Phát huy thế mạnh kinh tế nông nghiệp

26/05/2020 | 08:35 GMT+7

Nhiều nông dân ở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, đã mạnh dạn mở hướng đi mới, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để khai thác tốt giá trị vườn cây ăn trái và rau màu.

Anh Nguyễn Văn Pho chuẩn bị xuống giống vụ dưa hấu mới trong nhà lưới.

Đến thăm vườn cây ăn trái của anh Nguyễn Quốc Cường, ở ấp Phú Lộc, xã Phú Hữu, từ xa đã thấy những chiếc xe máy chở sầu riêng nặng trĩu chạy ra khỏi vườn. Vườn sầu riêng nhà anh Cường đang vào mùa thu hoạch rộ. Theo anh Cường, giá sầu riêng năm nay không cao bằng các năm trước nhưng bù lại năng suất nhỉnh hơn năm ngoái. Tại vườn hiện có 200 cây đang cho trái, mỗi cây ước chừng đến cuối vụ cho năng suất không dưới 100kg, sau khi trừ hết chi phí anh còn lợi nhuận khoảng 400 triệu đồng/năm.

Từ đầu vụ thu hoạch đến nay, anh Cường chủ yếu cho sầu riêng chín cây, bán cho các mối trái cây trong và ngoài địa phương hoặc bán lẻ để được giá cao hơn. Ngay từ khi bắt đầu phát triển vườn sầu riêng, anh đã đầu tư từng bước vào hệ thống tưới nước tiết kiệm và sử dụng chủ yếu phân hữu cơ tự ủ để khai thác chứ không chạy theo lợi nhuận nhất thời. Xử lý cho ra hoa mùa thuận, khoảng tháng 10 (âm lịch) để cây có thời gian dưỡng sức và chuẩn bị tốt cho đợt trái vụ sau. Nhờ vậy, vườn cây phát triển xanh tốt, mỗi năm phẩm chất và năng suất luôn ổn định. Ngoài sầu riêng, trong diện tích vườn 40 công, anh Cường trồng thêm nhiều loại cây ăn trái như mãng cầu ta Thái, sa bô, hạnh… Không chỉ đa dạng loại cây, năm nay anh còn kết hợp thả nuôi thủy sản để khai thác tối đa giá trị của vườn trên cùng đơn vị diện tích.

Còn ở ấp Phú Lợi, anh Nguyễn Văn Pho cũng đã bước đầu thành công với mô hình trồng dưa hấu không hạt trong nhà lưới. Sau thời gian dài gắn bó với các giống dưa hấu không hạt, mấy năm gần đây anh Pho không ngừng tìm tòi cái mới thử áp dụng cho ruộng dưa để nâng năng suất, chất lượng đồng thời giảm giá thành. Từ đó, mô hình trồng dưa hấu đầu tiên của huyện áp dụng công nghệ mới ra đời.

Được biết, chi phí mua vật tư làm nhà lưới khoảng 70 triệu đồng, tự gia đình bỏ công ra làm. Với diện tích khoảng 3.000m2, vụ dưa đầu tiên đã cho thu hoạch 11 tấn, năng suất trung bình trên 3,5 tấn/công, anh thu về trên 70 triệu đồng chỉ sau hơn 2 tháng chăm sóc. Anh Pho còn cho biết: “Trồng trong nhà lưới dưa hấu cho trái đều, ít xảy ra hiện tượng chết dây, ít bị ảnh hưởng của sâu bệnh nên lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng cho ruộng dưa cũng giảm đến 90%. Khung nhà lưới bằng sắt, cột xi măng kiên cố, lưới mắt nhỏ, dày có thời gian sử dụng trên 5 năm, chỉ cần sau 1 vụ là thu hồi được vốn ban đầu và bắt đầu cho lợi nhuận”.

Ông Đinh Văn Danh, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Hữu, cho biết: Để khuyến khích người dân tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới, đầu tư chăm sóc vườn cây bài bản, phù hợp với yêu cầu thị trường, xã Phú Hữu đã tận dụng tốt các chương trình hỗ trợ của ngành nông nghiệp hàng năm, giúp bà con đầu tư thiết bị canh tác hiện đại, hạn chế sử dụng phân bón hóa học. Tổ kỹ thuật và hội nông dân luôn sát cánh cùng người dân để kịp thời hướng dẫn, tư vấn phù hợp với mỗi loại cây trồng. Ngoài ra, một số diện tích vườn bưởi, cam đã lão hóa, năng suất và chất lượng thấp, người dân đã mạnh dạn chuyển đổi sang các loại cây trồng mà thị trường đang tiêu thụ mạnh như sầu riêng, mít, mãng cầu ta Thái… bước đầu mang lại kết quả khả quan.

Xã Phú Hữu còn thành lập 2 hợp tác xã nông nghiệp và 57 tổ hợp tác sản xuất, nhìn chung hoạt động ngày càng đi vào nề nếp, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Các hợp tác xã chủ yếu cung cấp giống cây trồng các loại, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần mang lại lợi nhuận cao khi thu hoạch, từ đó đời sống của từng thành viên cũng được nâng lên đáng kể.

Theo thống kê của Tổ kỹ thuật xã, diện tích vườn cây ăn trái ở Phú Hữu hiện nay là 1.638,8ha, trong đó cây có múi khoảng 31ha, mít 800ha, sầu riêng 25ha… Diện tích rau màu các loại là khoảng 87ha, sản lượng thu hoạch đạt trên 432 tấn.

 

Bài, ảnh: T.NGỌC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>