Người dân hài lòng với xây dựng nông thôn mới

10/09/2020 | 06:02 GMT+7

Với việc triển khai hiệu quả, thiết thực nhiều giải pháp và phần việc trọng tâm trong xây dựng quê hương đổi mới nên kết quả mang lại từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn tỉnh luôn đạt được sự hài lòng cao từ người dân.

Nhiều công trình cơ sở hạ tầng nông thôn được đầu tư khang trang nhờ sự góp sức tích cực của người dân.

Thiết thực nhiều chương trình, phần việc

Khi mới bắt tay vào thực hiện chương trình xây dựng NTM, ngành chức năng và các địa phương của tỉnh đều đề ra mục tiêu trọng tâm là “lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo về kết quả xây dựng NTM”. Do đó, để nhận được sự hài lòng của người dân, thời gian qua các ngành và địa phương trong tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực để tạo sự đổi thay về đời sống vật chất, tinh thần, cũng như cơ sở hạ tầng và cảnh quan môi trường cho các vùng nông thôn. Theo đó, xác định nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữ vai trò quyết định và là nền tảng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, thời gian qua nhiều chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai thực hiện và mang lại hiệu quả thiết thực. Nổi bật là mô hình canh tác lúa thông minh với việc chỉ bón vùi phân một lần cho cả vụ lúa và dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững (VnSAT) đã góp phần thay đổi mới phương thức canh tác lúa truyền thống của nông dân sang hướng bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường. Với hai giải pháp trên đã góp phần nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo và hình thành, phát triển các hợp tác xã (HTX) kiểu mới với quy mô 500 hộ dân/500ha/HTX. Cụ thể, trong năm 2018, toàn tỉnh xây dựng được 4 HTX kiểu mới, năm 2019 được phê duyệt 7 HTX kiểu mới và trong năm 2020 này dự kiến sẽ thực hiện từ 5-6 HTX kiểu mới.

Ông Lê Hữu Tín, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vị Thắng, ở ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, khoe: “Sau khi được thay đổi nhận thức thông qua các lớp tập huấn VnSAT nên giờ các thành viên của HTX không ai gieo sạ hơn 10kg lúa giống/công. Mặt khác, nhiều thành viên HTX còn thực hiện mô hình “Sản xuất lúa thông minh ứng dụng công nghệ cao”. Khi áp dụng mô hình, bà con sử dụng máy cấy “3 trong 1”, gồm: cấy lúa (70kg lúa giống cho 1ha), bón phân một lần cho cả vụ và phun thuốc vi sinh. Việc sản xuất lúa thông minh đã giúp nông dân tiết kiệm được nhiều khâu trong sản xuất nên giảm chi phí đầu tư và bảo vệ sức khỏe cho bà con”.

 Cùng với giải pháp trên thì Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp cho lĩnh vực sản xuất nông nghiệp của tỉnh có những bước phát triển mới khi nâng cao mức thu nhập cho người dân trên cùng diện tích canh tác, trong đó có nhiều mô hình mang lại nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng/ha; đồng thời bước đầu hình thành một số mô hình liên kết chuỗi giá trị trên cây lúa, mía, mãng cầu, chanh không hạt, khóm… Bên cạnh đầu tư phát triển nông nghiệp thì cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp, đi lại, học tập, sinh hoạt văn hóa - thể thao cho người dân cũng được quan tâm đầu tư.

Đánh giá kết quả xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết: Với việc triển khai hiệu quả, thiết thực nhiều chương trình, chính sách trong xây dựng NTM, sau hơn 10 năm xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh có sự chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét. Đặc biệt là đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn không ngừng được cải thiện theo hướng tích cực. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) trong những năm qua của tỉnh luôn duy trì ở mức khá, bình quân đạt 6,82%/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng lên hơn 3 lần khi từ 13,18 triệu đồng/người/năm (năm 2010) nay tăng lên 45,3 triệu đồng/người/năm, riêng các xã đạt chuẩn NTM thì mức thu nhập đạt hơn 45,5 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh từ 8,92% (năm 2010), dự báo cuối năm 2020 chỉ còn 3,1% theo chuẩn nghèo mới.

Hài lòng và chung sức

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, thông tin: Kết quả thực hiện chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh được người dân quan tâm và dư luận đánh giá cao. Cụ thể, qua theo dõi thực tế và qua kết quả từ các phiếu thăm dò ý kiến người dân cho thấy các đơn vị cấp huyện, xã khi được công nhận đạt chuẩn NTM và NTM nâng cao thì tỷ lệ người dân hài lòng về xây dựng NTM tại địa phương mình đều đạt trên 95%. Qua đây cho thấy chương trình xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh luôn hợp ý Đảng lòng dân.

