Nhà vườn trồng cam sành lo lắng

24/10/2018 | 08:06 GMT+7

Sau nhiều năm có giá và mức lợi nhuận hấp dẫn thì đến mùa thu hoạch năm nay, nhiều nhà vườn trồng cam sành trên địa bàn tỉnh rơi vào cảnh thua lỗ do giá bán thấp và ít thương lái đến mua, dẫn đến lượng cam sành chưa được tiêu thụ còn khá nhiều.

Còn một sản lượng lớn cam sành trong giai đoạn thu hoạch đang được nông dân trên địa bàn tỉnh mong chờ tiêu thụ với mức giá có lợi nhuận.

Xã Đại Thành là địa phương có diện tích trồng cam sành lớn nhất của thị xã Ngã Bảy với tổng diện tích 1.444ha, trong đó diện tích đang cho trái là 1.325ha. Những ngày này, về xã Đại Thành, đi đâu cũng thấy nỗi buồn hiện lên khuôn mặt của nhà vườn nơi đây vì lần đầu tiên kể từ khi phong trào trồng cam sành phát triển mạnh (từ năm 2012 đến nay) thì đây là vụ thu hoạch cam sành mà bà con rơi vào cảnh thua lỗ do giá bán tuột dốc sâu. Vừa bán xong 10 tấn cam sành cho thương lái, anh Nguyễn Việt Phương, ở ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, thông tin: “Theo tính toán sơ bộ của tôi và nhà vườn nơi đây, giá thành sản xuất 1kg cam sành thường dao động từ 5.000-7.000 đồng, thế nhưng giá mà tôi vừa bán xong cho thương lái chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, trong khi giá cùng kỳ của mọi năm từ 10.000-12.000 đồng/kg. Như vậy, sau khi trừ chi phí thì chỉ huề vốn đến thua lỗ và tình trạng này chưa từng xảy ra sau hơn 6 năm tôi gắn bó với cây cam sành”.

Cũng theo anh Phương và nhiều hộ trồng cam sành trên địa bàn xã Đại Thành, giá cam hiện tại đang tăng nhẹ trở lại, còn mấy ngày trước giá chỉ ở mức từ 3.000-4.000 đồng/kg, thậm chí vào thời điểm triều cường dâng cao và tràn vào một số tuyến đê bao, đoạn đường thấp đã gây ngập nhiều vườn cam sành nên bà con tỏ ra lo lắng và bán tháo với giá 2.500 đồng/kg thì càng lỗ nặng hơn. Ngoài nỗi khổ của giá cam thấp thì bà con còn chịu thêm gánh nặng là có rất ít thương lái đến mua nên vườn cam nào có trái không đẹp thì đợi thương lái đến để bán rất lâu, từ đó làm hao hụt rất nhiều do cam bị rụng vì quá ngày thu hoạch.

Trước tình hình giá cam đang ở mức thấp nên vẫn còn nhiều nhà vườn có hệ thống đê bao kiên cố và trái cam có thể neo lại trên cành thì bà con chưa vội bán trong lúc này mà quyết định đợi thêm một thời gian nữa với hy vọng giá cam sẽ tăng đến khi có lợi nhuận mới bán nhằm tránh tình trạng lỗ lã như những hộ đã bán trước. Ông Dương Văn Nam, ở cùng ấp Sơn Phú, xã Đại Thành, bộc bạch: “Muốn có được trái cam no tròn để bán không phải là chuyện dễ dàng mà nhà vườn phải tốn nhiều công chăm sóc, chi phí đầu tư từ lúc xử lý ra hoa cho đến ngày thu hoạch. Do vậy, với giá cam hiện tại chưa có lời và thấy cam còn có thể trụ thêm một thời gian nữa trên cành nên gia đình tôi quyết định neo khoảng 20 tấn cam sành trên diện tích 3,4ha thêm nửa tháng nữa, khi nào thấy giá cam hợp lý mới bán, dù đã có một vài thương lái đến đề nghị mua trong lúc này”.

Ông Dương Văn Giang, Chủ tịch UBND xã Đại Thành, cho biết: Qua nắm thông tin từ thương lái và một số vựa thu mua cam sành trên địa bàn xã thì nguyên nhân giá cam năm nay giảm sâu là do nguồn cung tại các địa phương trồng cam sành không chỉ trên địa bàn tỉnh mà còn nhiều tỉnh, thành khác tăng mạnh. Riêng tại xã Đại Thành, năm nay do được bà con chăm sóc kỹ nên vụ thu hoạch cam sành đang diễn ra ước sản lượng có thể tăng 30% so với cùng kỳ và diện tích cam sắp thu hoạch trên địa bàn xã còn khoảng 130ha.

Qua thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp thị xã Ngã Bảy, hiện toàn thị xã có khoảng 2.610ha cam sành, trong đó diện tích có khả năng cho trái là 2.213ha, riêng số chuẩn bị thu hoạch là 490ha, ước sản lượng 7.300 tấn. Và giống như nhà vườn tại thị xã Ngã Bảy, hiện bà con trồng cam sành trên địa bàn huyện Châu Thành cũng rơi vào cảnh tương tự khi giá bán thấp và ít thương lái đến mua, từ đó dẫn đến lượng cam còn trong dân chưa được tiêu thụ tương đối lớn.

Ông Trần Hồng Đức, Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Châu Thành, cho hay: Do giá cam sành đang dao động từ 4.000-5.000 đồng/kg nên nhiều nhà vườn chưa muốn bán mà neo lại chờ giá tăng thêm. Qua rà soát của ngành chức năng các địa phương thì hiện toàn huyện còn khoảng 1.000ha cam sành đang trong quá trình thu hoạch, ước năng suất từ 15-20 tấn/ha. Như vậy, Châu Thành còn khoảng 15.000 tấn cam sành trên cây sắp được thu hoạch nhưng đang gặp khó về đầu ra nên khiến nhà vườn rất sốt ruột trong lúc này.

Trước tình hình lượng cam sành gặp khó về đầu ra tương đối lớn, trong đó chỉ tính riêng hai địa phương có diện tích trồng nhiều nhất tỉnh là thị xã Ngã Bảy và huyện Châu Thành là khoảng 25.000 tấn. Do đó, để phần nào gỡ khó cho nông dân, hiện ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra giải pháp. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Từ ngày 20 đến 25-10 này, Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang phối hợp cùng với Trung tâm xúc tiến của Bộ NN&PTNT tổ chức xúc tiến thương mại mặt hàng trái cây cho tỉnh, trong đó có cam sành. Đồng thời, Hậu Giang có kế hoạch tham gia tại một số hội chợ do Bộ NN&PTNT tổ chức cũng nhằm mục đích như trên. Do đó, sở đề nghị ngành nông nghiệp các địa phương trong tỉnh cần rà soát lại diện tích cam sành chưa thu hoạch, ước sản lượng và tính giá thành sản xuất chính xác để làm cơ sở tính toán các bước giúp nhà vườn trong những đợt xúc tiến thương mại tới đây về mặt hàng trái cây đạt hiệu quả…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>