Nỗi lo vùng mía chạy lũ

19/09/2018 | 07:52 GMT+7

Vụ thu hoạch mía theo kế hoạch của nhà máy đường sắp cận kề, thế nhưng hiện vẫn còn nhiều diện tích tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh chưa được hợp đồng bao tiêu, nên đặt ra nhiều lo lắng cho người trồng mía.

Nông dân trên địa bàn tỉnh lo lắng vì còn nhiều diện tích mía chưa được bao tiêu.

Những ngày này, về vùng mía có diện tích lớn nhất của tỉnh là huyện Phụng Hiệp, đi đâu cũng nghe bà con than về tình hình tiêu thụ mía năm nay sẽ gặp nhiều bất lợi. Nhưng điều lo lắng nhất chính là hiện vẫn chưa được nhà máy đường đến ký kết bao tiêu như những năm trước. Với vẻ mặt trầm ngâm khi nhìn 6 công mía của gia đình (phân nửa là giống ROC 16, còn lại là giống K88-92), ông Lê Thanh Tiền, nông dân ở ấp Phương An, xã Phương Bình, cho biết: “Chưa năm nào tình cảnh trước khi vào vụ thu hoạch mía lại ảm đạm như bây giờ. Hiện mía nơi đây gần 10 tháng tuổi và sắp đến ngày thu hoạch mà vẫn chưa thấy nhân viên của nhà máy đường phụ trách địa bàn đến ký kết hợp đồng bao tiêu với nông dân, trong khi mọi năm công việc này đã thực hiện trong tháng 6 và tháng 7 rồi. Dù biết tình hình của ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn, nhưng ít ra lãnh đạo nhà máy đường được phân chia vùng nguyên liệu từ trước phải xuống để chia sẻ cùng nông dân thì bà con cũng phần nào an tâm. Với sự “vắng bóng” của nhà máy đường nên bà con tỏ ra lo lắng không biết mía của mình tới đây có được tiêu thụ hay không”.

Cùng nỗi lo trên, ông Nguyễn Văn Hiền, có 5 công mía ở ấp 8, xã Hòa An, chia sẻ: “Mấy năm trước, cũng có thời điểm mía xuống giá thấp nhưng lại có thương lái tới hỏi đặt cọc mua mía trước khi thu hoạch khoảng 10 ngày, giờ này cũng là thời điểm như vậy nhưng chẳng thấy thương lái nào. Có lẽ trước thông tin các nhà máy đường đang gặp khó trong tiêu thụ đường nên thương lái cũng e ngại đi mua mía sớm mà chờ tình hình như thế nào để tránh bị thua lỗ. Riêng nông dân trồng mía thì nhận thấy, với giá bao tiêu mà các nhà máy đường đưa ra trong vụ này là 800 đồng/kg, mía 10 chữ đường (CCS) cân tại cầu cảng nhà máy đường, nhưng thực tế bà con bán tại rẫy mía chừng 700 đồng/kg là cao, hộ nào đầu tư nhiều thì chuyện thua lỗ khó tránh khỏi. Bởi năm nay, tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nhân công lao động đều ở mức cao”.

Niên vụ mía 2018-2019, nông dân trên địa bàn huyện Phụng Hiệp xuống giống được 7.505ha. Nếu như mọi năm, lúc này diện tích mía đã được các nhà máy đường trong tỉnh ký kết hợp đồng bao tiêu. Nhưng năm nay, đến thời điểm này chỉ có gần 54% diện tích mía có hợp đồng bao tiêu. Chính điều này đang đặt ra nhiều lo lắng cho ngành chức năng huyện và người dân. Ông Nguyễn Thế Tự, Phó phòng NN&PTNT huyện Phụng Hiệp, thông tin: Hiện chỉ có Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) là thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân và diện tích đã ký đến thời điểm này cũng chỉ được gần 4.000ha trong tổng số 6.150ha được giao. Riêng Công ty TNHH Mía đường cồn Long Mỹ Phát (Losuco) được giao 1.350ha tại một số xã, như: Hòa An, Hòa Mỹ, Phương Bình thì hiện công ty này chưa có bất cứ động thái nào đến vùng nguyên liệu của mình, trong khi một số diện tích mía chín sớm (ROC 16) nơi đây có thể thu hoạch trong lúc này.

