Niên vụ mía 2017-2018: Mừng, lo điệp khúc cũ

27/06/2017 | 06:51 GMT+7

Mặc dù còn khoảng 2 tháng nữa bà con trồng mía nguyên liệu trên địa bàn tỉnh mới bắt đầu vào vụ thu hoạch niên vụ mía 2017-2018, nhưng với những thông tin về giá cả, tình hình thời tiết thuận lợi từ đầu mùa vụ đến nay đã làm cho người trồng mía cảm thấy ấm lòng. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui thì vẫn còn nỗi lo chưa hồi kết mà mỗi khi trước mùa thu hoạch mía bắt đầu đều gặp phải. 

Với nhiều tín hiệu lạc quan trước mùa thu hoạch, nông dân trồng mía của tỉnh đang kỳ vọng sẽ có thêm mùa mía “ngọt”.

Những tín hiệu lạc quan

Niên vụ mía 2017-2018, toàn tỉnh xuống giống gần 10.736ha, đạt 102% kế hoạch năm, trong đó, mía được trồng tập trung ở 4 địa phương, gồm: huyện Phụng Hiệp (7.504ha), huyện Long Mỹ (148ha), thị xã Ngã Bảy (1.192ha) và thành phố Vị Thanh (1.890ha). Về cơ cấu giống mía chín sớm là ROC 16 vẫn chiếm chủ lực với hơn 61,6%, tương đương 6.617ha; còn lại là giống mía chín trung bình và muộn, điển hình như: giống K88-92, Suphan Buri 7, K95-289, R570,… Hiện tại, các rẫy mía trong giai đoạn từ 3-6 tháng tuổi và đang phát triển tốt.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Thời tiết nắng, mưa xen kẽ từ đầu mùa vụ đến nay là điều kiện thuận lợi cho cây mía phát triển tốt, đặc biệt trên giống mía ROC 16, mọi năm thường xuất hiện bệnh rỉ sắt làm ảnh hưởng đến cây mía khá nhiều do trời nắng nóng, nhưng năm nay thì bệnh này gần như không xuất hiện, từ đó làm giảm chi phí đầu tư, hạ giá thành sản xuất cho nông dân. Mặc dù mía chưa thu hoạch, nhưng theo đánh giá của ngành nông nghiệp và bà con nông dân thì năng suất mía năm nay từ bằng đến cao hơn năm rồi, ước năng suất mía bình quân đạt hơn 95 tấn/ha.

Bên cạnh năng suất mía được đảm bảo, một tín hiệu lạc quan khác mà chính quyền địa phương và người trồng mía cảm thấy an tâm để đầu tư, chăm sóc cho ruộng mía nhà mình là năm nay, hai công ty mía đường trên địa bàn tỉnh đã thống nhất quan điểm về việc đưa ra giá sàn bao tiêu mía cho nông dân trong vụ mía này là 900 đồng/kg, tăng 70 đồng/kg so với cùng kỳ.

Ông Trần Không Dận, Phó Chủ tịch UBND huyện Phụng Hiệp, cho hay: Ngay từ khoảng giữa tháng 5 vừa qua, địa phương đã làm việc với lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) và Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Losuco) để bàn về giá, diện tích và tiến hành ký kết bao tiêu. Có thể nói, việc hai công ty thống nhất về giá bao tiêu đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho địa phương trong việc vận động người dân hợp đồng bán mía cho nhà máy. Sau khi làm việc với lãnh đạo địa phương, hai công ty đang tiến hành ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân. Ngoài ra, khi nông dân biết được giá bao tiêu mía năm nay do các nhà máy đường đưa ra thì bà con rất đồng tình và phấn khởi, với hy vọng sẽ tiếp tục có thêm mùa mía “ngọt”.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, năm nay, khả năng trên địa bàn tỉnh sẽ có lũ lớn, gây ảnh hưởng đến tình hình sản xuất nông nghiệp của bà con, trong đó có cây mía. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các địa phương vùng mía nguyên liệu và nhà máy đường tiến hành khoanh vùng, phân chia khu vực thu hoạch mía cụ thể vào từng thời điểm cho phù hợp và việc phân chia này dựa trên thời gian xuống giống, cơ cấu giống.Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Ngoài khoanh vùng thu hoạch mía, thời gian vào vụ năm nay có thể sớm hơn mọi năm. Theo dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ mía năm nay sẽ bắt đầu thu hoạch trong tháng 8 tới và kết thúc vào đầu tháng 3-2018. Trong đó, nông dân sẽ tập trung thu hoạch rộ vào tháng 10, 11 và 12 ở huyện Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh.         

