Nhiều khó khăn trong xây dựng nông thôn mới

15/09/2017 | 08:44 GMT+7

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) đã góp phần thúc đẩy sự phát triển về kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các ngành, địa phương vẫn gặp rất nhiều khó khăn.

Đến nay, nợ đọng trong xây dựng cơ bản về NTM còn trên 52 tỉ đồng.

Đạt nhiều kết quả tích cực

Tính đến nay, toàn tỉnh đã huy động thực hiện chương trình trên 25.858 tỉ đồng từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, nhân dân đóng góp, tín dụng, doanh nghiệp, trái phiếu Chính phủ và vốn khác lồng ghép với các chương trình, dự án để xây dựng NTM. Từ các nguồn vốn này đã giúp nâng cao thu nhập người dân tăng 3 lần so với năm 2010. Các mô hình làm ăn hiệu quả ngày càng tăng lên, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống điện, đường, trường, trạm, cơ sở vật chất văn hóa, công trình thủy lợi phát triển khá nhanh. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của tỉnh đến cuối năm 2016 đạt trên 31 triệu đồng/người, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể. Chỉ trong 5 năm đã giảm 16,57% (giảm từ 22,8% năm 2010 còn 6,23% vào cuối năm 2015), cuối năm 2016 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 12,48% do tiêu chuẩn đánh giá hộ nghèo thay đổi. Đến nay, toàn tỉnh có 20/54 xã hoàn thành được 19/19 tiêu chí NTM.

Từ năm 2011 đến nay, về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, toàn tỉnh đã đầu tư xây mới, nâng cấp, sửa chữa trên 1.601km đường và 1.080 cây cầu, hiện có 25/54 xã đạt tiêu chí giao thông, đạt 46,3%.  Theo đó, tỉnh cũng đầu tư trên 822 tỉ đồng để xây dựng hệ thống đê bao, cống khá hoàn chỉnh, các công trình đưa vào sử dụng đều đạt hiệu quả thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp của người dân nông thôn nên đến nay có 36 xã đạt tiêu chí về thủy lợi. Đối với tiêu chí điện thì có 51/54 xã đạt về tiêu chí này.

Từ khi triển khai chương trình đến nay, tỉnh đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, sửa chữa khoảng 200 công trình trường học từ cấp mẫu giáo đến trung học phổ thông. Chỉ riêng từ đầu năm 2017 đến nay đã đầu tư xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp 12 trường học các cấp với tổng kinh phí trên 26 tỉ đồng, nâng tổng số trường trên địa bàn toàn tỉnh đạt chuẩn quốc gia là 177 trường. Đến nay, toàn tỉnh có 29 xã đạt tiêu chí trường học. Đối với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa thì có 20 xã đạt yêu cầu…

Ông Nguyễn Hồng Quân, Phó Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh, đánh giá cao trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM, nhiều địa phương huy động sức dân, chương trình lồng ghép mang lại hiệu quả. Đặc biệt, thu nhập người dân tăng nhiều lần so với năm 2010. Các mô hình sáng tạo, cách làm ở địa phương hiệu quả, điển hình như tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu, nông dân lập nghiệp…

Loay hoay với những vấn đề khó

Bên cạnh thuận lợi thì vẫn còn những khó khăn trong quá trình thực hiện. Như tiêu chí giao thông đến nay chỉ mới được 25 xã đạt. Khó hiện nay của tiêu chí này là do các địa phương quan tâm đến cao trình, chất lượng, mỹ thuật nhưng còn một số huyện ở các tuyến đường chưa được nâng cao trình. Vì khi nâng cao trình lên làm tăng suất đầu tư, lề đường đắp cao, diện tích đất sử dụng lớn làm ảnh hưởng đến đất, hoa màu của người dân. Đồng thời, công tác thủy lợi gắn với giao thông làm mặt cứng chưa nhịp nhàng, việc thực hiện theo tiêu chí 3.2 (thu nhập người dân) ở một số đơn vị còn thiếu đồng bộ, chưa quan tâm triển khai dẫn đến kết quả đạt chưa cao.

Đối với ngành điện dù có quan tâm đầu tư phát triển điện nông thôn, nhưng do nguồn vốn chưa đáp ứng kịp nhu cầu nên một số tuyến người dân vẫn còn xài điện câu đuôi. Bên cạnh đó, công tác phân bổ vốn để hỗ trợ việc đầu tư xây dựng hạ tầng các chợ trên địa bàn còn hạn chế, chưa đạt yêu cầu. Vốn đầu tư chủ yếu từ ngân sách địa phương và xã hội hóa từ các doanh nghiệp nhưng khi triển khai kêu gọi đầu tư còn gặp nhiều trở ngại, nhất là đối với chợ hạng III, tiến độ thực hiện các dự án còn chậm.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Phó Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho biết: Chương trình xây dựng NTM thời gian qua đã mang lại hiệu quả rất thiết thực. Tuy nhiên, việc đầu tư nhà văn hóa, thể thao cấp xã hiện nay chưa phát huy hiệu quả, còn phí so với nhu cầu thực tế. Trong khi đó, việc đầu tư điện, nước còn thấp so với nhu cầu sử dụng của người dân, cho nên tỉnh cần rà soát vấn đề đầu tư cho điện và nước sạch. Còn theo ông Lê Trung Kiên, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh thì cho rằng cần đánh giá lại số lượng lao động có việc làm qua đào tạo trên địa bàn.

Trong khi mô hình sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn, nhưng vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm để nâng cao thu nhập cho nông dân đang được các ngành, địa phương quan tâm. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, cho biết: Muốn đạt mục tiêu đề ra về thu nhập thì phải sản xuất đa canh và chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Vấn đề là sản phẩm nông dân làm ra thì có, nhưng số doanh nghiệp bao tiêu quá ít hoặc không có bao tiêu. Như vậy, phải xúc tiến đầu tư, kêu gọi doanh nghiệp bằng một chính sách hấp dẫn, cần có một cơ chế riêng để hỗ trợ doanh nghiệp. 

Còn theo ông Nguyễn Quốc Ca, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh thì yêu cầu cần xem lại nguồn vốn trong thực hiện chương trình NTM, vốn vay chiếm tỷ lệ quá nhiều trong tất cả các nguồn vốn. Trong chỉ đạo, huyện Phụng Hiệp cần làm thế nào để không dẫn đến sự chênh lệch quá lớn về thu nhập giữa các xã với nhau.

Ngoài những khó khăn nêu trên, theo ông Đặng Cao Trí, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND tỉnh thì hạn chế hiện nay là nợ đọng xây dựng cơ bản NTM ở địa phương vẫn còn nhiều. Xuất phát điểm ở các xã thấp, mô hình còn mang tính tự phát, manh mún…

Một số tiêu chí có kết quả đạt tốt trong việc xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh như: Tiêu chí lao động có việc làm thường xuyên và tiêu chí bưu điện có 54/54 xã đạt, tiêu chí điện có 51/54 xã đạt, tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất có 43/54 xã đạt, tiêu chí nhà ở dân cư và tiêu chí về thu nhập có 39/54 xã đạt, tiêu chí chợ 38/54 xã đạt, tiêu chí thủy lợi có 36/54 xã đạt.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>