Nông dân đặc biệt

07/02/2019 | 07:16 GMT+7

Những ngày cuối năm có dịp gặp lại những nông dân điển hình được Trung ương Hội Nông dân công nhận danh hiệu xuất sắc mới thấy hết sự nỗ lực, nhất là những thành tích đặc biệt để làm giàu cho gia đình, quê hương và xã hội.

Ông Thiều Văn Hải (bên phải) bàn bạc với thành viên HTX về hình thức hợp đồng bao tiêu sản phẩm với doanh nghiệp.

Hình thành mô hình liên kết

Ông Thiều Văn Hải, ở ấp Trường Thắng, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, được nhiều người biết đến không chỉ là Giám đốc HTX Nông nghiệp Hải Thành, hay vừa được công nhận danh hiệu nông dân xuất sắc 2018, mà ông còn có những cách làm sáng tạo để nâng cao thu nhập cho gia đình và thành viên HTX.

Hơn 20 năm trước, ông Hải lập gia đình và ra riêng chỉ với 1,5 công đất ruộng, nhưng giờ tổng diện tích đất sản xuất đã lên tới 6,6ha. Ông Hải cho biết, lúc đó hoàn cảnh gia đình khó khăn lắm, nhưng nhờ chịu khó làm ăn tích góp vốn mua đất, xây nhà. Do ít đất nên lúc đầu chỉ trồng rau màu để có nguồn thu nhập, kết hợp với việc thuê thêm đất trồng, lâu ngày tích tiểu thành đại, tính ra tổng thu nhập của gia đình năm qua gần 2 tỉ đồng.

Đàn cua đinh bố mẹ và hậu bị của bà Tư Nguyệt đã lên đến khoảng 1.400 con.

Bước ngoặt để giúp ổn định sản xuất của gia đình đó là ông tìm đến các doanh nghiệp chuyên thu mua lúa gạo để hợp đồng bao tiêu và tính đến nay mô hình này đã hình thành được khoảng 10 năm. Trước đây, ông thấy gần đến ngày thu hoạch lúa nông dân mình thường phải chạy đôn chạy đáo tìm người mua lúa nhiều khi bị thương lái ép giá, từ đó mà nghĩ cách hợp tác với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm thì mới phát triển bền vững được. Ban đầu doanh nghiệp cũng ít chịu tham gia vì lo ngại, nhưng được ông Hải thuyết phục rồi cũng có từ 2-3 doanh nghiệp đến đầu tư ở mỗi vụ lúa.

Ban đầu, ở HTX Nông nhiệp Hải Thành cũng có ít người tham gia vì còn lo lắng với cách làm này, nhưng bây giờ diện tích tham gia mô hình liên kết lên đến 40ha, hàng năm cung ứng lúa giống và lúa hàng hóa cho doanh nghiệp hơn 800 tấn. Nhìn những ruộng lúa oằn bông vào những ngày giáp tết, ông Hải cho hay: “Cả cánh đồng lúa của HTX vụ Đông xuân này đã được các doanh nghiệp đầu tư đầu vào từ giống xác nhận, phân bón cho đến bao tiêu đầu ra sản phẩm nên nông dân rất an tâm để đón tết, vì không còn lo về giá cả. Với mức giá sàn bảo hiểm bao tiêu là 5.400 đồng/kg cho giống lúa Jasmine 85, khi giá lúa trên thị trường tăng thì sẽ được điều chỉnh phù hợp, tính ra người trồng lúa vụ này cầm chắc lợi nhuận hơn 35 triệu đồng/ha”.

Ông Thiều Văn Hải (thứ 2 bên trái) tại buổi tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018.

Bên cạnh làm lúa, ông còn trồng bưởi da xanh, dưới mương vườn thì thả cá để tăng thu nhập. Hiện tại, vườn bưởi đã hơn một năm tuổi đang phát triển tốt sẽ để trái vào năm sau. Với dự tính của gia đình, khi bưởi cho trái cũng kiếm thu nhập từ 100 triệu đồng/năm. Riêng cá, màu và trồng xen thêm chuối cao tính ra cũng kiếm được vài chục triệu đồng để lấy ngắn nuôi dài. Không chỉ làm giàu cho bản thân mà Giám đốc HTX Hải Thành còn chia sẻ kinh nghiệm với các thành viên thông qua các cuộc họp lệ, nhờ vậy mà vườn cây ăn trái của HTX phát triển đến nay được hơn 5ha. Ông Hải cũng dự tính sau Tết Nguyên đán này sẽ tìm đến các công ty, các vựa thu mua trái cây để tìm cách hợp tác, kêu gọi bao tiêu sản phẩm trái cây cho thành viên HTX.

Bên cạnh sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, ông Thiều Văn Hải (trái) còn trồng bưởi da xanh để tăng thu nhập cho gia đình.

Hiện nay, với 20 thành viên hiện có, ông Hải đang bàn bạc với các thành viên là sẽ thu hút thêm những hộ có ý định muốn vào HTX. Để các hộ này được chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật canh tác, được bao tiêu sản phẩm… tiếp tục vươn lên làm giàu. Lúc đó, sẽ có nhiều người thu nhập tiền tỉ mỗi năm từ mô hình sản xuất hiệu quả.

