Nông dân thời nay

19/10/2017 | 08:08 GMT+7

Nông dân thời nay năng động, là chủ thể tích cực tham gia trong quá trình phát triển nông thôn, xây dựng nông thôn mới. Sự tiến bộ ấy đã bám sát phương hướng, mục tiêu Nghị quyết nhiệm kỳ 2013-2018 của Hội Nông dân tỉnh đề ra. Và họ không chỉ nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng mà còn đồng hành cùng quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Bà Hằng đang thành công với mô hình trồng tiêu leo trên thân cây tràm.

Đó được xem là hình mẫu đại diện cho những nông dân thời đại mới, luôn tâm huyết với mảnh vườn, thửa ruộng của mình để gầy dựng cuộc sống gia đình ngày càng ổn định hơn.

Năng động trong sản xuất

Hơn 2 năm trước, sau khi trực tiếp tham quan, học hỏi kỹ thuật trồng tiêu leo trên thân cây tràm từ nhà vườn ở xứ Ba Hồ (thuộc tỉnh Kiên Giang), bà Võ Thị Hằng, Tổ trưởng Tổ hợp tác trồng tiêu ở ấp 2, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, quyết định chuyển đổi hết toàn bộ diện tích 2,6ha đất ruộng của gia đình sang canh tác loại cây gia vị này. “Thực ra trước khi chuyển đổi, vợ chồng tôi nghiên cứu rất kỹ về đầu ra sản phẩm, nhất là xem dây tiêu có phù hợp với vùng đất nơi đây hay không rồi mới dám mua giống về trồng”, bà Hằng chia sẻ.

Từ đầu năm đến nay, hộ bà Hằng xuất bán được khoảng 2 tấn tiêu khô các loại, mang về cho gia đình hàng trăm triệu đồng. Theo bà Hằng, với mức giá 150.000 đồng/kg, người bán đạt lợi nhuận cao gấp nhiều lần so với việc làm ruộng trên cùng diện tích. “Mỗi bao tiêu khô nói chung có trọng lượng 50kg bán bằng hàng chục bao lúa. Đáng nói là nhu cầu tiêu thụ của thị trường hiện còn khá lớn nên không sợ ế. Trường hợp tiêu rớt giá, bà con vẫn có thể phơi sấy cẩn thận rồi vựa lại chờ lúc tăng cao thì bán”, bà Hằng khẳng định.

Tổ hợp tác trồng tiêu ở ấp 2, xã Vị Bình hiện có 7ha, với 10 thành viên tham gia. Hầu hết tiêu mới cho thu hoạch vụ đầu tiên nên sản lượng chưa nhiều. Do đó, tổ sẵn sàng tiếp nhận thêm thành viên mới để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhiều hơn trong chăm sóc vườn tiêu cũng như tạo ra nguồn nguyên liệu đủ lớn đảm bảo cung ứng cho thị trường.

Tuy nhiên, để tổ hợp tác phát triển ổn định dài lâu thì trước hết mỗi thành viên phải chủ động áp dụng kỹ thuật canh tác bài bản. “Tới đây, tôi sẽ trang bị thêm máy sấy tiêu tươi nhằm phục vụ khâu sơ chế sản phẩm bước đầu cho gia đình và các thành viên khi có nhu cầu”, bà Hằng thông tin.

Chi hội trưởng gương mẫu

Với 20 năm đảm đương vai trò Chi hội trưởng Chi hội nông dân, ông Nguyễn Văn Sách, ở ấp Mỹ Hiệp 3, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, được xem là cán bộ hội cơ sở tâm huyết, gương mẫu trong phong trào làm kinh tế giỏi ở địa phương. Bởi ngần ấy thời gian trôi qua hầu như ông không lúc nào ngơi nghỉ trong việc toan tính chuyện làm giàu trên chính mảnh vườn, thửa ruộng của mình. Giờ đây, không chỉ có uy tín mà danh tiếng ông tiếp tục vang xa với mô hình trồng cam sành trên nền đất lúa, mía đang cho năng suất và sản lượng vượt trội tại địa phương.

Ngoài 5 công cam sành đã thu hoạch hơn năm qua, ông Sách còn sở hữu vườn cam rộng gần 3ha đang cho trái chiếng. Sở dĩ ông chọn cây cam sành là vì nó thích nghi với đất đai, thổ nhưỡng nơi đây. Quan trọng là giá cả, thị trường ổn định hơn các loại trái cây khác. “Đừng thấy người khác trồng rồi mình ồ ạt làm theo sẽ rất dễ đi đến hệ lụy trồng xong lại chặt. Bởi dịch bệnh, đầu ra sản phẩm biến động khó lường, kể cả các loại cây có múi như cam sành. Cho nên trong quá trình canh tác, tôi rất chú trọng yếu tố phòng bệnh hơn chữa bệnh. Nghĩa là khi kiểm tra phát hiện bệnh là xử lý ngay”, ông Sách cho biết.

Cũng theo ông Sách, trước khi chuyển đổi sang trồng cam sành, không ít lần ông đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn ở huyện Châu Thành. Hơn hết là để nắm vững kỹ thuật trồng và xử lý cho cây ra hoa, đậu trái sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Ông Sách bật mí: “Thay vì xử lý nghịch vụ tôi kích thích cây ra trái luân phiên hàng tháng. Như vậy đến tháng 9 vừa rồi, vườn cam được tôi trồng thử nghiệm bước đầu đã cắt bán 13 đợt với tổng năng suất ước tính khoảng 20 tấn. Giá bán bình quân 15.000 đồng/kg nên sau khi trừ các khoản chi phí nhân công chăm sóc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gia đình tôi đạt lợi nhuận 150 triệu đồng”.

Thông qua 2 mô hình trồng tiêu leo trên thân cây tràm của bà Hằng, trồng cam sành trên nền đất ruộng mà hộ ông Sách thực hiện đã phần nào cho thấy tính năng động, linh hoạt trong quá trình canh tác của nông dân thời nay. Qua đó như tạo thêm động lực để những hội viên hội nông dân tỉnh nhà đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, góp phần xây dựng quê hương giàu đẹp.

Bài, ảnh: GIA NGUYỄN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>