Niềm vui nông thôn mới

31/08/2017 | 07:47 GMT+7

Dịp lễ Quốc khánh 2-9, trên địa bàn tỉnh tiếp tục có thêm hai xã là Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ và Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A đã kịp về đích nông thôn mới (NTM) nhằm lập thành tích chào mừng sự kiện quan trọng này. Đây là sự nỗ lực, quyết tâm của Ban chỉ đạo xây dựng NTM từ tỉnh đến cơ sở và sự chung sức, đồng lòng của người dân địa phương.

Hệ thống trường học của Vĩnh Thuận Đông hôm nay được đầu tư rất tiện nghi.

Năm nay, niềm vui chào mừng kỷ niệm 72 năm Ngày Quốc khánh 2-9 (2/9/1945 - 2/9/2017) đối với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thuận Đông và Tân Phú Thạnh như được nhân đôi khi hôm nay (ngày 31-8), hai địa phương này long trọng tổ chức lễ ra mắt xã NTM thứ 18 và 19 của tỉnh sau hành trình gần 7 năm phấn đấu xây dựng có trọng tâm, trọng điểm.

Phát huy thế mạnh địa phương

Trong quá trình chỉ đạo xây dựng NTM, lãnh đạo xã Vĩnh Thuận Đông và Tân Phú Thạnh có chung quan điểm là tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nhằm nâng cao nguồn thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân. Vì chỉ có khi cuộc sống của bà con được nâng lên thì việc tuyên truyền, vận động thực hiện các công việc còn lại sẽ được thuận lợi hơn. Chính vì vậy, công tác phát triển sản xuất dựa trên thế mạnh của địa phương luôn được hai xã quan tâm thực hiện và đã mang lại nhiều hiệu quả.

Đối với xã Vĩnh Thuận Đông, ngay khi bắt tay vào xây dựng NTM (năm 2011), Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã xác định chọn khâu đột phá là tập trung phát triển nông nghiệp. Bởi, qua kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ hộ dân sản xuất nông nghiệp trên địa bàn xã chiếm khoảng 85%, trong đó lúa là cây trồng chủ lực. Ngoài ra, xã còn có tiềm năng tài nguyên đất đai màu mỡ, có 2 con sông Nước Đục và sông xáng Nàng Mau đi qua đã tạo điều kiện cho người dân sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản thuận lợi. Do đó, thời gian qua, lãnh đạo xã đã có nhiều giải pháp và lĩnh vực nông nghiệp đã vực dậy mạnh mẽ.

Kinh tế vườn là thế mạnh của người dân Tân Phú Thạnh trong lúc này.

Chia sẻ về điều kiện canh tác lúa tại địa phương, ông Lê Thanh Hồng, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Những năm gần đây, với sự quan tâm nạo vét thủy lợi nội đồng, xây dựng hệ thống đê bao, cống, đập của chính quyền địa phương mà tình hình sản xuất lúa của bà con gặp nhiều thuận lợi khi chủ động được nguồn nước cho cả 3 vụ lúa. Nhờ vậy, năng suất lúa nơi đây đều đạt từ 600-900kg/công đối với vụ Hè thu và Thu đông, còn vụ Đông xuân thường trên 1 tấn/công, tăng khoảng 200kg so với trước đây, từ đó góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống”.

Ngoài hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, Vĩnh Thuận Đông còn vận động người dân đăng ký tham gia mô hình liên kết bao tiêu sản phẩm đầu ra trong vụ lúa Đông xuân hàng năm được 121 hộ, với diện tích 119ha. Bên cạnh đầu tư cho cây lúa, Vĩnh Thuận Đông còn vận động bà con cải tạo vườn tạp, vườn kém hiệu quả để chuyển sang trồng những cây đạt năng suất cao và hỗ trợ người dân cá giống để thả nuôi gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật. Hiện tại, nông dân trên địa bàn xã đã xây dựng được nhiều mô hình kinh tế làm ăn có hiệu quả, điển hình như: Mô hình trồng hẹ, dưa hấu, trồng tiêu dưới tán tràm, luân canh màu - lúa, nuôi heo, gà bằng đệm lót sinh học, nuôi cá ruộng… Ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, cho hay: “Chính nhờ sự chỉ đạo có tập trung trong sản xuất nên mức thu nhập bình quân đầu người của xã luôn tăng theo từng năm và hiện đạt gần 38 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo toàn xã xét theo hướng đa chiều chỉ còn 118 hộ, chiếm 3,97%”.

