xúc tiến đầu tư đi vào thực chất và tăng cường đối thoại tiếp xúc doanh nghiệp, xem doanh nghiệp vừa là người bạn đồng hành vừa là đối tượng phục vụ.

Cùng với UBND tỉnh thì các địa phương cũng đang quan tâm và thực hiện các giải pháp trong tiêu thụ các mặt hàng nông sản cho người dân, góp phần duy trì tiêu chí về thu nhập trong xây dựng NTM. Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho hay: Với quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM nâng cao vào năm 2020 để lập thành tích chào mừng đại hội đảng các cấp, trong đó năm 2018 xây dựng xã Đại Thành đạt tiêu chí NTM nâng cao, năm 2019 là xã Tân Thành và Hiệp Lợi. Để làm được điều trên, thị xã đang tập trung vào nhiều nhiệm vụ trọng tâm; trong đó nhiệm vụ đột phá là định hướng phát triển sản xuất theo quy hoạch, theo nhóm cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa bàn và xu hướng của thị trường tiêu thụ. Đặc biệt, quan tâm đến mối liên kết giữa nhà nông với nhà nông, giữa nhà nông với nhà khoa học và nhà nông với nhà doanh nghiệp, nhằm phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho người dân và tạo đầu ra ổn định cho các mặt hàng nông sản, trước tiên là gỡ rối cho cây cam sành.

Giống như thị xã Ngã Bảy, ông Phạm Nhật Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, cho hay: Trong xây dựng NTM, Thạnh Xuân rất quan tâm đến hoạt động sản xuất của người dân. Vì sản xuất phát triển mới có thể nâng cao thu nhập, có thu nhập mới dễ dàng thực hiện các tiêu chí khác, nhất là trong giai đoạn xã đang phấn đấu trở thành xã NTM nâng cao theo 16 tiêu chí của tỉnh. Do đó, giải pháp mà xã đang thực hiện là tiếp tục phối hợp với các ngành chức năng trong kêu gọi doanh nghiệp đến hợp tác, tiêu thụ nông sản cho nông dân. Bên cạnh đó, để từng bước đáp ứng nhu cầu về quy mô, sản lượng khi hợp tác với doanh nghiệp, Thạnh Xuân đang tăng cường vận động người dân cải tạo vườn tạp để tăng diện tích vườn cây ăn trái có hiệu quả thêm 100ha; đồng thời mở rộng diện tích nuôi trồng thủy sản lên 50ha và các mô hình sản xuất phải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, địa phương còn thực hiện liên kết tạo thu nhập tăng thêm trong việc mở rộng dịch vụ du lịch loại hình Homestay ở ấp Xẻo Cao A với các vườn cây ăn trái gắn với nuôi trồng thủy sản...

Với những thông tin về các giải pháp đã và đang thực hiện từ tỉnh đến cơ sở thì nông dân có thể thấy rõ chiến lược trong xây dựng NTM ở Hậu Giang trong thời gian tới. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực để thực hiện hiệu quả quy hoạch, phát triển sản xuất hàng hóa chủ lực gắn với cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đồng thời đẩy mạnh thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp đối với cây trồng chủ lực; xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất và chế biến hoặc mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ, hướng tới thị trường xuất khẩu nhằm gia tăng giá trị kinh tế nông sản, tăng thu nhập cho người dân nông thôn; qua đây đưa phong trào xây dựng NTM của tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>