Nông nghiệp Hậu Giang: Những chuyển biến tích cực

06/10/2020 | 18:45 GMT+7

Sản xuất nông nghiệp ngày càng giảm giá thành, nhẹ công nhờ cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ 4.0, đồng thời cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất dần được hoàn thiện là những bước tiến quan trọng của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua.

Mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao đang được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các địa phương nhân rộng.

Chuyển biến tư duy sản xuất

Hậu Giang là tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa là cây trồng chủ lực với diện tích canh tác khoảng 77.000ha. Với việc sản xuất 3 vụ lúa/năm (gần 200.000 ha/năm), hàng năm nông dân Hậu Giang cung ứng cho thị trường hơn 1 triệu tấn lúa. Điều đáng phấn khởi là theo đánh giá của Bộ NN&PTNT mới đây, hiện Hậu Giang thuộc nhóm các tỉnh có giá thành sản xuất lúa thấp trong khu vực ĐBSCL khi chỉ dưới 3.500 đồng/kg. Có được kết quả này chính là nhờ các ngành chức năng của tỉnh (chủ lực là ngành nông nghiệp) và các địa phương trong tỉnh triển khai nhiều giải pháp hữu hiệu trong sản xuất. Minh chứng là trong thời gian gần đây, với sự tăng cường liên kết, phối hợp của ngành nông nghiệp tỉnh nên nông dân Hậu Giang được tham gia và thụ hưởng từ nhiều chương trình, dự án về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) trên cây lúa như: Dự án WB6, GIZ; Dự án FARES hỗ trợ xây dựng năng lực về chọn tạo giống và bảo tồn sinh thái trên đồng ruộng cho nông dân... Từ đó giúp nông dân nâng cao năng lực và ý thức về canh tác lúa an toàn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng lợi nhuận và đặc biệt là sự hợp tác đầu tư sản xuất tập trung theo các mô hình cánh đồng lớn, cung ứng trong chuỗi giá trị lúa gạo.

Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất lúa đang là bước tiến lớn của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua.

Đặc biệt là việc thành công và nhân rộng mô hình sản xuất lúa bón phân thông minh hay việc triển khai Dự án phát triển nông nghiệp bền vững (VnSAT) được thực hiện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020. Trong đó, từ dự án VnSAT, đã có nhiều lớp tập huấn, đào tạo kỹ thuật và hướng dẫn nông dân ứng dụng sản xuất lúa “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”. Qua đây, từng bước thay đổi hành vi và thói quen sản xuất lệ thuộc vào hóa chất, thay vào đó là hướng nông dân canh tác lúa an toàn vệ sinh thực phẩm bằng việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ để giảm phân bón, số lần phun thuốc bảo vệ thực vật nhưng năng suất vẫn đảm bảo, từ đó đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, hạ giá thành sản xuất và tăng 30% lợi nhuận.

Ông Trần Hoàng Nho, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Danh Tiến, ở ấp 7, xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ, thông tin: “Trong 3 năm qua, HTX được Ban Quản lý VnSAT tỉnh mở nhiều lớp tập huấn về canh tác lúa theo hướng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và sản xuất lúa giống. Sau khi được tập huấn, hiện có hơn 600ha lúa của nông dân trong HTX vận dụng khá tốt các kiến thức được truyền đạt vào thực tế. Nổi bật là bà con giảm lượng lúa giống trong gieo sạ từ 20 kg/công xuống còn 10 kg/công, đồng thời giảm lượng phân đạm và số lần phun thuốc, nhưng năng suất lúa vẫn ổn định ở mức cao. Nhờ áp dụng mô hình trên mà bà con tăng thêm lợi nhuận từ 1-5 triệu đồng/ha (tùy vụ) so với cách làm truyền thống”.

