Nông dân trồng lúa khổ vì giống “dỏm”

20/06/2018 | 08:48 GMT+7

Nhiều vụ bán lúa giống “dỏm” liên tiếp bị phát hiện ở một số tỉnh ĐBSCL trong tháng 6-2018. Tình trạng giống “dỏm”, kém chất lượng không chỉ nông dân trồng lúa chịu thiệt hại mà còn ảnh hưởng đến chất lượng của hạt gạo Việt Nam.

Việc sản xuất lúa giống “dỏm” tràn lan như hiện nay đang ảnh hưởng đến những nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Ảnh: LÝ ANH LAM

Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều cơ sở sản xuất lúa giống “dỏm” ở tỉnh Đồng Tháp và Tiền Giang. Đáng chú ý, trong đó có cả HTX nông nghiệp ở Tiền Giang mua lúa hàng hóa của thương lái về rồi vô bao “đóng dấu” lúa giống. Một số điểm bán lúa giống ở Đồng Tháp thậm chí còn mơ hồ về quyền sở hữu độc quyền một số giống lúa, ngang nhiên lấy một số giống lúa được bảo hộ về sản xuất bán lại người dân. Dưới góc nhìn của các nhà khoa học và các chuyên gia trong ngành lúa gạo: Việc sản xuất lúa giống “dỏm” tràn lan như hiện nay đang ảnh hưởng đến những nỗ lực thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân. Thay vì nhận được kết quả tương xứng, họ lại nhận được nhiều rủi ro tiềm ẩn từ các giống lúa kém chất lượng này. Việc làm này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến quá trình xây dựng thương hiệu gạo của Việt Nam.

Có thể nói những nỗ lực cải thiện giống lúa thông qua hệ thống sản xuất giống lúa 3 cấp (siêu nguyên chủng, nguyên chủng, xác nhận) của ĐBSCL trong thời gian qua đã mang đến những kết quả rất đáng khích lệ. Từ chỗ chỉ có khoảng 10-20% nông dân sử dụng giống lúa cấp xác nhận cách đây khoảng 15 năm, đến nay đã nâng lên mức 40-60% giống xác nhận (tùy địa phương). Việc nông dân từ bỏ tập quán lấy lúa thịt làm lúa giống đã cải thiện được năng suất, hạn chế sâu bệnh và quan trọng nhất là hạt gạo Việt Nam đã được cải thiện.

Trước đây, nông dân ĐBSCL có thói quen sạ dày 200kg/ha thậm chí 250kg/ha. Nhưng hiện nay tập quán này đã được thay đổi, một số nơi đã giảm lượng lúa giống xuống chỉ còn khoảng 80-100kg lúa giống/ha. Tuy nhiên, một số nơi nông dân có giảm nhưng vẫn duy trì ở mật độ khá cao với 120-150kg/ha. Theo tính toán của các nhà khoa học, nếu giảm lượng lúa giống gieo sạ còn 80-100kg/ha nông dân ĐBSCL tiết kiệm trên 3 triệu đồng/ha, tương đương khoảng 300.000 tấn lúa giống/năm = khoảng 4.500 tỉ đồng. Một số nhà khoa học cho rằng: Ngoài tính “hay lo” của người nông dân, một nguyên nhân khiến người nông dân sử dụng lượng giống lúa lớn gieo sạ xuất phát từ chính chất lượng lúa giống đang trôi nổi trên thị trường (trong đó có thói quen lấy lúa thịt làm lúa giống, mua giống kém chất lượng) khiến tỷ lệ sạ của người nông dân đạt hiệu quả thấp.

Giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam đã tăng vọt trong 5 năm trở lại đây trên thị trường thế giới. Trong đó, cần ghi nhận những nỗ lực của các nhà khoa học liên kết với doanh nghiệp sản xuất các giống lúa có chất lượng cao cung cấp cho nông dân sản xuất. Đây là xu hướng tất yếu của nền kinh tế thị trường trong bối cảnh nhập. Việc sản xuất lúa giống theo hệ thống phân phối 3 cấp là cơ sở để truy xuất nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng, tạo nền tảng căn cơ trong quá trình xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam.

Hiện nay Bộ NN&PTNT đang khẩn trương triển khai sản xuất lúa gạo theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp; phổ biến áp dụng các tiến bộ kỹ thuật như IPM; 3 giảm, 3 tăng; 1 phải, 5 giảm; áp dụng biện pháp tưới nước tiết kiệm nhằm giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo.

Chính vì vậy, ngoài tuyên truyền vận động nông dân sử dụng giống lúa xác nhận, các cơ quan chức năng như thanh tra ngành nông nghiệp, quản lý thị trường… cần kiên quyết xử lý mạnh tay đối với tình trạng sản xuất lúa giống “dỏm”, các trường hợp vi phạm quyền sở hữu bản quyền lúa giống hiện nay.

VĨNH TƯỜNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>