Người dân đồng lòng, việc gì cũng xong

23/08/2017 | 08:15 GMT+7

Cuối tháng 8 năm nay, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, sẽ tổ chức lễ đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới (NTM), một thành quả xứng đáng sau chặng đường dài nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương.

Nhờ xây dựng NTM mà diện mạo xã Tân Phú Thạnh “thay da đổi thịt” nhanh chóng.

Tuyến đường dẫn vào trung tâm xã Tân Phú Thạnh những ngày này rợp bóng cờ, hoa để chào đón sự kiện có ý nghĩa quan trọng tại địa phương. Hiện nay, lãnh đạo và công chức xã đang tất bật lo các khâu chuẩn bị cho buổi lễ, còn lãnh đạo huyện cũng thường xuyên xuống kiểm tra, chỉ đạo xã khắc phục những hạn chế dù là nhỏ nhất. Tất cả nhằm hướng tới mục tiêu tổ chức thật trọn vẹn lễ đón nhận danh hiệu xã NTM của Tân Phú Thạnh tới đây.

Trong khi đó, người dân cũng háo hức không kém. Lão nông Phan Trung Tính, ở ấp Thạnh Lợi, cảm thấy mát dạ, vừa lòng khi chứng kiến quê hương “thay da đổi thịt” nhanh chóng nhờ xây dựng NTM. “Ngày xưa toàn đi lộ đất, cực khổ trăm bề, bây giờ từ xã xuống ấp, rồi ấp nối ấp đều có đường bê tông thông thoáng, đi lại thuận lợi cả hai mùa mưa, nắng. Có nằm mơ tôi cũng không thể ngờ diện mạo xóm ấp mình lại thay đổi nhanh đến như vậy”, ông Tính bày tỏ.

Người dân quê có nhiều mong muốn để có được cuộc sống tốt hơn, trong đó lộ nông thôn kiên cố có lẽ là điều mà họ mong mỏi nhất. Bản thân ông Tính cũng vậy, nên khi được địa phương tuyên truyền, vận động làm con lộ rộng 3,5m trước nhà thì lão nông này đồng ý ngay. Theo đó, ông sẵn sàng hiến đất, vật kiến trúc, ngày công lao động để cùng với chính quyền xã sớm triển khai xây dựng hoàn thành công trình.

“Tuyến đường nhựa rộng chưa đầy 2m, xuống cấp trầm trọng ngày nào giờ được thay bằng tuyến đường đan ngon lành thế này nên người dân vui mừng lắm. Dù có tốn tiền và công sức thì chúng tôi cũng sẵn lòng ủng hộ chủ trương xây dựng NTM mà chính quyền các cấp phát động, bởi tất cả đều vì sự phát triển chung của địa phương”, ông Tính chia sẻ.

Nhờ sự ủng hộ, đồng tình của những người dân quê chân chất như ông Tính mà chỉ trong thời gian ngắn, tuyến đường bê tông xi măng cặp sông Ba Láng dài 3,2km nối hai ấp Thạnh Lợi và Tân Thạnh Tây được xây dựng hoàn thành theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Nghe ông Tính nói mà anh Nguyễn Văn Sĩ, cán bộ NTM xã Tân Phú Thạnh, cứ gật gù đồng ý. Tuy là cán bộ xã nhưng suốt mấy năm qua, anh Sĩ thường dành thời gian đi cơ sở nhiều hơn ở cơ quan để phối hợp cùng các ấp tuyên truyền, vận động người dân hưởng ứng chủ trương xây dựng NTM. Mỗi lần xuống ấp Thạnh Lợi mà gặp khó trong vận động hộ dân nào đó là anh Sĩ lại nhờ đến sự giúp đỡ của ông Tính. Là người có uy tín ở địa phương nên khi lão nông này “ra tay” thì chuyện vận động trở nên dễ dàng hơn.

Trong quá trình đi tuyên truyền, vận động của mình, điều anh Sĩ cảm thấy tâm đắc nhất chính là người dân luôn hết lòng ủng hộ mọi phong trào do địa phương phát động. Anh Sĩ nói: “Hầu hết bà con khi nghe tuyên truyền, vận động trồng hàng rào cây xanh hay hiến đất, vật kiến trúc làm đường là đồng tình ngay. Một số ít người lúc đầu còn chần chừ, nhưng khi nhận thức đã thông thì họ sẵn sàng đóng góp. Quả thật, một khi lòng dân đã thuận thì việc gì cũng xong”.

Nhìn lại chặng đường xây dựng NTM ở địa phương, ông Đoàn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, cho rằng xã thực hiện đạt chuẩn NTM như hiện nay có sự đóng góp rất lớn từ công sức của dân. “Trong 19 tiêu chí NTM, tỉnh, huyện hỗ trợ cho xã kinh phí để thực hiện tiêu chí giao thông nông thôn, thủy lợi và cơ sở vật chất văn hóa, các tiêu chí còn lại hầu như phải dựa vào sức dân để hoàn thành”, ông Tuấn thông tin.

Bắt tay xây dựng NTM từ năm 2011, xã Tân Phú Thạnh gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng còn hạn chế. Mặt khác, do là xã diện chứ không phải xã điểm của tỉnh nên địa phương này chưa nhận được sự quan tâm đầu tư nhiều. Thế nhưng, vì xác định chủ trương xây dựng NTM có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của địa phương, từ đó xã đã khẩn trương bắt tay thực hiện theo phương châm từ dễ tới khó và dựa vào sức dân là chính.

Ông Tuấn nhớ lại: “Xã từng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các tiêu chí của xã văn hóa và được công nhận vào năm 2009. Các tiêu chí NTM cũng có điểm tương đồng nên người dân dễ dàng hiểu được cách làm khi nghe chính quyền phổ biến, phát động. Trên thực tế, mỗi tiêu chí mà địa phương thực hiện đạt đều có dấu ấn đậm nét từ sự đóng góp của nhân dân. Lấy ví dụ đơn giản, nếu người dân không có ý thức trồng hàng rào cây xanh, bỏ rác đúng nơi quy định thì địa phương không thể thực hiện đạt tiêu chí về môi trường, hay trường hợp bà con không tự nguyện hiến đất, vật kiến trúc thì những tuyến đường giao thông theo chuẩn NTM trên địa bàn khó thực hiện hoàn thành như  bây giờ…”.

Có thể khẳng định, sự đồng lòng của người dân chính là yếu tố quan trọng nhất giúp xã Tân Phú Thạnh thực hiện đạt 19 tiêu chí NTM. Đổi lại, người dân cũng được thụ hưởng nhiều lợi ích từ sự đóng góp của mình, vì điện, đường, trường, trạm ở địa phương được đầu tư gần như hoàn chỉnh.

“Xây dựng đạt chuẩn NTM đã khó, việc giữ chuẩn lại càng khó hơn, nên xã sẽ quan tâm nâng chất các tiêu chí. Trong đó, phát huy sức mạnh của nhân dân sẽ tiếp tục là nền tảng để địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ này”, ông Đoàn Thanh Tuấn khẳng định.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>