Ổn định vùng mía nguyên liệu

25/05/2018 | 09:32 GMT+7

Dù được dự báo là tình hình giá bán mía trong đợt thu hoạch tới đây sẽ không như cùng kỳ do ảnh hưởng chung của ngành mía đường, nhưng nông dân trên địa bàn tỉnh vẫn cơ bản ổn định diện tích trồng và chăm sóc để mía phát triển tốt.

Dù có ảnh hưởng tâm lý về sự khó khăn của ngành đường nhưng bà con vẫn đang tích cực chăm sóc mía.

Bám trụ cây mía

Những ngày này, về vùng mía nguyên liệu lớn nhất tỉnh là huyện Phụng Hiệp, dù nông dân vẫn tích cực ra đồng để chăm sóc cho cây mía của gia đình nhằm đạt năng suất cao khi thu hoạch. Thế nhưng, một vấn đề thực tế là trên khuôn mặt của bà con cũng chất chứa nhiều sự lo lắng về mùa thu hoạch mía sắp tới. Vừa rải phân xong cho 6 công mía của gia đình, ông Nguyễn Thái Minh, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, bộc bạch: “Vụ mía vừa qua, tôi và bà con trồng mía giống ROC 16 nơi đây bán được giá từ 900-1.000 đồng/kg (riêng tôi 970 đồng/kg) nên cũng thu được nguồn lợi nhuận tương đối hấp dẫn. Nhưng vụ này, dù chưa đến ngày thu hoạch nhưng bà con nghĩ giá bán mía năm nay chắc không bằng năm rồi vì tình hình khó khăn của ngành mía đường được thông tin trên phương tiện thông tin đại chúng thời gian qua, từ đó phần nào cũng ảnh hưởng đến tâm lý người trồng mía. Tuy nhiên, dù không biết tình hình bán mía sẽ thế nào, nhưng trước mắt bà con cũng cố gắng chăm sóc rẫy mía của gia đình để năng suất đạt cao nhằm bù lại khi giá bán giảm”.

Mặc dù tình hình sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường đang gặp nhiều khó khăn không chỉ đối với nhà máy đường, mà còn ảnh hưởng đến nông dân trồng mía và dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Nhưng với sự gắn bó cây mía nhiều năm, hiện nông dân tại các vùng mía trên địa bàn tỉnh tuy có số ít hộ chuyển đổi sang cây trồng khác nhưng đa phần bà con vẫn còn bám trụ với cây mía. “Tôi đã gắn bó với cây mía hơn 10 năm nay và đây còn là cây trồng cho nguồn thu nhập chính của gia đình. Dù không biết mấy vụ mía tới thế nào, nhưng trước mắt tôi cũng như nhiều bà con nơi đây vẫn tiếp tục trồng mía và mong rằng ngành chức năng các cấp và nhà máy đường trên địa bàn tỉnh sẽ sớm có giải pháp cứu vãn tình hình để cùng người trồng mía vượt qua khó khăn, ổn định vùng mía”, ông Nguyễn Văn Hậu, ở ấp Thống Nhất, thị trấn Cây Dương bộc bạch.

Nhiều giải pháp cho người trồng mía

Có lẽ một trong những điều quan tâm lớn nhất hiện nay của người trồng mía là năm nay nhà máy đường sẽ đưa ra kế hoạch hợp đồng bao tiêu trong thu mua mía thế nào, đặc biệt là giá sàn bảo hiểm ra sao. Chính vì vậy, để phần nào giúp người trồng mía an tâm sản xuất trước tình hình khó khăn của ngành mía đường, mới đây Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ (Casuco) đã thông qua kế hoạch hợp đồng và mức giá sàn bao tiêu cho niên vụ mía 2018-2019 tại các vùng mía nguyên liệu trong và ngoài tỉnh Hậu Giang do Casuco đảm nhiệm. Theo đó, dự kiến trong vụ mía năm nay, Casuco sẽ tiến hành ký kết hợp đồng thu mua với sản lượng 1 triệu tấn mía, giá sàn bảo hiểm là 800 đồng/kg mía 10 chữ đường (CCS) cân tại cầu cảng nhà máy và xí nghiệp đường của Casuco, giảm 100 đồng/kg so với cùng kỳ.

