Mở hướng phát triển kinh tế vườn

30/05/2017 | 08:54 GMT+7

Quy hoạch ngành nông nghiệp - nông thôn giai đoạn 2014-2020 và tầm nhìn đến năm 2030 của Châu Thành đã mở ra định hướng phát triển mới cho các vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn huyện.

Ông Sấm đang có kế hoạch mở rộng diện tích trồng thêm 1,5 công chanh không hạt theo quy hoạch của huyện.

Còn nhớ năm 2015, diện tích trồng cam sành của huyện Châu Thành cán mốc gần 4.000ha, vượt quy hoạch gần 1.000ha. Trong khi đó, các cơ sở sản xuất trên địa bàn không đáp ứng kịp nhu cầu nguồn giống chất lượng nên nhiều người dân tự mua cây giống trôi nổi từ các địa phương khác về trồng. Từ đó khiến cho dịch bệnh vàng lá gân xanh bùng phát mạnh hơn, gây thiệt hại không nhỏ cho nhà vườn. Chưa kể là ở xã Đông Phước A, người dân đổ xô trồng mít Thái siêu sớm, trồng khoai mì bán lá... Trước tình trạng người dân canh tác tự phát, tiềm ẩn nhiều rủi ro trồng, chặt nên huyện Châu Thành đã công bố quy hoạch ngành nông nghiệp.

Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Tống Hoàng Khôi, mục đích của quy hoạch là xây dựng ngành nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh, bền vững. Những cây trồng có lợi thế sẽ được ưu tiên phát triển, đồng thời tăng cường áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần gia tăng lợi nhuận trên cùng diện tích canh tác. Nhưng trước hết, quy hoạch sẽ giúp nông dân của huyện hạn chế được tình trạng mạnh ai nấy làm, thừa hàng dội chợ khi cung vượt cầu. Cụ thể, huyện hướng đến các vùng chuyên canh 3 loại cây trồng chủ lực là bưởi, cam và chanh không hạt.

Trên thực tế, việc quy hoạch kịp thời của ngành chuyên môn huyện, cùng sự hưởng ứng tích cực của người dân đã từng bước nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hóa nông sản địa phương trên thị trường, giúp bà con cải thiện thu nhập. Ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, chia sẻ: “Việc quy hoạch vùng chuyên canh chanh không hạt đã giúp nhiều nông hộ trong xã ổn định cuộc sống. Bởi nhà vườn mạnh dạn ứng dụng khoa học kỹ thuật vào quá trình canh tác. Mặt khác, giúp cho hợp tác xã tập hợp được những hộ dân tâm huyết với cây chanh. Nhờ đó, sản phẩm làm ra luôn đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường”.

Trước đây, ông Phạm Thành Sấm, ở ấp Khánh Hòa, xã Phú An cũng thường đắn đo, không dám mở rộng diện tích trồng chanh không hạt. Tuy nhiên vừa qua, khi nghe tin xã Phú An được quy hoạch thành vùng sản xuất chuyên canh chanh không hạt thì ông rất mừng. Vì thế, ông Sấm dự định sắp tới sẽ cải tạo lại diện tích vườn tạp để trồng thêm 1,5 công chanh không hạt. Bởi ông tin tưởng và kỳ vọng rằng có kế hoạch quy hoạch rõ ràng thì ông sẽ được hỗ trợ, đầu tư ứng dụng khoa học và công nghệ tiên tiến vào quá trình canh tác. Còn sản phẩm làm ra sẽ đạt chuẩn xuất khẩu, bán được giá và ổn định thu nhập cho gia đình mình.

Riêng ở xã Đông Phước, Đông Phước A, nông dân trồng cam sành cũng yên tâm hơn vì sự vào cuộc kịp lúc của ngành chuyên môn huyện, tỉnh. Ông Phạm Văn Đông, ở ấp Đông Lợi, xã Đông Phước khi nghe tin quy hoạch vùng cam sành ngay xã mình thì vô cùng phấn khởi. Dù đã có trong tay 10 công cam sành, nhưng năm qua ông đã mướn thêm 20 công nữa để phát triển mô hình kinh tế vườn. Ông Đông lý giải: “Theo quy hoạch thì sẽ xây dựng chợ đầu mối nông sản ở thị trấn Mái Dầm, khuyến khích doanh nghiệp thu mua sản phẩm cho người dân. Cho nên tôi mạnh dạn mở rộng diện tích trồng cam, một phần vì đỡ lo hơn với đầu ra sản phẩm sau này”.

Hơn nữa, nhờ trồng nhiều và tập trung nên ông Đông còn dễ dàng vận hành trang thiết bị máy móc, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật nhằm tiết giảm được giá thành sản xuất. Theo đó hàng năm, mỗi công cam được trồng trước đây, ông Đông thu về khoảng 4,5 tấn trái, giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, tổng doanh thu gần 700 triệu đồng/ha. Tương tự, ông Phạm Thành Nguyên, ở cùng ấp Đông Lợi đang thành công trong việc áp dụng kỹ thuật cho trái rải vụ đối với 12 công cam sành đã 4 năm tuổi của nhà mình. Ông Nguyên cho biết: “Hàng tháng, tôi xuất bán bình quân 2 tấn trái. Vì ở xã chưa có doanh nghiệp bao tiêu với số lượng lớn nên tôi không để trái theo mùa mà làm rải vụ để dễ tiêu thụ”.

Tuy nhiên, để người dân có thể “chiến thắng” trên mảnh vườn của mình không chỉ đơn thuần là sản xuất tập trung theo vùng chuyên canh mà còn cần nhiều yếu tố khác. Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, thông tin: “Tới đây, ngành nông nghiệp sẽ định hướng nông dân sản xuất theo chuỗi hàng hóa liên kết từ khâu sản xuất, thu mua, bảo quản cho đến tiêu thụ theo hướng bền vững. Muốn vậy, ngành sẽ khuyến khích, định hướng người dân sản xuất trái cây đạt chứng nhận GAP, duy trì và phát triển nhãn hiệu hàng hóa để từng bước khẳng định thương hiệu cho nông sản thế mạnh của huyện”.

Hiện tại, Châu Thành đã nổi danh với bưởi Năm Roi Phú Hữu, chanh không hạt Hậu Giang. Đây là tiền đề quan trọng để “vựa trái cây” Châu Thành tiếp tục khẳng định giá trị hiện có trên thị trường.

Theo định hướng của ngành nông nghiệp huyện, cây bưởi được quy hoạch với diện tích 5.100ha tại các xã Phú Tân, Phú Hữu, Đông Phú, thị trấn Mái Dầm và Ngã Sáu; cây cam được quy hoạch trên diện tích 3.000ha tại xã Đông Phước, Đông Phước A; còn diện tích quy hoạch chanh không hạt là 1.290ha, tại xã Phú An và Đông Thạnh.

 

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>