Cũng theo ông Tự, khi UBND tỉnh có cuộc họp với các nhà máy đường trong tỉnh để bàn về các giải pháp trong tiêu thụ mía trước khi vào vụ thu hoạch cách nay gần 1 tháng thì lãnh đạo phía Losuco có đưa ra kế hoạch là ngày 15-9 sẽ bắt đầu vào vụ ép để thu mua mía cho người dân tại các vùng trũng, ngoài đê bao chống lũ. Nhưng thực tế, công ty hiện vẫn chưa đi vào hoạt động, trong khi ngành chức năng dự báo năm nay sẽ có lũ lớn và về sớm. Thực tế mực nước trên địa bàn huyện Phụng Hiệp lúc này đang cao hơn thời điểm bình thường từ 15-20cm và đang có dấu hiệu tiếp tục lên nên vấn đề tiêu thụ mía tại các địa phương nằm trong vùng nguyên liệu của Losuco càng đặt ra tính cấp bách hơn.

Nói về nguyên nhân chưa ký hợp đồng bao tiêu với người trồng mía, ông Nguyễn Văn Chính, Phó tổng Giám đốc Losuco, cho rằng: Việc công ty chậm ký bao tiêu mía cho nông dân là do lo sợ việc công ty không vào vụ được khi gặp khó khăn về tài chính và thị trường tiêu thụ đường tiếp tục gặp bế tắc. Khi đó, công ty không thực hiện thu mua mía theo hợp đồng bao tiêu thì càng có lỗi với nông dân.

Còn về phía Casuco, ông Nguyễn Hoàng Ngoan, Phó tổng Giám đốc Casuco, cho hay: Hiện cán bộ khuyến công của công ty vẫn đang thực hiện ký kết hợp đồng bao tiêu mía với nông dân nằm trong vùng nguyên liệu của Casuco và cố gắng ký hết diện tích được giao. Về thời gian vào vụ ép, tùy tình hình thực tế, nhưng Casuco dự kiến bắt đầu vụ ép vào đầu tháng 10 tới. 

Hiện nay, không chỉ có huyện Phụng Hiệp mà vùng mía tại thị xã Ngã Bảy và thành phố Vị Thanh cũng có hoàn cảnh tương tự khi vẫn còn nhiều diện tích mía của nông dân chưa được nhà máy đường bao tiêu. Trước tình hình này, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh kêu gọi các nhà máy đường trong tỉnh cố gắng thực hiện việc bao tiêu hết diện tích mía trong dân; đồng thời xem xét thời gian vào vụ hợp lý vì năm nay dự báo tình hình lũ diễn biến phức tạp. Khi vào vụ, cần phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương để khoanh vùng thu hoạch mía theo kế hoạch ban đầu của ngành nông nghiệp tỉnh và chính quyền địa phương, trong đó sẽ ưu tiên thu hoạch những giống mía chín sớm và ngoài đê bao ngăn lũ trước.

“Ngoài những công việc trên, hiện ngành nông nghiệp tỉnh cũng đã làm việc với Hiệp hội Mía đường Việt Nam để có những giải pháp kêu gọi các nhà máy đường trong vùng đồng bằng sông Cửu Long đến hỗ trợ thu mua mía cho nông dân Hậu Giang nhằm giúp bà con sớm tiêu thụ hết mía, hạn chế thiệt hại khi có tình huống lũ lớn xảy ra”, ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT, chia sẻ thêm.  

Vào thời điểm này, bình quân mỗi tuần nông dân trên địa bàn tỉnh thu hoạch từ 50-55ha mía để bán mía chục và tổng diện tích mía đã đốn đến nay khoảng 800ha trong tổng số gần 10.600ha xuống giống. Theo nông dân, hiện mía chục đã giảm xuống còn 700 đồng/kg, trong khi giá mía chục đầu vụ (cách nay gần 2 tháng) ở mức từ 1.100-1.200 đồng/kg. Ngoài giá giảm thì tình hình tiêu thụ cũng gặp nhiều khó khăn do nhu cầu ít.

     

 Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>