Cùng với thay đổi kỹ thuật canh tác, trong những năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã đẩy mạnh việc dịch chuyển cơ cấu giống lúa khi chuyển dần từ nhóm chất lượng thấp như IR 50404, OM 576… sang các giống lúa chất lượng cao để phù hợp với nhu cầu thị trường và đang được sản xuất phổ biến trên các cánh đồng lúa trong tỉnh như: giống OM 5451, OM 4900, Jasmine 85, RVT, Đài Thơm 8, ST24, ST 25… Ngoài ra, tỷ lệ sử dụng giống lúa cấp xác nhận trong 5 năm trở lại đây trên địa bàn tỉnh luôn đạt trên 65%. “Việc chuyển đổi giống lúa đối với người dân trong tỉnh không còn trở ngại. Mục tiêu hướng đến trong thời gian tới của ngành nông nghiệp tỉnh là nâng cao giá trị sản xuất lúa theo các vùng tập trung và kiểm soát chất lượng đạt yêu cầu, quy chuẩn để liên kết doanh nghiệp xuất khẩu”, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay.

Bên cạnh cây lúa, tư duy sản xuất cây ăn trái của nhà vườn trên địa bàn tỉnh cũng có sự thay đổi tích cực. Theo đó, với hiệu quả kinh tế cao, cộng thêm chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng của ngành chức năng tỉnh trong những năm qua nên chương trình phát triển cây có múi sạch bệnh, cây ăn trái đặc sản của tỉnh đã đạt nhiều kết quả ấn tượng. Cụ thể, diện tích cây ăn trái trên địa bàn tỉnh tăng từ 30.000ha vào năm 2015 lên hơn 41.000ha trong năm 2020, vượt 131,7% chỉ tiêu nghị quyết giai đoạn 2015-2020 của ngành nông nghiệp. Đặc biệt, tư duy sản xuất trái cây theo hướng an toàn thực phẩm (ATTP) của người dân được nâng lên đáng kể khi toàn tỉnh hiện có 164,41ha (bưởi, cam, quýt, sầu riêng, mãng cầu xiêm, khóm) được cấp giấy chứng nhận sản xuất vệ sinh ATTP theo tiêu chuẩn VietGAP, 60ha (bưởi, chanh) được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP;  đang làm hồ sơ chuẩn bị công nhận VietGAP cho 77ha (bưởi, cam) và đang xây dựng 40ha (khóm, mãng cầu) sản xuất theo GlobalGAP. Mặt khác, cũng có nhiều mô hình thủy sản an toàn, chất lượng theo hướng thực hành nông nghiệp tốt như: GAP, SQF 1000...

Đẩy mạnh cơ giới hóa và ứng dụng công nghệ

Đồng hành với sự chuyển biến trong tư duy sản xuất thì việc đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất, nhất là trong canh tác lúa và ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp cũng là bước đột phá lớn của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua. Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Trong 5 năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp cùng với các địa phương trong tỉnh thực hiện nhiều giải pháp và vận động người dân đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, bảo vệ sức khỏe cho người dân. Điển hình trong sản xuất lúa, hiện có 100% trong khâu làm đất và thu hoạch được nông dân sử dụng cơ giới hóa, đồng thời khâu gieo sạ, phun thuốc bằng thiết bị bay không người lái cũng được nhiều bà con áp dụng mang lại hiệu quả cao. Để có được kết quả trên thì khoảng 2 năm nay, ngành nông nghiệp tỉnh đã phối hợp với các đơn vị trong và ngoài nước thực hiện đào tạo cán bộ và liên kết hỗ trợ, hợp tác về thiết bị máy cấy, thiết bị bay không người lái trong phun thuốc để phục vụ cho bà con.

Theo đánh giá của người dân, trong điều kiện sản xuất lúa theo hướng tập trung để đáp ứng sản lượng lớn cho doanh nghiệp như hiện nay thì việc cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất là rất cần thiết. Là địa phương có diện tích đất trồng lúa tương đối lớn của tỉnh (khoảng 17.200ha) và xuất phát từ nhu cầu của người dân nên huyện Vị Thủy hiện là một trong những nơi làm tốt khâu triển khai và vận động người dân đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa, nhất là đang phát triển mạnh ở khâu gieo cấy lúa. Minh chứng là mô hình gieo cấy lúa được huyện Vị Thủy triển khai từ năm 2016 với diện tích ban đầu là 20ha, sau đó nhân rộng qua các năm, trong đó có năm đạt diện tích cao nhất là 125ha. Ông Nguyễn Văn Phó, ở ấp 1A, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, chia sẻ: “Nhiều vụ lúa qua, 8 công ruộng của gia đình tôi và nhiều mảnh ruộng khác của bà con nơi đây đều áp dụng cơ giới hóa ở các khâu trong sản xuất lúa. Từ việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng giúp nông dân nhẹ công, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả sản xuất”.