Đưa cua đinh xuất tỉnh

Chia tay ông Hải trong cái nắng nhè nhẹ của mùa đông, chúng tôi tìm gặp bà Tư Nguyệt (Trịnh Thị Nguyệt), ở ấp Phú Khởi, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, vốn nổi tiếng với mô hình nuôi ba ba, cua đinh và cũng là nông dân được công nhận danh hiệu xuất sắc những năm trước.

Giấy chứng nhận và Bằng khen của Trung ương Hội Nông dân công nhận nông dân xuất sắc 2018 mà ông Thiều Văn Hải vừa nhận.

Ở cái tuổi 65, nhưng bà Tư Nguyệt vẫn lo toan việc sản xuất con giống, thu mua sản phẩm cung ứng lại cho các đầu mối tiêu thụ. Trang trại cua đinh của bà được xem là có quy mô lớn nhất tỉnh và cũng là người khởi nghiệp cho phong trào nuôi và nhân giống cua đinh của tỉnh.

Đúng 20 năm trước, bà Tư Nguyệt cũng tập tành nuôi ba ba, khi đó chỉ có 100 con nhưng lại hùn hạp với người anh, đến khi thu hoạch bị thất thoát chỉ còn lại 70 con. Sau đó, bà tuyển bán chỉ chừa lại 15 con bố mẹ cho đẻ và gây đàn. Qua thời gian thấy nuôi hiệu quả nên tăng số lượng và hiện tại số ba ba thịt và bố mẹ đã lên đến hơn 30.000 con.

Không chỉ phát triển mô hình ba ba, năm 2004, bà đã “làm quen” với con cua đinh khi bỏ ra mấy chục triệu đồng để mua con giống. Nhưng ngặt nỗi là vì chưa có kỹ thuật nên tỷ lệ trứng đạt rất thấp. Thấy vậy, bà tìm đến các điểm nuôi ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm nhưng đây là “bí quyết làm ăn” nên hầu như không người nào chịu hé môi. Đến khi một người quen ở thành phố Cần Thơ tiết lộ cách ấp trứng thì khi về thực hiện cũng đạt vài chục phần trăm. Qua nhiều năm nuôi và đúc kết kinh nghiệm, hiện tại tỷ lệ ấp trứng nở đạt hơn 90%. Hiện tại, cua đinh bố mẹ và hậu bị của gia đình khoảng 1.400 con, còn cua đinh giống xuất bán hàng năm cũng khoảng 2.000 con. Với giá bán 500.000 đồng/con, tính ra nguồn thu về cũng 1 tỉ đồng/năm. Khi hỏi về ba ba giống thì bà Tư Nguyệt cho biết thu nhập phải gấp đôi, còn chưa kể đến việc bán ba ba thương phẩm và cua đinh thịt.

Những ngày cận tết do rơi vào mùa đông nên đầu ra cua đinh và ba ba thương phẩm có phần chậm lại, nhưng với mấy ngàn con ba ba thịt sau tết này tuyển để bán ra cũng kiếm được vài trăm triệu đồng. Bà Tư Nguyệt cho hay: “Thị trường bây giờ rộng lắm, có rất nhiều nơi đến đặt hàng không chỉ có ở ĐBSCL mà tận các tỉnh miền Đông, miền Trung, Hà Nội. Khi bán con giống, người nuôi muốn bán lại ba ba hay cua đinh thương phẩm đều được bà mua lại với điều kiện là phải có đăng ký nuôi với ngành chức năng và sẽ mua theo giá thị trường”.

Ba ba và cua đinh giống được bà Tư Nguyệt kiểm tra kỹ trước khi xuất bán.

Bà Tư Nguyệt đang truyền nghề dần lại cho người con trai và con dâu kế nghiệp. Với diện tích 4.000m2, có 150 bể nuôi, hàng ngày cơ sở của bà cung ứng ra thị trường từ 1.000-2.000 con ba ba giống. Nguyện vọng của bà nếu còn sức khỏe là sẽ còn đồng hành với người nuôi. Bà rất muốn được đến các bể để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cua đinh và cho cua đẻ vì con giống bây giờ rất hiếm, thậm chí là đến tận nơi để mua lại cua đinh và ba ba thương phẩm mà mình đã bán con giống trước đó để người nuôi tin tưởng và gắn bó với nghề.

Hoàng hôn buông xuống, chúng tôi đành chia tay gia đình, nhưng vẫn nhận ra một niềm tin mãnh liệt với định hướng phát triển của bà Tư Nguyệt trên những nụ cười rạng rỡ, khi bà vội báo tin vui là có khách hàng ở Campuchia liên hệ để đặt hàng với hàng ngàn con cua đinh giống…

Phát biểu tại buỗi lễ tôn vinh nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2018, ông Thào Xuân Sùng, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, đây là năm thứ 6 liên tiếp Chương trình tôn vinh nông dân Việt Nam được thực hiện và thu hút sự quan tâm của hàng triệu hội viên, nông dân tham gia và hưởng ứng. Vinh danh nông dân Việt Nam xuất sắc là vinh danh công sức, tài năng, sáng tạo của người nông dân đã dấn thân vì sự nghiệp phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, tạo nên sức lan tỏa mạnh mẽ về “Mẫu hình người nông dân mới” trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước…

 

HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>