Nhân rộng mô hình hiệu quả

29/05/2018 | 09:04 GMT+7

Những năm gần đây, mô hình kinh tế vườn, kinh tế hộ đã chiếm một vị trí quan trọng và mang lại hiệu quả đối với nông dân thị xã Long Mỹ. Nếu so với trồng lúa thì kinh tế vườn đã vượt trội về mặt kỹ thuật sản xuất và hiệu quả kinh tế.

Năm 2017, Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ đã triển khai thí điểm mô hình chăn nuôi vịt siêu thịt. Theo đó, nông dân thuộc diện hộ nghèo của ấp 2, xã Long Trị được hỗ trợ 70 con vịt siêu thịt giống Vigova. Sau 1 đợt nuôi, mô hình này được nhiều nông dân đánh giá cao vì sự thành công và hiệu quả.

Mô hình nuôi vịt siêu thịt do Phòng Kinh tế thị xã thực hiện thí điểm tại ấp 2, xã Long Trị, giúp các hộ nghèo tăng thu nhập.

Gắn bó với nghề nuôi vịt thịt hơn 10 năm, ông Nguyễn Văn Bảnh, ở ấp 2, xã Long Trị không khỏi ngạc nhiên vì tốc độ lớn của loài vịt này. Ông Bảnh cho biết: “So với mấy giống vịt mà tôi nuôi trước kia, vịt siêu thịt lớn gấp rưỡi. Nếu vịt thông thường cần 3 tháng mới đạt trọng lượng 2,5-3kg/con thì vịt siêu thịt chỉ cần 49 ngày là đạt 3,5-4kg/con, mà phẩm chất thịt vịt rất ngon, nhiều thịt, ít mỡ, giá bán từ 40.000-45.000 đồng/kg. Tiếc là bán hết nên vụ này muốn nuôi nữa mà không có con giống”. Còn ông Lâm Văn Nan, ngụ cùng ấp, cũng nhận được 70 con vịt và rất thích thú vì tỷ lệ hao hụt thấp. Ông Nan chia sẻ: “Từ lúc nuôi đến khi bán chỉ hao hụt có 2 con. Vịt mau lớn, ít bị bệnh nên nhà tôi đã giữ lại 3 con để nhân giống”.

Điều đáng phấn khởi là các mô hình của 4 hộ nghèo ở ấp 2, xã Long Trị đều cho lợi nhuận trên 4 triệu đồng/hộ/2,5 tháng nuôi. Thức ăn cho vịt được bà con tận dụng từ lúa, ốc trên ruộng; cám nhuyễn trộn chuối cây hoặc một ít thức ăn công nghiệp. Tuy nhiên, với mức giá 25.000 đồng/con vịt con và con giống khan hiếm nên mô hình tuy hiệu quả nhưng chưa thể nhân rộng đại trà. Ông Nguyễn Văn Thống, Phó trưởng Phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ, thông tin: Thấy mô hình hiệu quả nên phòng đã liên hệ với công ty để mua con giống về cho bà con. Trước mắt, năm nay sẽ nhân rộng mô hình ra 8/8 đơn vị xã, phường trên địa bàn với quy mô 3.960 con (trung bình khoảng 50 con/hộ).

Bên cạnh hỗ trợ hộ nghèo, thị xã cũng chú trọng phát triển các mô hình kinh tế hợp tác, nhất là đã thực hiện Đề án “Phục hồi và nâng cao chất lượng cây quýt đường Long Trị trên địa bàn thị xã Long Mỹ giai đoạn 2017-2020” (đề án). Đánh giá về mô hình trong đề án, ông Nguyễn Văn Út, Giám đốc HTX quýt đường Long Trị, cho biết: “Mấy năm nay, quýt đường ở HTX gặp tình trạng vàng lá, thối rễ gây rụng trái, giảm năng suất. Các nhà khoa học và cán bộ kỹ thuật đã tìm hiểu được nguyên nhân là thiếu chất dinh dưỡng. Khi thực hiện đề án này, HTX đã trồng mới 9ha quýt đường. Sau nửa năm tham gia, đặc biệt là thực hiện các biện pháp kỹ thuật tiên tiến như chọn giống chất lượng, bón phân hữu cơ, sử dụng sản phẩm vi sinh và trồng với mật độ phù hợp nên mô hình phát triển tốt”. Mô hình của đề án đã đem lại niềm tin cho nông dân trồng quýt đường của HTX nói riêng và trong thị xã nói chung. Bà con tin tưởng và an tâm hơn nhờ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền và ngành chức năng. Đặc sản quýt đường Long Trị lại tiếp tục phát triển và mang về nguồn kinh tế lớn cho người dân Long Mỹ.

Cùng với mô hình kinh tế vườn, thị xã Long Mỹ đang hướng dẫn bà con phát triển mô hình kinh tế cao hơn với cây xoài cát Hòa Lộc. Ông Thống cho biết thêm: Để cải thiện đời sống người dân khu vực nông thôn, cải tạo vườn kém hiệu quả, đơn vị đã vận động bà con chuyển đổi sang mô hình trồng cây có giá trị kinh tế cao là xoài cát Hòa Lộc. Bên cạnh đó sẽ khuyến cáo bà con kết hợp trồng cây hạnh để lấy ngắn nuôi dài. Dự kiến, mô hình sẽ trồng 6.000 cây, với quy mô 20ha. Hiện tại, mô hình trong giai đoạn chọn hộ và chuẩn bị đất, sang quý sau là tiến hành xuống giống.

Theo ông Thống, hạnh là cây dễ trồng, cho năng suất cao mà ít sâu bệnh, ít tốn công chăm sóc và cũng là loại trái thông dụng trong đời sống hàng ngày. Mỗi ký hạnh có giá bán trung bình 5.000 đồng, vì vậy mô hình này hứa hẹn sẽ đem lại nguồn thu khá và quanh năm cho nông dân.

Bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của ngành chức năng, nông dân còn được tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật từ các lớp tập huấn cùng với sự tích lũy kinh nghiệm từ thực tế nên các mô hình kinh tế vườn ở thị xã Long Mỹ ngày càng phát triển. Vì vậy mà đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, phong trào nông dân sản xuất giỏi ngày càng phát triển.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>