Nông dân khẩn trương cứu lúa

27/12/2017 | 08:16 GMT+7

Do ảnh hưởng của bão số 16 (Tembin) gây mưa kéo dài 2 ngày qua khiến cho nhiều diện tích lúa Đông xuân 2017-2018 mới xuống giống của nông dân bị ngập cục bộ. Lúc này, nông dân khẩn trương bơm thoát nước để cứu lúa nhằm giảm thiệt hại.

Nông dân mới xuống giống lúa Đông xuân đang tích cực bơm nước cứu lúa.

Mặc dù tâm bão không đổ bộ vào đất liền, nhưng do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, đến trưa ngày 26-12, trên địa bàn thành phố Vị Thanh và một số địa phương lân cận của tỉnh mưa vẫn còn khá nặng hạt. Tuy trời mưa và nhiệt độ xuống thấp nhưng từ sáng sớm, nhiều nông dân đã có mặt ngoài đồng để bơm nước cứu lúa, nhất là những diện tích mới xuống giống dưới 7 ngày tuổi.

Đang lui cui lượm ốc bươu vàng cho 8 công lúa vừa gieo sạ được 2 đêm nhưng bị mưa ngập từ chiều ngày 25-12, ông Danh Xà Thi, ở khu vực 4, phường VII đang canh tác lúa ở khu vực 3, phường III, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Xuống giống xong buổi sáng thì tối nghe đài truyền hình báo có bão số 16 đang vào nên rất lo. Hiện nay, toàn bộ 8 công lúa đều bị ngập sâu, phải cố gắng bơm nước ra để cứu lúa. Hy vọng sớm hết mưa để lúa không bị thiệt hại nhiều”.

Cũng theo ông Thi, khi biết bão đã đi lệch hướng và chỉ ảnh hưởng mưa dầm nên đến tối, ông và nhiều bà con nơi đây đã thức trắng đêm để túc trực bơm nước vì toàn bộ khu vực này (khoảng 15ha) đều xuống giống đồng loạt mới 2 đêm. Nếu để nước càng ngập lâu thì sợ cây lúa dễ chết, đồng thời còn bị ốc bươu vàng tấn công. “Nếu lúa giống chết nhiều thì sạ lại tốn nhiều chi phí, bởi tôi và bà con toàn sạ giống xác nhận với giá 12.000 đồng/kg (trả tiền liền), còn mua thiếu chịu đến 13.500 đồng/kg. Chính vì vậy, thà chịu cực thức đêm để bơm nước và tốn ít dầu nhưng đổi lại khỏe hơn nhiều khâu”, ông Thi cho biết thêm.

Tuy đỡ hơn ông Thi một chút do lúa gieo sạ được 5 đêm và đã lên xanh đồng, nhưng ông Nguyễn Văn Khoa, ở khu vực 1, phường IV, thành phố Vị Thanh vẫn đứng ngồi không yên vì lo cho gần 6 công ruộng của mình. Ông Khoa chia sẻ: “Dù máy bơm luôn túc trực trên ruộng nhưng do mưa liên tục cộng với nước dưới kênh dâng cao nên có thời điểm nước ngập đọt lúa. Nếu trời ngưng mưa thì tình hình không đáng ngại. Tuy nhiên, để phòng ngừa ốc bươu vàng tấn công, tôi đang tăng cường rải thêm thuốc diệt ốc cho chắc ăn”.

Tương tự như ở một số cánh đồng lúa của thành phố Vị Thanh, nhiều diện tích lúa mới xuống giống trên địa bàn huyện Long Mỹ cũng bị ngập. Điển hình tại cánh đồng lúa ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, tuy nơi đây có đặt 2 máy bơm tập trung ở đầu kênh Út Mót và đã chạy hết công suất nhưng đến gần 12 giờ trưa ngày 26-12, nước vẫn còn ngập ở nhiều diện tích lúa mới xuống giống từ 5-6 đêm. Đang bơm rút nước từ ruộng ra kênh cho 9 công lúa của gia đình, anh Phạm Thanh Thương, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, thông tin: “Do đất có bề ngang nhỏ và chiều dài xa nên việc rút nước xuống kênh rất chậm. Thấy nước trên ruộng còn nhiều, sợ lúa chết và bị ốc bươu vàng tấn công nên tôi đã đặt máy xăng để bơm cho nhanh. Còn khai theo đường dẫn nước xuống kênh để chờ máy bơm tập trung rút nước ra ngoài thì không an tâm do nước trên đồng còn nhiều quá”.

Qua thống kê của ngành nông nghiệp huyện Long Mỹ, hiện toàn huyện đã xuống giống được hơn 6.400ha lúa Đông xuân 2017-2018, trong đó lúa trong giai đoạn dưới 5 ngày tuổi có khoảng 2ha, từ 6-7 ngày tuổi khoảng 3.000ha, còn lại là lúa trên 10 ngày tuổi. Do ảnh hưởng của bão nên trên địa bàn huyện Long Mỹ trong 2 ngày qua tuy có mưa nhưng chỉ cục bộ ở một số khu vực, vì vậy cũng gây ngập một số diện tích lúa mới xuống giống dưới 7 ngày tuổi. Thế nhưng, do bà con chủ động bơm tát ngay từ đầu nên đến thời điểm này, tình hình chưa có gì đáng ngại. Giống như cây lúa, về hoa màu và cây ăn trái cũng chưa ghi nhận thiệt hại gì, nhất là hoa màu phục vụ tết sắp tới.

Ngoài huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh, theo ngành nông nghiệp các địa phương như thị xã Long Mỹ, huyện Phụng Hiệp, huyện Vị Thủy và huyện Châu Thành A thì hiện bà con mới gieo sạ vụ lúa Đông xuân ở một số khu vực cũng đang tất bật bơm rút nước để cứu lúa do chịu ảnh hưởng của mưa dầm vì bão. Bên cạnh đó, cán bộ của ngành nông nghiệp ở các địa phương cũng đang tiến hành xuống dân để nắm bắt tình hình sau bão, sau đó báo về cơ quan chức năng, nhưng cơ bản là tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn ổn định. Điều nông dân cảm thấy an tâm trong lúc này là trời bắt đầu có nắng trở lại nên lúa tuy có bị ảnh hưởng do mưa nhưng mức độ thiệt hại không nhiều.

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, tâm bão số 16 đã đi lệch hướng theo dự báo ban đầu và đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới. Cơn bão số 16 được xem là cơn bão cuối cùng trong năm 2017 đã kết thúc, qua đây giúp cho ngành chức năng và người dân ở một số tỉnh Nam bộ cảm thấy nhẹ nhõm sau bao ngày lo toan chống bão.

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống hơn 36.000ha lúa Đông xuân, phân bổ ở hầu hết các địa phương. Trong số diện tích xuống giống, hiện có đến khoảng 30.600ha trong giai đoạn mạ, còn lại là giai đoạn đẻ nhánh. Với tình hình bão đã hết, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần tăng cường bơm rút nước trên đồng ra ngoài và diệt ốc bươu vàng nhằm tránh thiệt hại, nhất là đối với diện tích lúa trong giai đoạn mạ. 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>