Nỗ lực giảm nghèo ở xã nông thôn mới

07/06/2017 | 08:19 GMT+7

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM), những tiêu chí khó luôn được huyện Long Mỹ ưu tiên triển khai thực hiện trước, nhất là tiêu chí thu nhập và hộ nghèo.

Không những chăm lo phát triển kinh tế mà ông Nguyễn Thành Trung, ở xã Lương Tâm còn tích cực tham gia xây dựng cảnh quan môi trường.

Dù bận rộn với công việc gia đình nhưng thời gian gần đây, mỗi khi chính quyền địa phương phát động phong trào xây dựng cảnh quan, môi trường, ông Nguyễn Thành Trung, ở ấp 9, xã Lương Tâm đều tích cực tham gia thực hiện. Ông Trung cho biết: “Từ khi nhà nước phát động thực hiện phong trào xây dựng NTM, gia đình tôi luôn bám theo 16 nội dung mà người dân cần phải làm. Trong đó có việc làm hàng rào, cây xanh cho đẹp, vận động con em trong nhà chấp hành tốt chủ trương của nhà nước, mạnh dạn chuyển đổi từ cây lúa sang trồng bắp, giúp mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn”.

Có thể nói, thu nhập là tiêu chí rất khó thực hiện trong Bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng NTM. Bởi mức thu nhập bình quân đầu người theo quy định phải tăng lũy tiến hàng năm. Do vậy, các địa phương nằm trong kế hoạch “về đích” NTM trong năm nay của huyện Long Mỹ, gồm Lương Tâm và Vĩnh Thuận Đông rất chú trọng thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, cũng như mạnh dạn thực hiện những mô hình điểm trong phát triển kinh tế, góp phần gia tăng thu nhập trên cùng diện tích canh tác.

Đã gắn bó với nghề trồng hẹ được hơn 10 năm nay, bà Trần Thị Mỹ Cưng, ở ấp 8, xã Vĩnh Thuận Đông, cho hay: “Tận dụng diện tích đất trống quanh nhà khoảng 700m2, tôi tiến hành trồng hẹ. Với giá bán dao động từ 7.000-10.000 đồng/kg nên mỗi tháng, sau khi trừ chi phí sản xuất, tôi kiếm lời hơn 6 triệu đồng. Nhờ vậy mà cuộc sống gia đình đã được cải thiện, không còn thiếu thốn như lúc trước nữa. Chưa kể là có thể lo cho con cái mình được học hành đàng hoàng”.

Tương tự, từ ngày lập gia đình ra ở riêng, cuộc sống vợ chồng bà Nguyễn Thị Thu Nga, ở ấp 8, xã Lương Tâm, luôn thiếu trước hụt sau. Do không có đất canh tác nên hộ bà Nga phải cật lực làm thuê để kiếm sống qua ngày. Tuy nhiên, vào đầu năm 2017 này, sau khi được chính quyền địa phương hỗ trợ xây dựng căn nhà tình thương và nguồn vốn vay 20 triệu đồng từ ngân hàng chính sách xã hội, gia đình bà Nga bắt đầu tính đến chuyện làm kinh tế. Theo đó, ngoài việc mướn 7 công đất lúa làm trong vụ Hè thu thì bà còn thả nuôi khoảng 200 con gà, vịt, ngỗng để kiếm thêm thu nhập.

Nhờ biết tính toán và chi tiêu hợp lý mà đến nay, gia đình bà Nga đã giảm bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Thậm chí bà còn dự tính năm nay sẽ mạnh dạn đăng ký thoát nghèo. Bà Nga chia sẻ: “Nhờ có nguồn vốn vay mà gia đình tôi có thể chăn nuôi gia súc, gia cầm, đồng thời buôn bán nhỏ nên luôn có đồng vô, đồng ra. Chưa kể là có thể thuê mướn đất ruộng mần để có gạo lúa ăn hàng ngày, có tiền lo cho con cái đi học. Nói ngay, có vốn làm ăn nên đời sống cũng tạm ổn hơn lúc trước rồi. Cuối năm nay, gia đình tôi sẽ đăng ký thoát nghèo”.

Ông Lê Minh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, nhấn mạnh: Trước đây, số hộ nghèo ở địa phương còn nhiều, thu nhập bình quân đầu người thấp, sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, thiếu tính ổn định, khiến cho các xã xây dựng NTM cứ lẩn quẩn trong khó khăn, chậm phát triển. Tuy nhiên, tình trạng này hiện đã được tháo gỡ khá nhiều, cụ thể là đối với 2 xã Lương Tâm và Vĩnh Thuận Đông. Hy vọng từ những chuyển biến tích cực như hiện nay sẽ là nguồn động lực lớn giúp hai địa phương đó tiến nhanh hơn trên con đường xây dựng NTM.

Hiện xã Lương Tâm còn 142 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 6,76%), Vĩnh Thuận Đông còn 197 (chiếm tỷ lệ 6,33%) hộ thuộc diện nghèo. Do đó, để kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo dưới mức 4% đạt theo tiêu chí NTM, lần lượt 2 xã này phải có từ 83-85 hộ đăng ký thoát nghèo trong thời gian tới.

 

Bài, ảnh: MINH ĐƯƠNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>