Nhiều thành tựu nổi bật trong xây dựng nông thôn mới

03/12/2018 | 08:45 GMT+7

Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang về những thành tựu đạt được sau 8 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đồng thời chỉ ra những mặt còn khó khăn và đề ra định hướng thực hiện trong thời gian tới, ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh, cho biết:

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên (thứ 2 từ phải sang) tham quan mô hình nuôi ba ba hiệu quả của người dân xã NTM Trường Long A.

- Có thể khẳng định, trong những thành tựu Hậu Giang đạt được sau 15 năm thành lập tỉnh thì xây dựng NTM là một điểm son. Bởi khi nhìn lại chặng đường gần 8 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, chúng ta vui mừng với những kết quả quan trọng và khá toàn diện, nổi bật. Cụ thể, đến nay các xã trong toàn tỉnh đạt bình quân 14,7 tiêu chí/xã, cao hơn bình quân của cả nước là 0,4 tiêu chí/xã. Ngoài ra, toàn tỉnh có 25/54 xã đạt chuẩn NTM chiếm 46,3%, cao hơn bình quân chung cả nước 9%, các xã còn lại đều đạt từ 8 tiêu chí trở lên; đồng thời có một đơn vị cấp huyện là thị xã Ngã Bảy được công nhận đạt chuẩn NTM. Từ thành tựu trên đã đưa Hậu Giang đang là tỉnh dẫn đầu của vùng đồng bằng sông Cửu Long về phong trào xây dựng NTM.

Xin ông cho biết cụ thể hơn về một số mặt mà người dân được hưởng thụ trực tiếp từ chương trình xây dựng NTM ?

- Đường sá, trường học, trạm y tế, điện, hệ thống thủy lợi, cơ sở vật chất văn hóa... tại nhiều xã được đầu tư ngày càng hoàn thiện, góp phần giúp việc đi lại, giao thương hàng hóa, sinh hoạt công cộng, khám chữa bệnh, học tập của con em vùng nông thôn được thuận tiện rất nhiều. Bên cạnh đó, chất lượng cuộc sống cũng thay đổi nhờ phương tiện nghe nhìn được đầy đủ, từ đó bà con mở mang kiến thức và tiếp cận được nhiều tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, cũng như học hỏi được nhiều kinh nghiệm từ các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao nguồn thu nhập. Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân tại các xã đạt chuẩn NTM trên địa bàn tỉnh là 41 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 4%. Mặt khác, cảnh quan môi trường được cải thiện và ngày càng sáng, xanh, sạch, đẹp.

Những thuận lợi, khó khăn cơ bản khi xây dựng NTM tỉnh ta là gì, thưa ông ?

- Điểm thuận lợi là Đảng bộ, quân, dân Hậu Giang đoàn kết một lòng, có truyền thống yêu nước; ý chí, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp. Sự phấn đấu vươn lên của từng cán bộ, đảng viên và sự đồng thuận của Nhân dân. Được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp vào cuộc quyết liệt đã chỉ đạo, điều hành thực hiện toàn diện có trọng tâm, trọng điểm. Điều kiện tự nhiên thuận lợi, đất đai phì nhiêu, lực lượng lao động đông đảo. Tuy nhiên, là tỉnh thuần nông nên thu nhập của người dân chủ yếu từ sản xuất nông nghiệp, phát triển kinh tế chưa xứng với tiềm năng, thu nhập của người dân khá thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, xuất phát điểm so với chỉ tiêu Bộ tiêu chí quốc gia về NTM khá thấp. Bên cạnh đó, là chương trình mới nên năng lực tổ chức triển khai của đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cơ sở còn hạn chế, thiếu về số lượng, chất lượng; người dân còn trông chờ vào sự đầu tư của Nhà nước... Từ những khó khăn trên, tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức để cộng đồng người dân hiểu rõ trách nhiệm của mình là chủ thể và nội lực trong xây dựng NTM, từ đó chung sức, đồng lòng cùng chính quyền địa phương làm thay đổi xóm ấp của mình.

Năm 2018, Hậu Giang tiếp tục thực hiện xây dựng các xã NTM nâng cao và tỉnh đã chọn 3 xã là Đại Thành (thị xã Ngã Bảy), Thạnh Xuân (huyện Châu Thành A) và Long Trị A (thị xã Long Mỹ). Vì sao chúng ta chọn 3 xã này, thưa ông ?

- Sở dĩ, UBND tỉnh chọn 3 xã này để thực hiện thí điểm NTM nâng cao theo 16 tiêu chí được UBND tỉnh ban hành trong năm 2018 là do trong quá trình thực hiện xây dựng NTM thời gian qua cấp ủy đảng, chính quyền và người dân các xã này vào cuộc rất quyết liệt, hệ thống chính trị ổn định, an ninh trật tự giữ vững, cơ sở hạ tầng được đầu tư toàn diện, cảnh quan môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp, thu nhập người dân ổn định và nâng cao hơn so với các xã khác. Về lợi thế thì nhìn chung cả 3 xã đều có rất nhiều mô hình sản xuất hiệu quả và ổn định, đáp ứng đầy đủ, toàn diện cho sự phát triển kinh tế hộ trong nông thôn. Đối với Đại Thành thì có thế mạnh là về cây ăn trái (cam sành), thủy sản (cá tra); Thạnh Xuân thế mạnh là mô hình cây ăn trái, mô hình nuôi ba ba và rau màu; Long Trị A thế mạnh là mô hình rau màu, cây ăn trái và mô hình lúa chất lượng cao (lúa lai).

Để phong trào xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào chiều sâu, đặc biệt là hoàn thành mục tiêu đến năm 2020 có trên 50% số xã đạt chuẩn NTM thì ông có những lưu ý gì đối với các địa phương trong thời gian tới ?

- Các địa phương tiếp tục ưu tiên đầu tư hạ tầng thiết yếu để phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân. Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông lâm nghiệp, thủy sản để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và thu nhập cho người dân. Ngoài ra, triển khai có hiệu quả các chương trình, đề án của ngành nông nghiệp và nhân rộng các mô hình sản xuất có ảnh hưởng rộng, tính ứng dụng cao, cũng như xây dựng và phát triển thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực như: khóm, mía, bưởi, cam, quýt đường, cá thát lát... Đồng thời, mở rộng diện tích sản xuất hàng hóa áp dụng các tiêu chuẩn an toàn; chú trọng phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, liên kết sản xuất, chế biến, bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, tổ chức xúc tiến thương mại và tham gia hội chợ, triển lãm để quảng bá, giới thiệu các sản phẩm và vận động doanh nghiệp tham gia liên kết, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Đặc biệt, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để giúp các hộ nông dân nghèo tăng thu nhập và thoát nghèo bền vững…

Xin cảm ơn ông !

HỮU PHƯỚC thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>