Ổn định sản xuất sau dịch tả heo châu Phi

24/09/2019 | 18:55 GMT+7

Huyện Long Mỹ đang thực hiện nhiều giải pháp giúp người chăn nuôi bị thiệt hại sau dịch tả heo châu Phi ổn định cuộc sống, từng bước chuyển đổi chăn nuôi có hiệu quả.

Lãnh đạo UBND xã Thuận Hưng (phải) thăm hỏi tình hình chuyển đổi chăn nuôi của người dân.

Thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, thống kê đến ngày 22-9, huyện có 792 ổ dịch tả heo châu Phi đã được phát hiện và xử lý. Tổng nhu cầu cần hỗ trợ cho người chăn nuôi có heo bị tiêu hủy do dịch tả heo châu Phi gây ra trên 33 tỉ đồng, chưa tính chi phí xử lý ổ dịch, dập dịch… Được biết, địa phương đã chi hỗ trợ xong đợt 1 số tiền trên 3,8 tỉ đồng cho 75 hộ chăn nuôi.

Dù dịch tả heo châu Phi đã gây ra thiệt hại đáng kể, nhưng nhiều hộ đã linh động chuyển đổi sang nuôi loài mới để có thêm thu nhập. Việc linh động chuyển đổi đang gắn liền với kỳ vọng giúp ổn định kinh tế, có thu nhập trong khoản thời gian chờ cơn đại dịch đi qua. Ông Nguyễn Văn Sáu, ở ấp 7, xã Thuận Hưng, vẫn chưa nguôi nỗi buồn khi nhắc đến đợt tiêu hủy heo nhiễm bệnh hơn 2 tháng trước. Hiện nay, mong mỏi lớn nhất của ông là sớm nhận được tiền hỗ trợ để trang trải các khoản chi phí và chăn nuôi gia cầm. Trong khu chuồng heo ngày trước, ông Sáu đã cải tạo lại rồi thả nuôi 3.500 con gà, 1.000 con vịt trên sàn. Trước đó, ông đã liên kết với đơn vị cung cấp thức ăn chăn nuôi để tìm hiểu kỹ quy trình chăm sóc, biện pháp tiêm phòng đủ bệnh - đúng lịch, hiện được cam kết, bao tiêu về đầu ra.

“Chuyển sang đối tượng nuôi mới, tôi luôn trăn trở và tuân thủ nghiêm những hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc nuôi dưỡng, phòng bệnh cho gia cầm. Bước đầu chuyển đổi được cam kết đầu ra và nhất là được thú y địa phương, ngành nông nghiệp tích cực hỗ trợ kỹ thuật, mình cũng an tâm phần nào. Chăn nuôi hơn 15 năm, tôi chưa thấy bệnh nào gây thiệt hại nhanh như dịch tả heo châu Phi. Trước khi có vắc-xin phòng trị bệnh, tôi không dám tái đàn trở lại”, ông Sáu cho biết.

Theo ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hưng, sau khi dịch tả heo châu Phi xảy ra, địa phương đã tranh thủ hoàn tất thủ tục mong sớm có nguồn hỗ trợ cho người dân. Trong tuần này sẽ tiếp tục chi đợt 2. Bên cạnh đó, UBND xã sẽ tuyên truyền, vận động những hộ bị thiệt hại trước mắt chuyển đổi sang các loài vật nuôi khác. Đồng thời, kết hợp với khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn giúp trang bị kỹ thuật chăn nuôi cho người dân.

Chính quyền địa phương cũng cho biết qua nắm bắt nhu cầu, những hộ bị thiệt hại sau dịch tả heo châu Phi mong được tiếp cận với những chính sách hỗ trợ tái chăn nuôi, đặc biệt là chính sách ưu đãi vay vốn với lãi suất thấp để có động lực tái sản xuất, ổn định kinh tế.

Theo Phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, ngành chức năng khuyến cáo người dân tận dụng chuồng heo bỏ trống để nuôi gia cầm, thủy sản. Để người dân tiếp cận kỹ thuật khi chuyển sang nuôi những đối tượng mới này, Phòng NN&PTNT huyện đã mở 16 lớp đào tạo nghề cho nông dân, như các lớp tập huấn kỹ thuật nuôi gà, vịt, nuôi lươn… Riêng mô hình nuôi lươn hỗ trợ 50% con giống. Bên cạnh đó, phòng cũng đã chỉ đạo trạm thú y, trạm khuyến nông, bảo vệ thực vật thường xuyên kiểm tra, khảo sát các hộ tái sản xuất để hỗ trợ khoa học kỹ thuật, biện pháp phòng bệnh trên các đối tượng vật nuôi. Tăng cường quản lý dịch bệnh trên đàn heo, gà, vịt, thủy sản.

Bà Bùi Thị Kim Chúc, Phó phòng NN&PTNT huyện Long Mỹ, cho biết: Trong tuần này, các địa phương sẽ tiếp tục chi hỗ trợ đợt 2 cho người dân, kinh phí trên 21 tỉ đồng. Mặt khác, sẽ tiếp tục xin kinh phí đợt 3 để hỗ trợ cho người dân để tái sản xuất, chăn nuôi mô hình mới. Hiện tại, tình hình dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tương đối lắng dịu so với trước, nhưng ngành chức năng khuyến cáo người dân trên địa bàn huyện không nên tái đàn sớm. Từ đây đến cuối năm, đơn vị sẽ tăng cường kiểm soát dịch bệnh trên gia súc, gia cầm nói chung, nhất là kiểm soát heo vận chuyển ra vào địa bàn. Tuyên truyền hộ dân phòng bệnh, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, hạn chế người ra vào khu vực chuồng nuôi trên những đàn heo còn lại. Địa phương cũng đề xuất tỉnh sớm hỗ trợ kinh phí dập dịch, nhu cầu đã được thống kê và báo cáo đến nay khoảng 4 tỉ đồng.

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>