Nỗi lo chưa có hồi kết

Có thể nói, một điệp khúc cứ lặp đi lặp lại hàng năm và nỗi lo nhất của người trồng mía trước khi mùa vụ mới bắt đầu là vẫn chưa giải quyết được thời gian vào vụ ép mía của các nhà máy đường. Năm nay, tuy ngành nông nghiệp tỉnh đã đưa ra thời gian dự kiến vào vụ ép của niên vụ mía 2017-2018, nhưng thời gian trên có lẽ chỉ nhận được sự đồng tình từ Losuco.

Bởi, theo bà Bùi Thị Quy, Chủ tịch HĐQT Losuco, tới đây, thị trường đường được dự báo không mấy sáng sủa như cùng kỳ do đường lậu Thái Lan tràn vào thị trường Việt Nam nhiều và giá bán thấp làm cho đường trong nước khó cạnh tranh nên dẫn tới đường còn tồn kho nhiều. “Năm nay, công ty sẽ bắt đầu vụ ép như năm rồi là vào khoảng cuối tháng 8 tới. Sản xuất sớm sẽ giúp công ty bán đường rải đều ở các tháng, tránh tình trạng đường tồn kho, giá thấp”, bà Quy chia sẻ.

Ngược với lý do của Losuco thì theo lãnh đạo Casuco, việc vào vụ sớm sẽ gây ảnh hưởng nhiều vấn đề. Trước tiên, đốn mía sớm sẽ không đạt năng suất và chữ đường tốt nhất, trong khi nhà máy mua mía căn cứ vào chữ đường, như vậy thiệt thòi thuộc về nông dân, nhất là sau khi đã thu hoạch hết giống mía chín sớm (ROC 16) thì sẽ chuyển qua đốn sớm các giống mía chín muộn thuộc nhóm K. “Trường hợp có lũ về thì Casuco sẵn sàng vào vụ sớm (đầu tháng 9) để hỗ trợ cho nông dân, còn trong điều kiện bình thường thì Casuco khuyến cáo nông dân nên đốn mía khi đạt độ chín nhất định. Theo kinh nghiệm sản xuất nhiều năm thì thời gian vào vụ thích hợp nhất cho vùng mía của tỉnh Hậu Giang là khoảng 25-9 và đây cũng là thời gian công ty bắt đầu vào vụ hàng năm, dự kiến năm nay cũng vậy”, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó Tổng Giám đốc Casuco, thông tin. 

Bên cạnh thời gian vào vụ ép mía, việc thiếu nhân công thu hoạch mía, đẩy giá thuê lên cao vào thời điểm thu hoạch rộ hay vấn đề lo ngại việc minh bạch trong đo chữ đường của các nhà máy vẫn là sự trăn trở của người trồng mía trong nhiều năm qua, nhưng vẫn chưa được giải quyết căn cơ. Trong đó, vấn đề giải bài toán nhân công lao động đã được các ngành, địa phương và nhà máy đường nghiên cứu tìm cách, nhưng chỉ mới bước đầu ở khâu đào hộc và vô chân mía, còn thu hoạch thì bằng thủ công; từ đó đẩy giá thành sản xuất tăng cao, kéo theo giá mía nguyên liệu cao nên giá đường khó cạnh tranh. Riêng về chữ đường, cũng tiến hành thành lập đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh đi kiểm tra nhưng theo bà con thì cần tăng cường hoạt động này hơn trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho rằng, không nhất thiết là ấn định ngày cụ thể bắt đầu vào vụ ép mà tùy theo tình hình thời tiết, chiến lược kinh doanh mà mỗi công ty linh hoạt chọn ngày vào vụ, nhưng trên tinh thần là trong tháng 9 tới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cũng đề nghị các nhà máy đường khẩn trương hoàn thành việc ký kết hợp đồng bao tiêu mía với người dân theo kế hoạch ban đầu. Giao Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với chính quyền địa phương có mía và nhà máy đường tiến hành khoanh và phân chia vùng thu hoạch mía vào từng thời điểm cụ thể nhằm hạn chế việc bà con bán mía non làm giảm lợi nhuận, cũng như giảm áp lực nhân công thu hoạch; đồng thời tăng cường công tác kiểm tra việc đo chữ đường tại các nhà máy nhằm tạo sự an tâm cho nông dân, thương lái,…

Dự kiến của ngành nông nghiệp tỉnh về thời điểm thu hoạch mía của từng địa phương trong niên vụ mía 2017-2018 như sau: Từ tháng 8 đến tháng 10-2017 sẽ thu hoạch khoảng 3.675ha mía ở huyện Phụng Hiệp và thị xã Ngã Bảy; từ tháng 11 đến tháng 12-2017, thu hoạch rộ khoảng 6.420ha mía ở tất cả 4 địa phương có mía của tỉnh, trong đó, huyện Phụng Hiệp, Long Mỹ và thị xã Ngã Bảy kết thúc vụ; riêng tháng 1 đến tháng 3-2018, thu hoạch diện tích mía còn lại ở thành phố Vị Thanh.   

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>