Người nuôi heo cân nhắc khi tái đàn

30/05/2018 | 08:07 GMT+7

Giá heo hơi tăng cao trong những ngày gần đây được đánh giá là tín hiệu phục hồi của ngành chăn nuôi, nhưng xu hướng người nuôi tái đàn vẫn chưa cao.

Ngành chức năng khuyến cáo người dân muốn tái đàn cần chọn con nái chất lượng tốt để cho năng suất sinh sản cao nhất.

Theo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), đầu tháng 4-2018 giá heo hơi có dấu hiệu tăng trở lại. Giá heo hơi bình quân ở phía Bắc lúc đó là 32.000-34.000 đồng/kg; ở khu vực phía Nam khoảng 31.000-33.000 đồng/kg. Đến giữa tháng 4, giá heo hơi trung bình khoảng 40.000 đồng/kg và tăng dần cho đến nay. Tại Hậu Giang, chỉ trong tuần qua, giá heo hơi đã tăng lên mốc 50.000 đồng/kg, mức giá cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây. Thông tin này khiến người chăn nuôi vô cùng phấn khởi, bởi có cơ hội “thoát nợ” sau thời gian dài thua lỗ.

Hộ kinh doanh Nguyễn Thị Kim Thảo, ở chợ Vị Thanh, cho biết: Người nào còn heo tơ thì mừng, vì cứ qua một đêm là thấy giá heo tăng lên. Nhưng bây giờ lượng heo hơi trong dân còn ít lắm, thương lái phải lùng ráo riết mới có đủ nguồn. Họ thu mua cao thì mình phải bán tăng giá thịt. Hiện tại, thịt đùi tôi bán ra khoảng 70.000 đồng/kg, nếu so với 2 tháng trước thì tăng khoảng 20.000 đồng/kg”.

Theo ngành chức năng, mức giá heo hơi tăng lên như hiện nay là do lượng heo trong dân còn ít. Sau đợt heo hơi giảm giá kéo dài hơn 1 năm qua rất nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ đã bỏ chuồng hoặc có xu hướng chuyển đổi sang nuôi các loài vật khác. Còn lại các công ty hoặc những hộ đủ khả năng kinh tế mới duy trì được đàn đến nay. Theo khảo sát của ngành chuyên môn, dù lúc này giá heo hơi đã tăng cao nhưng nhìn chung người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh còn rất dè dặt và chưa có chuyện tăng đàn ồ ạt theo xu hướng. Những hộ có điều kiện phát triển chăn nuôi đang chọn lọc nái tốt để gây dựng lại đàn, nhưng vẫn ở mức độ vừa và nhỏ.

Theo thông tin từ các địa phương, hiện nay xu hướng người dân tái đàn rất ít, nhất là ở vùng nông thôn không còn nhiều hộ nuôi heo. Bà Nguyễn Thị Hồng, ở xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, cho biết dù giá heo tăng nhưng bà không tái đàn. Khu chuồng phía sau đã được cải tạo hơn 1 năm nay để nuôi gà tre, gà nòi, ngỗng, vịt. Bà Hồng tin tưởng khi chuyển đổi sang nuôi gia cầm ở quy mô nhỏ sẽ giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập phụ, trang trải các khoản phí sinh hoạt. “Tôi sẽ không tái đàn, bởi cứ vài năm lại có một đợt giá heo hơi rẻ bèo. Thông thường thấy giá heo tăng, nhà nào cũng tìm mua heo con gây lại đàn, được một vài năm cung vượt cầu thì chuyện heo hơi rớt giá lặp lại, minh chứng là hơn 1 năm qua người chăn nuôi điêu đứng. Lợi nhuận thì không bao nhiêu nhưng đến khi giá heo rẻ lại mang nợ”, bà Hồng tâm sự.

Còn bà Nguyễn Thị Hường, ở ấp 4, xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Giờ tôi chỉ nuôi 2 con nái sinh sản để bán con giống. Sau này cũng chỉ duy trì ở mức đó chứ không nuôi thêm. Còn nhớ thời điểm heo hơi chỉ có 22.000-23.000 đồng/kg, khi đó chuồng còn nhiều heo không bán được cứ đứng ngồi không yên. Giờ giá tăng lên bốn năm chục ngàn đồng cũng không ham nuôi heo hơi nữa. Mấy hôm nay, thấy thương lái đi kiếm mua nhưng cả xóm này không còn heo hơi để bán”.

Nhận định về tình hình chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, ông Trịnh Hùng Cường, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hậu Giang, cho rằng: Việc phát triển chăn nuôi ở Hậu Giang chủ yếu vẫn mang tính chất tự phát, quy mô nhỏ lẻ. Đặc thù nơi đây là vùng trũng thấp, diện tích canh tác thích hợp cho lúa, hoa màu. Chuồng trại thì không thể nào mở rộng như ở vùng Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, bởi chăn nuôi quy mô cần sự đầu tư ban đầu cao để đảm bảo các yếu tố về chuồng trại và nhất là xử lý môi trường. Tuy nhiên, hiện vấn đề này ở tỉnh còn nhiều hạn chế, do vậy Hậu Giang thích hợp hơn với hình thức chăn nuôi phân tán. Tùy vào điều kiện mà người dân cân nhắc việc phát triển đàn, số lượng vật nuôi vừa phải. Theo xu thế hiện nay, ngành chuyên môn khuyến khích người dân theo hướng chăn nuôi sạch đảm bảo an toàn thực phẩm cho người sử dụng.

Ngành chăn nuôi cũng khuyến cáo, với mức giá heo hơi hiện tại rất khả quan, vì vậy với những đàn heo trong giai đoạn xuất chuồng bà con nên bán chứ không giữ đàn chờ giá cao hơn nữa. Trường hợp người dân muốn gây dựng lại đàn cần chọn con nái chất lượng tốt để cho năng suất sinh sản cao nhất. Tùy vào điều kiện kinh tế mà phát triển quy mô phù hợp, không nên ồ ạt tăng đàn. Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, thời điểm này, người dân còn ngán ngại với chuyện tăng đàn, chưa dám đầu tư, chỉ còn tồn tại những cơ sở chăn nuôi truyền thống. Đối với hộ nuôi heo thịt thua lỗ trong thời gian qua đã có rất nhiều trường hợp bỏ chuồng và không tái đàn nữa.

Bài, ảnh: NGUYỄN HẰNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>