Nông dân năng động

03/10/2019 | 08:13 GMT+7

Xã Tân Phú là một trong những địa phương còn khó khăn của thị xã Long Mỹ. Tuy nhiên, những nông dân nơi đây chí thú làm ăn, tận tụy và năng động xây dựng mô hình làm ăn hiệu quả, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng.

Mô hình nuôi lươn của gia đình ông Trần Văn Chiến.

Vươn lên từ đất quê nhà

Nhìn đàn vịt hơn 2.000 con ngoài vườn, anh Lê Văn Vũ, ở ấp Long Trị 1, kể: “Tui năm nay 37 tuổi, nhưng có thâm niên trên 20 năm nuôi vịt. Chục năm trước chỉ nuôi vịt chạy đồng, đi khắp nơi. Bây giờ, trụ lại quê hương để làm ăn, cũng gắn bó với con vịt”.

Anh Vũ khi còn trai trẻ, cho đến lúc lập gia đình, sinh con, cả nhà gắn bó với chiếc ghe, rong ruổi khắp các tỉnh miền Tây từ Cần Thơ, xuống Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, để nuôi vịt chạy đồng. Đời sống cả gia đình khi đó ở ghe, ở đồng hầu như cả năm, chỉ có mấy ngày Tết Nguyên đán mới về tụ họp gia đình. Dù có cực nhưng từ nhỏ anh đã thích nuôi vịt, gắn bó lâu có kinh nghiệm, anh tin rằng mình có thể thành công với nghề nuôi vịt, nên cuộc sống của gia đình anh từ những ngày còn khó khăn, cơ cực đến nay dư dả cái ăn, cái mặc đều nhờ gắn bó với con vịt.

Hơn chục năm nay, cả nhà về lại nơi “chôn nhau cắt rốn” tại ấp Long Trị 1 để sinh sống và nuôi vịt rọ (nuôi tại chỗ cho ăn thức ăn). Cả đàn vịt của gia đình anh hiện có 2.000 con, trong đó có 1.000 con mái đẻ, 600 vịt hậu bị và 400 con vịt thịt. Để đảm bảo nguồn thức ăn cho vịt, anh Vũ cùng vợ mở cửa hàng thức ăn gia súc, gia cầm tại nhà, vừa sử dụng, vừa để bán cho người dân trong xã.

Khoảng 4-5 năm nay, gia đình anh Vũ đầu tư thêm mấy lò ấp trứng vịt. Con giống ra lò anh đều giữ lại nuôi. Chưa dừng lại ở đó, anh Vũ đang xây dựng mô hình nuôi vịt sàn. Đầu tư 400m2 xây dựng sàn nuôi với giá trị trên 300 triệu đồng, trên nuôi vịt, dưới nuôi cá.

Nuôi vịt sàn là một trong những mô hình mới nhất được thực hiện ở xã Tân Phú. “Tôi cũng muốn làm nhiều, vì mình đi tham quan ở huyện Thới Lai (thành phố Cần Thơ) thấy hiệu quả lắm, lại được các chuyên gia, kỹ sư tư vấn tận tình, mình nuôi vịt lâu năm, nên cũng tự tin là có thể thành công với mô hình mới”, anh Vũ bày tỏ.

Sự năng động, dám nghĩ, dám làm và làm ăn chắc chắn của gia đình anh Vũ nhận được nhiều sự quan tâm từ các người dân khác.

Triển vọng với mô hình hiệu quả

Không gắn bó với nghề nuôi vịt gần nửa đời người như anh Vũ, ông Trần Văn Chiến, ở ấp Tân Trị 2, gần nửa năm nay chính thức trải nghiệm với mô hình mới là nuôi lươn thịt và lươn sinh sản. Ông Chiến xây dựng được 3 hầm nuôi, với 3.000 con lươn, trong đó có 1 hầm nuôi lươn sinh sản. “Đó giờ mần ruộng, không có chăn nuôi gì, chỉ heo cúi, gà vịt ít đỉnh. Sau khi được Hội Nông dân tỉnh hỗ trợ vốn cho 8 hộ dân thành lập được Tổ hợp tác nuôi lươn, nhiều người nơi đây mới bắt đầu biết đến chuyện nuôi lươn và thấy đất đai, nguồn nước nơi này rất hợp để nuôi. Tuy mới gắn bó với nghề này từ tháng 5 tới giờ, nhưng thấy hứng thú với lươn lắm, dù chăm lươn đẻ như chăm con mọn vậy, cực ghê”, ông Chiến chia sẻ.

Sau khi được tập huấn kỹ thuật nuôi lươn thịt và sinh sản, ông Chiến đã cho ra lò mẻ lươn con đầu tiên cách nay khoảng 1 tháng. Cả gia đình ông ai cũng vui với thành quả bước đầu này.

Anh Trương Võ Tôn, cán bộ kỹ thuật (Trung tâm Khuyến nông tỉnh), chia sẻ, nuôi lươn đang là mô hình triển vọng ở xã Tân Phú, những người dân nơi đây rất thích mô hình này, do mô hình nuôi lươn để duy trì không tốn quá nhiều diện tích đất, trong khi kỹ thuật được hỗ trợ từ Tổ kỹ thuật, khuyến nông của xã. Mới đây, Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ phối hợp Phòng Đào tạo - Huấn luyện, Trung tâm Khuyến nông tỉnh và UBND xã Tân Phú, tổ chức lớp tập huấn với chủ đề “Kỹ thuật nuôi lươn theo hướng an toàn thực phẩm” cho 20 nông dân.

Gia đình ông Lê Văn Hớn, ở ấp Tân Hòa, một thành viên Câu lạc bộ nuôi lươn không bùn, hiện đang nuôi 2.000 con lươn giống. Thay vì nuôi trong bùn, ông tận dụng bể xi măng sẵn có, bên trong lót bạt và lắp thêm hệ thống bơm, thoát nước. Ông Hớn bày tỏ: “Ban đầu cũng không hiểu nhiều về kỹ thuật nuôi lươn không bùn, nhưng nhờ Trạm Khuyến nông thị xã Long Mỹ cử cán bộ kỹ thuật xuống tập huấn nhanh về chọn giống, thiết kế bể nuôi và một số bệnh thông thường trên lươn, nên mới dám mạnh dạn thả nuôi”…

Những sự trợ giúp kịp thời từ ngành chức năng và địa phương, đã tạo cơ hội, giúp những người nông dân tự tin thể hiện sự năng động.

Ông Lê Văn Mãnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tân Phú, nhấn mạnh: “Đất Tân Phú còn phần lớn diện tích là đất lúa, diện tích thủy sản, số lượng gia súc, gia cầm người dân cũng đang đẩy mạnh thông qua thực hiện các mô hình hiệu quả. Sự năng động của những người dân như Anh Vũ, anh Chiến… và nhiều những nông dân khác trên địa bàn, đã đóng góp cho sự phát triển chung của xã”.

Bài, ảnh: HOÀNG NGUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>