Phất lên nhờ trồng sen

15/09/2020 | 19:17 GMT+7

Là hộ nghèo nhiều năm, nhưng nhờ trồng sen mà anh Nguyễn Văn Thum (Ba Thum), ở ấp 2, thị trấn Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, đã trở thành người khá giả.

Chị Hằng đang thu hoạch gương sen để bán.

Theo lời chỉ dẫn của bà con trong ấp, chúng tôi tìm đến nhà anh Thum cũng là lúc vợ chồng anh đang bận việc hái sen ngoài đồng. Nhìn căn nhà giá trị tiền trăm triệu của anh, nếu là người không quen biết chắc không ai nghĩ anh là người đã từng trải qua một thời nghèo khó. Vừa mới gặp tôi, Ba Thum đã vội tay bắt mặt mừng, tiện tay lấy luôn mớ gương sen mới hái mời chúng tôi ăn, rồi anh nói như khoe: “Từ khi chuyển đổi mục đích cây trồng từ lúa sang sen có hiệu qủa nên gia đình tôi có đồng ra đồng vô mỗi ngày. Tuy không nhiều, nhưng cũng đủ để cuộc sống có phần thoải mái hơn những năm về trước”. Nhìn căn nhà khá khang trang, anh Thum không ngần ngại cho biết anh cất được căn nhà này ngoài tiền bán sen dành dụm, cũng có một phần con cái đi làm ăn xa phụ thêm.

Trong nụ cười toại nguyện, hình như trong đôi mắt anh còn ẩn chứa một nỗi niềm, giọng anh bổng trầm buồn nói tiếp: “Trước đây, tôi nghèo là do hoàn cảnh. Cha mẹ mất sớm, mới mười mấy tuổi đầu, tôi phải thay cha mẹ làm lụng nuôi 5 đứa em, ruộng đất 10 công (10.000m2) nhưng thuộc đất trũng phèn, một năm chỉ làm được 2 vụ lúa Đông xuân và Hè thu. Năm nào gặp thời tiết mưa thuận gió hòa thì năng suất lúa trúng lắm cũng chỉ được 15-20 giạ/công. Năm nào mùa vụ không thuận lợi gặp sâu rầy, chuột cắn phá gây hại nhiều coi như thua lỗ nặng và cũng chính vì vậy mà tôi mắc nợ kéo dài thời gian không trả nổi”.

Thấy anh là người chí thú làm ăn, bà con hàng xóm khuyên anh bỏ cây lúa trồng cây sen nhưng anh thì còn chần chừ lựa chọn. Sau khi tham khảo nhiều hộ trồng sen ở một số nơi, anh nhận thấy cây sen mang lại cho người trồng lợi nhuận khá cao. Bên cạnh đó, cây sen cũng dễ trồng, không kén đất, nhất là những thửa ruộng có mặt đất trũng sâu, nhiều phèn như đất ruộng nhà anh.

Theo kinh nghiệm của một số người trồng sen lâu năm cho biết trồng sen không mất nhiều công và chi phí chăm sóc. Tỷ lệ hao hụt cũng không nhiều, chỉ cần giữ mực nước ruộng luôn ở khoảng 25-30cm là được. Để hạn chế sâu ăn lá và loại bỏ những cây sen kém chất lượng, phải thường xuyên cắt tỉa lá khô, lá già cho sen quang hợp tốt. Nếu là ruộng trồng sen mới, trước khi trồng cần vệ sinh ruộng bằng cách diệt cua, ốc bươu vàng và cá rô phi, bởi các loại động vật này thường ăn các ngó sen non mới nhú. Thời điểm xuống giống sen thích hợp nhất là sau Tết Nguyên đán, khi sen trồng được khoảng 4 tháng sẽ bắt đầu cho thu hoạch, đến tháng thứ 6 sen là vào mùa thu hoạch rộ và kéo dài đến hết tháng thứ 9.

Từ thực tế trên nên vụ mùa năm đó (2014), anh Ba Thum tìm mua giống sen trắng trồng hết diện tích đất nhà mình. Nhờ cần cù chăm sóc nên cây sen phát triển nhanh, anh và vợ là chị Võ Thị Hằng cũng thật không ngờ cây sen lại mau thích nghi đến như vậy. Những năm đầu thu hoạch, cây sen cho năng suất gương khá cao, còn hiện tại tuy năng suất có giảm do ảnh hưởng mưa nhiều, nhưng mỗi ngày anh cũng có thể hái bán được từ 2.000-3.000 gương sen tươi, thương lái vào tận ruộng mua với giá 1.000 đồng/gương, 25.000-30.000 đồng/kg sen hạt. Bên cạnh đó, anh còn chiếc bán thêm cây sen giống cho bà con có nhu cầu. Cũng trong lúc này, anh còn mở cống, đặt hom để dẫn dụ cá ngoài kênh, sông vào ruộng sen để cuối mùa bắt bán.

Anh Thum ngồi tính lại hết các khoản thu, chi từng năm từ ruộng sen, anh còn lợi nhuận hơn 100 triệu đồng/năm, nhờ vậy mà anh trả dần hết số tiền vay mượn của bà con trước đó. Gánh nặng nghèo khó trên đôi vai người nông dân một nắng hai sương đã gần 2/3 cuộc đời gắn mình với công việc cày cuốc giờ thì như đã không còn, cuộc sống gia đình anh nay đã thật sự được ổn định và khấm khá hơn là nhờ cây sen.

Bài, ảnh: BÙI VĂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>