Để phục vụ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, hiện nông dân trên địa bàn tỉnh đã trang bị nhiều thiết bị, máy móc tương thích với từng loại cây trồng. Cụ thể, toàn tỉnh hiện có khoảng có 957 máy xới đất, 36.705 máy bơm nước, 394 máy cày đất, 42.337 máy phun thuốc bảo vệ thực vật, 493 máy trục đất, 7.004 máy cắt cỏ, 3.188 dụng cụ sạ hàng, 197 máy kéo lúa, 54 máy san phẳng mặt ruộng, 224 lò sấy lúa, 12 máy hút rơm và 70% diện tích rau màu được bơm tưới bằng máy... Không chỉ đẩy mạnh việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất lúa mà nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái và rau màu trên địa bàn tỉnh còn ứng dụng công nghiệp 4.0 vào sản xuất và mang hiệu quả thiết thực. Điển hình là mô hình “Tưới nước vườn cây ăn trái bằng điện thoại di động” của ông Nguyễn Văn Y, ở ấp 3A, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Ông Y cho hay: “Khi lắp đặt hệ thống tưới nước tự động xong, tôi gắn thêm thiết bị điều khiển từ xa và cài đặt chương trình kết nối qua điện thoại thông minh của mình. Giờ có đi đâu mà muốn tưới nước cho vườn bưởi thì tôi chỉ cần mở điện thoại lên và kích hoạt chương trình là xong, không cần phải về tới vườn”.

Bên cạnh mô hình trên, trong vài năm gần đây, để ứng phó với biến đổi khí hậu, nông dân Hậu Giang còn phát triển mô hình trồng dưa lưới và rau màu trong nhà kính kết hợp với công nghệ tưới nước tiết kiệm. Ngoài ra, để cập nhật thông tin về tình hình độ mặn tại các địa phương trong tỉnh được nhanh, liên tục, giảm công sức cho cán bộ thì ngành thủy lợi tỉnh đã lắp 10 trạm đo mặn tự động. Cùng với cơ giới hóa và ứng dụng nghệ 4.0 vào sản xuất thì hệ thống thủy lợi tạo nguồn trên địa bàn tỉnh cũng được đầu tư và phát huy hiệu quả tốt trong phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh đã hình thành 915 vùng thủy lợi khép kín, có diện tích 30-100ha/vùng, khả năng phục vụ 82.000ha, chiếm 60% đất sản xuất nông nghiệp của tỉnh.

Ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy và UBND tỉnh nên lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh trong 5 năm qua có bước phát triển vượt bậc. Theo đó, với phương châm tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa và xây dựng chuỗi giá trị nông sản nên có nhiều chủ trương, giải pháp về cơ cấu nông nghiệp, phát triển kinh tế hợp tác được triển khai kịp thời và thu về hiệu quả thiết thực. Từ những bước tiến của ngành nông nghiệp trong 5 năm qua sẽ tạo động lực lớn để ngành tiếp tục phát triển trong 5 năm tới. Đặc biệt, đề án phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 được đặt nhiều kỳ vọng lớn cho nông dân Hậu Giang trong sản xuất nông nghiệp và mang lại giá trị kinh tế cao khi có nhiều chủ trương, chính sách mới được triển khai.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) khu vực I bình quân giai đoạn 2015-2020 tăng 1,88%/năm; tỷ trọng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản năm 2015 theo thứ tự 87,6% - 0,8% - 11,6% nhưng đến năm 2020 tương ứng là 86,9% - 0,7% - 12,4%.     

 

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>