Ông Phạm Quang Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Casuco, cho biết: Mặc dù còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiêu thụ đường, nhưng để chia sẻ và giúp nông dân an tâm canh tác mía, sau khi Bộ phận khuyến nông của công ty đã tính toán về mức giá thành sản xuất mía nguyên liệu trong vụ này và qua sự cân nhắc của lãnh đạo công ty, Casuco vừa công bố kế hoạch bao tiêu và mức giá sàn bảo hiểm cho niên vụ mía năm nay. Tuy nhiên, có một điểm mới trong hợp đồng bao tiêu năm nay là những hộ nào có ký kết hợp đồng bao tiêu với Casuco thì khi đến ngày thu hoạch mía nhưng gặp trường hợp khó khăn về giá đường giảm thì Casuco vẫn mua mía bằng giá sàn đã ký kết, riêng những hộ không có hợp đồng bao tiêu thì sẽ mua thấp hơn. Do đó, bà con trồng mía cần quan tâm đến khâu này và cùng chia sẻ với công ty với quy định này, bởi do áp lực hội nhập như hiện nay.

Cùng với việc triển khai hợp đồng bao tiêu mía cho niên vụ mới, từ đầu vụ xuống giống đến nay, Bộ phận khuyến nông của Casuco đã và đang triển khai nhiều chương trình khuyến nông cho nông dân tại các vùng mía nguyên liệu của Casuco như: cho nông dân mượn 50 tấn mía giống, mở nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân sản xuất mía theo hướng giảm giá thành, đồng thời tổ chức một số buổi hội thảo giới thiệu giống mía mới… Ông Huỳnh Văn Măng, Giám đốc Bộ phận khuyến nông Casuco, cho biết: Do tình hình khó khăn chung trong tiêu thụ đường của Casuco nên năm nay công tác khuyến nông chỉ thực hiện được khoảng 70% các chương trình như cùng kỳ. Dù chương trình giảm, nhưng Bộ phận khuyến nông Casuco vẫn đảm bảo thực hiện các nội dung trọng tâm nhằm giúp bà con sản xuất mía hiệu quả, nhất là giải pháp nâng cao CCS trong cây mía và hạ giá thành sản xuất. Bởi trong tình hình hiện tại, việc nâng cao CCS sẽ góp phần đáng kể trong việc nâng nguồn thu nhập cho bà con.

Cùng với nhà máy đường đưa ra nhiều giải pháp nhằm ổn định vùng mía nguyên liệu thì hiện các ngành chức năng có liên quan của tỉnh, chính quyền địa phương có vùng mía nguyên liệu cũng đang tính toán và đề ra kế hoạch. Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho hay: Ngành nông nghiệp Hậu Giang xác định tái cơ cấu mạnh mẽ đối với ngành mía đường trong xu thế hội nhập chính là hạ giá thành sản xuất. Theo kế hoạch, từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ thực hiện nhiều giải pháp để hạ giá thành sản xuất cây mía xuống còn 500 đồng/kg, đồng thời tập trung chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp trong sản xuất mía nhằm phát triển bền vững. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh, tăng cường nghiên cứu và ứng dụng cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất từ trồng đến thu hoạch để giảm thiểu chi phí cho người trồng mía. Cũng như kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm vừa giúp cải thiện môi trường vừa tăng chuỗi giá trị mía đường. Việc sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường sẽ giúp giá thành đường giảm và giá mía nguyên liệu thu mua của nông dân được tăng lên...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên cho biết: Vấn đề đầu ra và giá bán mía nguyên liệu của nông dân tại các vùng mía nguyên liệu đang là sự lo lắng trong việc thực hiện phát triển kinh tế - xã hội năm nay của tỉnh, nếu không khéo sẽ ảnh hưởng vào sự tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp. Bởi Hậu Giang đang là một trong những tỉnh có diện tích mía lớn nhất vùng ĐBSCL, do đó tới đây UBND tỉnh và các ngành liên quan sẽ có những buổi làm việc với các nhà máy đường trên địa bàn tỉnh nhằm tìm hướng đi tốt nhất trước tình hình hội nhập như hiện nay.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp tỉnh, kết thúc đợt xuống giống của niên vụ mía 2017-2018, nông dân trên địa bàn tỉnh đã trồng gần 10.600ha mía, giảm gần 200ha so với cùng kỳ. Hiện mía trong giai đoạn vươn lóng đến 6 tháng tuổi. Nhờ được chăm sóc kỹ nên đa phần diện tích mía ít bị sinh vật gây hại tấn công và mía đang phát triển tốt.

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>