Nhiều diện tích sắn ở Bình Phước bị bệnh khảm lá

10/10/2018 | 14:16 GMT+7

Hiện nay nông dân trồng sắn (cây mì) ở tỉnh Bình Phước đang điêu đứng vì bệnh khảm lá sắn lan rộng trên diện tích hàng trăm hec ta nhưng không có thuốc chữa trị.

Bệnh khảm lá “tấn công” khiến nhiều hộ dân nguy cơ thất thu, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt gia đình.

Bà Kim Thủy ở ấp 2, xã An Khương, huyện Hớn Quản cho biết: “Rẫy sắn 1 ha nhà tôi bị bệnh khảm lá không biết cách nào chữ trị cho hết. Nhà tôi cũng đã phun xịt trừ rầy rồi mà vẫn không đỡ."

Tại xã Long Hà, huyện Phú Riềng, gia đình ông Nguyễn Thành Bích thu hoạch sắn năm trước đạt năng suất hơn 12 tấn củ/ha. Tuy nhiên, năm nay do bị bệnh khảm lá nên năng suất khả năng bị sụt giảm đáng kể. Dự kiến, mỗi hécta may ra gia đình ông Bích chỉ đạt khoảng 4 tấn củ. Với diện tích 10 ha sắn trồng xen trong cao su mới trồng, vụ năm nay, gia đình ông Bích dự kiến chỉ thu về tầm 40 tấn củ. Sản lượng trên theo tính toán của gia đình ông Bích không đủ bù chi phí.

Theo người dân ở khu vực ấp 2, xã An Khương, đầu mùa các hộ đua nhau trồng sắn khiến giống tại chỗ trở nên khan hiếm. Trước thực tế đó, thương lái nhập giống từ nơi khác về có thể là nguyên nhân xuất hiện bệnh này. Bên cạnh đó, mấy năm trước giá giống sắn chỉ dao động từ 20.000 - 30.000 đồng/bó, thế nhưng năm nay tăng lên từ 50.000- 70.000 đồng/bó.

Kinh phí để đầu tư 1 ha hết khoảng 5 triệu đồng, gồm tiền mua hom giống và tiền thuê nhân công trồng, chưa kể tiền thuê đất. Bệnh khảm lá sắn lan truyền qua bọ phấn trắng và qua hom giống lấy từ cây bệnh, đây là bệnh rất nguy hiểm và khó phòng trừ. Triệu chứng đặc trưng dễ nhận biết là khảm vàng loang lỗ trên lá, mức độ hại nhẹ là không bị biến dạng hoặc biến dạng nhẹ. Mức hộ hại nặng làm cho lá sắn xoắn, cong queo và nhăm nhúm. Bệnh được xác định gây hại nặng trên giống sắn HL-S11, đây là một trong những giống cho năng suất và tinh bột cao.

Ông Nguyễn Văn Danh, Trưởng bộ phận Kỹ thuật và Dịch vụ, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Phú Riềng cho biết, tỉnh Bình Phước cũng đã có công văn chỉ đạo tuyên truyền cho bà con nông dân biết bệnh vi rút khảm lá này. Về phía huyện Phú Riềng cũng đã thành lập tổ để tập huấn, tuyên truyền cho bà con, phát tờ rơi cho bà con biết là bệnh gì, hướng dẫn bà con cách tiêu hủy kịp thời. Thế nhưng, bệnh này hiện nay chưa có thuốc trị nên bà con gặp khó khăn trong trị bệnh. Đơn vị đã khuyến cáo bà con có diên tích đã nhiễm bệnh không nên trồng lại năm tiếp theo, nếu trồng thì sẽ bị bệnh tiếp.

Không chỉ ở huyện Phú Riềng, Hớn Quản, bệnh khảm lá sắn lan rộng trên toàn địa bàn tỉnh, khiến nhiều hộ dân gặp không ít khó khăn. Loại bệnh này còn ảnh hưởng đến cả vụ năm sau vì theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp, vụ tới không thể tiếp tục trồng sắn trên vùng đất đã bị nhiễm bệnh.

Theo K GỬIH (TTXVN)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>