  Nếu như Vĩnh Thuận Đông có ưu thế về sản xuất nông nghiệp với cây lúa thì xã Tân Phú Thạnh lại tập trung phát triển kinh tế vườn để nâng cao nguồn thu nhập cho người dân. Hiện toàn xã có khoảng 1.300ha đất sản xuất nông nghiệp thì riêng đất có vườn cây ăn trái chiếm trên 900ha và khả năng sẽ tăng diện tích tích này hơn trong thời gian tới, còn lại là đất trồng hoa màu. Theo bà con nơi đây, chính điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết, hệ thống đê bao khép kín và giá trị kinh tế mà hầu hết người dân đã quyết định chuyển sang gắn bó với cây ăn trái trên mảnh đất của gia đình mình và phát triển mạnh trong khoảng 4-5 năm nay, với nhiều loại cây trồng khác nhau như: chanh không hạt, cam, cóc, vú sữa… trong đó chanh không hạt là cây trồng chủ lực.

Chỉ tay về phía 7 công chanh không hạt được 2-3 năm tuổi, lão nông Nguyễn Hữu Thới, ở ấp Tân Thạnh Tây, xã Tân Phú Thạnh, thông tin: “Từ khi chuyển sang trồng chanh mà cuộc sống gia đình đỡ phần vất vả, thu nhập mỗi năm cũng hơn 50 triệu đồng. Còn trước đây, khi trồng lúa thì chỉ đủ ăn chứ không dư dả như bây giờ”.  

Bên cạnh phát triển kinh tế vườn thì mô hình kinh tế tập thể nhằm tạo sự liên kết trong sản xuất để đảm bảo tính đầu ra ổn định, cũng như giải quyết công ăn việc làm cho lao động nông thôn cũng đang phát triển mạnh ở Tân Phú Thạnh. Điển hình là tổ hợp tác (THT) sản xuất chanh muối ở ấp Tân Thạnh Tây với 25 thành viên đang hoạt động rất hiệu quả. Chị Lâm Thị Kim Phượng, Tổ trưởng THT sản xuất chanh muối, cho biết: “Ban đầu bà con nơi đây làm nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Sau khi được chính quyền địa phương vận động, người dân đã liên kết lại thành THT, được tập huấn kỹ thuật, đặc biệt các hộ được hỗ trợ 100% tiền mua một máy chà chanh (5 triệu đồng/máy) nên công việc làm chanh muối có nhiều thuận lợi và hiệu quả hơn”.

Mỗi tháng, THT của chị Phượng sản xuất hơn 2 tấn chanh muối để giao cho khách hàng trong và ngoài tỉnh, với giá ổn định là 20.000 đồng/kg. Riêng gia đình chị Phượng làm hơn 1 tấn chanh muối, cho nguồn thu nhập hơn 20 triệu đồng/tháng. Qua thống kê của ngành chức năng địa phương, hiện toàn xã có 198 mô hình sản xuất cho thu nhập từ 100-300 triệu đồng/năm. Ngoài ra, nhằm góp phần tạo việc làm, thu nhập, giảm nghèo cho người dân địa phương, lãnh đạo xã Tân Phú Thạnh còn liên kết với nhiều công ty, doanh nghiệp tại khu công nghiệp trên địa bàn xã. Đến thời điểm này, thu nhập bình quân đầu người của Tân Phú Thạnh đạt gần 38,5 triệu đồng/người/năm, hộ nghèo còn 147 hộ, chiếm 3,38%.