Theo đánh giá của ngành chức năng và các địa phương của tỉnh, sự hài lòng của người dân không chỉ thể hiện qua tỷ lệ phần trăm đồng tình mà điều quan trọng là được minh chứng bằng việc chung sức, đồng lòng của bà con khi tự nguyện góp công sức, của cải vật chất để cùng chính quyền địa phương hoàn thành nhiều công trình, phần việc nhằm xây dựng quê hương ngày càng đổi mới, phát triển. Ông Thái Thuận Hòa, ở xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cho hay: “Từ khi chính quyền địa phương triển khai xây dựng NTM, gia đình tôi đồng thuận rất cao. Các con tôi đều ra sức góp ngày công lao động để xây dựng lộ làng ở địa phương. Nhờ đó, việc đi lại của người dân được dễ dàng, thuận tiện. Chứ ngày xưa con em đi học vất vả lắm, bây giờ thì tốt hơn nhiều rồi”.

Còn ông Nguyễn Văn Năm (56 tuổi), ở ấp 4, xã Thuận Hòa, huyện Long Mỹ, cho rằng: “Xây dựng NTM đã góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân; sản xuất nông nghiệp có nhiều bước tiến khi được đầu tư cơ sở hạ tầng hoàn chỉnh; tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể; quan hệ họ hàng, xóm giềng được thắt chặt; dịch vụ y tế cơ sở được cải thiện rất tốt; tỷ lệ học sinh đi học cao hơn do điều kiện đi lại thuận tiện và trường học được xây dựng mới khang trang, đầy đủ tiện nghi; cảnh quan môi trường sạch - đẹp...”.

Ở thành phố Vị Thanh, người dân cũng luôn thể hiện sự hài lòng, đồng thuận và có nhiều đóng góp vào sự thành công chung trong kết quả xây dựng NTM của thành phố. Ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho hay: Ngoài sự đồng thuận với chính quyền địa phương trong xây dựng, phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, người dân thành phố còn hiến hơn 198.740m2 đất sản xuất, 5,3ha hoa màu và 8.360 ngày công lao động để thực hiện các tuyến đường giao thông nông thôn, thủy lợi, xây dựng trường học, nhà văn hóa ấp,… tương đương kinh phí gần 20 tỉ đồng. Bên cạnh đó, người dân còn tích cực tham gia lao động sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ nhằm giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và bảo vệ sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, môi trường. Hiện toàn thành phố xây dựng được 843 mô hình cho thu nhập từ 100 triệu đồng/ha đến hơn 1 tỉ đồng/ha. Mặt khác, người dân luôn có ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo; hăng hái tham gia phong trào trồng cây xanh, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp, trong đó 4 xã NTM có tỷ lệ nhà dân có hàng rào cây xanh, cảnh quan đẹp đạt trung bình 95,1% và 75 tuyến đường có cảnh quan đẹp.  

Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã góp phần làm tăng thu nhập cho người dân trong xây dựng NTM.

“Nếu không có sự tham gia, đồng thuận của người dân thì quá trình xây dựng NTM của thành phố sẽ gặp nhiều khó khăn và không đạt được kết quả khả quan như hôm nay, khi có 4/4 xã đều đạt chuẩn NTM và thành phố được Trung ương công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Tuy nhiên, để có được sự đồng thuận, chung sức của người dân thì thực tế qua hơn 10 năm xây dựng NTM cho thấy địa phương luôn thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân hưởng thụ”. Qua đây, đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, làm cho phong trào xây dựng NTM của thành phố ngày càng đi sâu vào lòng dân”, ông Võ Tứ Phương, Trưởng phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, chia sẻ thêm.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó Chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, thông tin thêm: Để hoàn thành các mục tiêu đề ra, ngành chức năng từ tỉnh đến cơ sở sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều giải pháp. Không ngừng thực hiện cuộc vận động xã hội sâu rộng về xây dựng NTM; nâng cao chất lượng và đa dạng các hình thức tuyên truyền; đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng NTM; nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp trong xây dựng NTM; đẩy mạnh phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn để tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn và mang tính đặc trưng cho từng vùng; lồng ghép tốt các nguồn vốn từ các nguồn tài trợ trong nước và quốc tế, cũng như huy động sự tham gia đóng góp tự nguyện của người dân, doanh nghiệp cho xây dựng NTM…

Sau hơn 10 năm xây dựng NTM, đến nay Hậu Giang có 32/51 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 62,75% và đạt 107% chỉ tiêu Trung ương giao. Trong đó, có 3 xã NTM nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, gồm thành phố Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A. Theo kế hoạch xây dựng NTM của tỉnh trong giai đoạn 2021-2025, Hậu Giang phấn đấu có 80% số xã của tỉnh được công nhận đạt chuẩn NTM, tương đương 41/51 xã. Bên cạnh đó, phấn đấu có thêm 2 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM, một huyện hoàn thành NTM kiểu mẫu và một huyện đạt chuẩn NTM nâng cao. Ngoài ra, phấn đấu có 30% số xã của tỉnh đạt chuẩn NTM nâng cao (tương đương 10/51 xã) và 10% xã NTM kiểu mẫu (tương đương 3/51 xã). Thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2025 tăng 1,8 lần so với năm 2020.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>