Nông nghiệp tăng trưởng khá

02/07/2018 | 07:28 GMT+7

Nhờ sự chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm và sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương nên tình hình kinh tế - xã hội của thành phố Vị Thanh 6 tháng đầu năm đạt những kết quả nổi bật, trong đó có lĩnh vực nông nghiệp.

UBND thành phố đã nhiều lần liên kết với doanh nghiệp, hỗ trợ nông dân sản xuất, phát triển kinh tế.

Cụ thể là giá trị sản xuất nông nghiệp được 415 tỉ đồng, đạt trên 50% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng hơn 6%. Trong đó, vụ lúa Đông xuân thu hoạch được 3.773ha, đạt 100,1%, tăng 2.676 tấn so với cùng kỳ năm trước. Vụ lúa Hè thu xuống giống tăng 375ha so với cùng kỳ. Được mùa trúng giá nên đời sống của nông dân có bước cải thiện. Bên cạnh đó, cây khóm, một loại nông sản chủ lực của thành phố cũng được nông dân xuống giống tăng 19,5ha so với cùng kỳ. Các ngành chức năng tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đề án, chương trình liên quan đến nông nghiệp. Nhiều nông dân đã mạnh dạn phá bỏ vườn tạp, lên liếp trồng khóm theo đề án “Mở rộng phát triển cây khóm Cầu Đúc Hậu Giang giai đoạn 2017-2020” (đề án). Đến nay, tổng diện tích trồng khóm của thành phố được 1.473ha, đạt 73,65% kế hoạch. Trong đó, diện tích người dân tự chuyển từ cây trồng kém hiệu quả, vườn tạp gần 182ha, còn lại là chuyển đổi theo Đề án 1.000 (Đề án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi). Cán bộ kỹ thuật xã Hỏa Tiến Quách Thận cho biết: “Khi UBND thành phố triển khai đề án thì bà con ở đây khá đồng tình. Phòng Kinh tế thành phố cũng đã mở 2 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 90 nông dân. Từ đó, bà con yên tâm canh tác vì có được kỹ thuật, cách phòng ngừa sâu bệnh trên khóm”.

Ông Nguyễn Việt Hải, ở ấp Thạnh Quới 2, xã Hỏa Tiến, cho hay: “Năm 2017, tôi cải tạo 8 công vườn tạp để trồng khóm. Tôi chuyển đổi khá thuận lợi vì được hỗ trợ vay vốn theo Đề án 1.000”. Còn ông Lê Minh Hiển, ở ấp Thạnh Quới 1, xã Tân Tiến, phấn khởi khoe: “Nhờ có đề án mà 2 năm nay tôi tự tin chuyển đổi thêm đất ruộng sang trồng khóm. Hơn nữa, khóm Cầu Đúc đã được bảo hộ nhãn hiệu, có tiếng trên thị trường nên tôi không lo đầu ra. Dù năm nay giá khóm mùa có xuống thấp nhưng tôi có sử dụng nhãn hiệu và ứng dụng khoa học công nghệ nên giá được công ty thu mua cao hơn bên ngoài vài trăm đồng/trái”.

Ngoài ra, Hội Nông dân xã Hỏa Lựu còn xây dựng “Dự án vay vốn Quỹ hỗ trợ nông dân để cải tạo đất trồng khóm” tại ấp Thạnh Bình, có 13 hộ tham gia với diện tích 12,9ha. Ông Danh Sol, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hỏa Lựu, thông tin: “Dự án có 13 hộ tham gia vay với số vốn 300 triệu đồng. Tính đến nay, khóm đã được từ vài tháng đến 1 năm tuổi, chuẩn bị cho trái”. Ông Trần Văn Chiến, ở ấp Thạnh Bình đã vay được 20 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ nông dân. Ông đã trồng mới 4.000m2 và đang cải tạo gần 6.000m2 đất chuẩn bị xuống giống.  

Trên lĩnh vực kinh tế tập thể, các HTX đang hoạt động khá hiệu quả. Mới đây, thành phố đã thành lập được 1 hợp tác xã nông nghiệp mới là HTX Nông nghiệp Tân Tiến chuyên sản xuất lúa và kinh doanh, thực hiện đa dạng lĩnh vực. Các HTX còn lại đều tập trung nâng chất lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động và góp phần xây dựng xã nông thôn mới. Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Thắng, ông Vu Suổi cho hay: “Thực hiện theo mô hình HTX kiểu mới gắn với tiêu thụ trong chuỗi giá trị nông sản, HTX đã liên kết với công ty phân bón cung ứng phân, thuốc. Ngoài ra, thực hiện theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp, trong sản xuất, bà con tuân thủ quy trình, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để khóm đạt chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm”.

Tuy kết quả sản xuất nông nghiệp khá khả quan nhưng những tháng cuối năm nhiệm vụ còn nặng nề. Bởi hiện nay, giá cả thị trường vẫn là yếu tố quyết định cho nông sản của bà con. Vì vậy, các ngành, các cấp, nhất là lãnh đạo địa phương vẫn luôn tập trung làm tốt các công việc trọng tâm đã đề ra. Phó Chủ tịch UBND thành phố Vị Thanh Trần Hoa Phượng thông tin: Khóm, lúa, mía là 3 sản phẩm chủ lực của thành phố. Những năm trước, qua sự chỉ đạo của tỉnh, hỗ trợ của các sở, ngành, thành phố đã xây dựng nhãn hiệu và phát triển thương hiệu cho nông sản. Đồng thời, xây dựng nhiều đề án, chương trình hỗ trợ nông dân sản xuất và thường xuyên kêu gọi doanh nghiệp tìm đến thu mua, liên kết bao tiêu nông sản cho bà con. Hiện tại, trên địa bàn thành phố đã kêu gọi được 2 công ty chế biến khóm vào Cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là Công ty TNHH Phúc Xuyên và Công ty TNHH thực phẩm Minh Võ. Các công ty đang làm thủ tục đầu tư và dự kiến đi vào hoạt động vào năm 2019.

“Tuy nhiên, tình hình sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, rủi ro do thiên tai, dịch bệnh nên định hướng trong 6 tháng cuối năm, thành phố tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất, hỗ trợ nông dân liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm. Bên cạnh đó, thành phố cũng chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên theo dõi, cũng như kịp thời cảnh báo dịch bệnh, hướng dẫn, hỗ trợ cho bà con. Như vậy sẽ giúp nông dân yên tâm sản xuất, chí thú làm ăn, xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế cho thành phố”, bà Trần Hoa Phượng cho biết thêm.

Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>