Đi đến thành công

Sau khi phát huy thế mạnh của địa phương để nâng cao nguồn thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo cho người dân và đạt được mục đích chính của chương trình xây dựng NTM muốn hướng đến thì việc song song thực hiện các tiêu chí còn lại của xã Vĩnh Thuận Đông và Tân Phú Thạnh được thuận lợi hơn khi càng về sau càng nhận được sự chung sức đồng lòng của người dân. Đó là việc bà con tự nguyện hiến đất, hoa màu, ngày công lao động để thực hiện những công trình, cũng như làm tốt 16 nội dung, phần việc liên quan đến hộ gia đình để góp phần vào sự thành công chung khi xã nhà được công nhận đạt chuẩn NTM.

Ông Hồ Thanh Triết, Chủ tịch UBND xã Tân Phú Thạnh, nhận định: Ngoài phát triển sản xuất, để khơi dậy được sự tự giác của người dân trong việc chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng NTM thì công tác tuyên truyền, vận động cho người dân hiểu về mục đích, ý nghĩa của xây dựng NTM cũng hết sức cần thiết, trước hết là cán bộ, đảng viên. Do đó, sau khi quy hoạch, Đề án được phê duyệt, Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã tập trung công tác tuyên truyền, triển khai ra dân một cách sâu rộng thông qua các đoàn thể, tổ nhóm với nhiều hình thức. Chính điều này đã góp phần giúp Tân Phú Thạnh đạt 19/19 tiêu chí NTM như hôm nay.

Cùng quan điểm trên, ông Trần Đình Tuấn, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thuận Đông, cho rằng: Thời gian qua, ngoài sự quan tâm giúp đỡ của các ngành có liên quan từ tỉnh đến huyện, Đảng bộ xã luôn thể hiện tinh thần đoàn kết nhất trí cao, thường xuyên tuyên truyền, quán triệt tốt mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc xây dựng NTM. Từ đó, làm cho đa số người dân đều thông suốt nên công tác tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả như mong đợi. Đặc biệt, Vĩnh Thuận Đông đã về đích NTM sớm hơn một năm so với kế hoạch ban đầu.

Những ngày này, về xã Vĩnh Thuận Đông và Tân Phú Thạnh, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra nhiều sự đổi thay của các vùng quê nơi đây. Trong đó, rõ nhất là lộ giao thông nông thôn được nhựa và bê tông hóa khang trang, cảnh quan hai bên đường sạch đẹp với nhiều loại cây xanh, bông hoa khoe sắc và nằm phía sau hàng rào cây xanh là những ngôi nhà tường đẹp mắt với đủ tiện nghi; tình hình an ninh trật tự được giữ vững. Bên cạnh đó, hệ thống điện, trạm y tế xã, trường học, nhà văn hóa ấp, khu thể thao xã… cũng được đầu tư đạt chuẩn quốc gia, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khám chữa bệnh, học tập, vui chơi, giải trí cho người dân địa phương.

Vui mừng trước sự đổi thay của quê hương, Mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Thắm (91 tuổi) ở ấp 5, xã Vĩnh Thuận Đông, cho biết: “Thấy các con có nhiều việc làm thiết thực làm cho quê hương thay đổi nên mẹ rất vui mừng. Ngày trước đâu có lộ làng thông thương như bây giờ, hơn nữa đời sống người dân cũng khá lên từng ngày khi nhà nhà đều có cuộc sống tiện nghi. Mong rằng quê hương mình tiếp tục có nhiều đổi thay hơn nữa trong thời gian tới…”. 

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên đánh giá cao sự nỗ lực mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Vĩnh Thuận Đông và Tân Phú Thạnh đã làm được trong thời gian qua, cũng như sự quan tâm giúp đỡ của các ngành có liên quan của tỉnh, huyện để đưa hai xã này đạt chuẩn NTM đúng lộ trình. Qua đây, góp phần thực hiện thắng lợi sự chỉ đạo của Tỉnh ủy là cố gắng có 1-2 xã được công nhận đạt chuẩn NTM vào dịp lễ Quốc khánh 2-9. Kết quả này sẽ là nguồn động lực lớn giúp các địa phương có kế hoạch đạt chuẩn NTM trong năm 2017, đặc biệt là để Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh hoàn thành kế hoạch đề ra ngay từ đầu năm là phấn đấu công nhận thêm từ 2-4 xã NTM vào cuối năm.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>