Phát triển bền vững mía đường

22/02/2018 | 07:47 GMT+7

Hậu Giang là vùng đất trồng mía lâu đời và mía được xem là cây trồng chủ lực thứ hai của tỉnh, diện tích trồng hơn 10.000ha/năm, năng suất bình quân từ 95-100 tấn/ha, sản lượng hàng năm trên 1 triệu tấn. Đây là vùng mía lớn nhất ở đồng bằng sông Cửu Long hiện nay.

Nông dân Phụng Hiệp trồng xen màu trên liếp mía để tăng thu nhập.

Người trồng mía lợi nhuận chưa cao

Toàn tỉnh có 3 nhà máy đường đang hoạt động là Xí nghiệp đường Vị Thanh, Nhà máy đường Phụng Hiệp và Nhà máy đường cồn Long Mỹ Phát. Hàng năm, diện tích mía được 3 nhà máy đường hợp đồng thu mua hết sản lượng, tỷ lệ hợp đồng đạt từ 90% trở lên. Ngoài ra, để ổn định vùng nguyên liệu và sản xuất của các nhà máy, từ năm 2012 UBND tỉnh Hậu Giang đã phân vùng nguyên liệu mía đến năm 2020. Người dân trồng mía cũng đã biết vận dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sử dụng giống mía mới cho năng suất và chữ đường cao, nhưng sản xuất mía chủ yếu bằng phương thức thủ công nên giá thành sản xuất mía ở mức cao. Với chu kỳ sinh trưởng của mía trung bình từ 9-11 tháng/vụ, hiện tại nông dân trồng mía trong tỉnh chỉ thu lợi nhuận từ 20-30 triệu đồng/ha/năm, chưa nâng cao được đời sống.

Ông Đinh Văn Triệu, ở ấp Mỹ Lợi B, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, có thâm niên 15 năm trồng mía cho biết: “Nông dân trồng mía hiện nay còn gặp nhiều khó khăn như thiếu giống mía mới chất lượng cao, giá nhân công lao động ngày càng tăng, chưa kể nhiều lúc mua phải vật tư nông nghiệp kém chất lượng. Ngoài ra, việc sản xuất mía còn thủ công, chưa áp dụng được cơ giới hóa từ đó làm tăng giá thành sản xuất, giảm thu nhập cho người trồng mía”.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang Lê Văn Đời cho rằng tình hình sản xuất mía đường của tỉnh còn tiềm ẩn nhiều hạn chế có thể gây nên tính thiếu bền vững, như: vùng nguyên liệu chưa được quan tâm đầu tư, hỗ trợ đúng mức; hình thức thu mua mía thiếu sự tổ chức và tính chuyên nghiệp của một đơn vị công nghiệp. Bên cạnh đó, vẫn còn có sự tranh mua nguyên liệu; chất lượng giống mía chậm được cải thiện, chữ đường chưa cao; đời sống người trồng mía còn nhiều khó khăn, chưa ổn định trong sản xuất và bền vững. Vì vậy, cần sớm tổ chức lại sản xuất và có những giải pháp căn cơ, bền vững hơn để diện tích mía trong vùng tiếp tục duy trì và phát triển. Còn về lâu dài sẽ ổn định đến hiệu quả sản xuất người trồng mía và kinh doanh của các doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ, vùng ĐBSCL có 10 nhà máy đường được thành lập nhưng do vùng nguyên liệu giảm và thua lỗ đến nay chỉ còn 6 nhà máy đường đang hoạt động. Chất lượng mía vùng ĐBSCL thấp nhất cả nước và bình quân ở mức 9,0-9,5 CCS, do đó tỷ lệ mía/đường trong sản xuất của các nhà máy rất cao tương đương 11 mía/1 đường. Đối với Hậu Giang là vùng trồng mía lớn nhất của vùng ĐBSCL, với diện tích khoảng 10.800ha, tập trung tại huyện Phụng Hiệp, thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ. Năng suất bình quân nơi đây lại có xu hướng tăng, chất lượng mía có nâng lên nhưng còn chậm (khoảng 10 CCS. Trong khi một số vùng khác trong nước đã đạt 11 CCS trở lên.

Giữ vững ổn định vùng nguyên liệu

Theo Sở NN&PTNT Hậu Giang, trong định hướng phát triển đến năm 2020, tỉnh sẽ giữ ổn định vùng mía nguyên liệu tập trung khoảng 10.000ha, sản lượng ước đạt 1,15 triệu tấn để đảm bảo nguyên liệu mía cho 3 nhà máy đường trong tỉnh. Bên cạnh đó sẽ rà soát, quy hoạch lại vùng sản xuất mía theo hướng chuyên canh, phù hợp gắn với xây dựng các cánh đồng lớn, chuyển từ sản xuất chiều rộng sang chiều sâu. Ứng dụng đồng bộ tiến bộ khoa học kỹ thuật, từ đó làm tăng hiệu quả sản xuất và tiết giảm chi phí cho người trồng mía. Ngoài ra, sẽ thực hiện tốt chính sách ưu đãi, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào chuỗi sản xuất mía theo mô hình cánh đồng lớn theo Quyết định số 62/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn. Chuyển đổi các vùng sản xuất mía nhỏ lẻ, kém hiệu quả sang cây trồng khác có hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Trương Văn Hiền, ở ấp Quyết Thắng, xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, cho hay: “Những năm qua, giá mía thường xuyên dao động làm cho người trồng mía gặp khó. Đặc biệt hiện tại giá đường khá thấp nên dự báo giá mía vụ tới đây sẽ không cao nên người trồng mía càng ít lợi nhuận. Với 12 công mía của gia đình, tôi đã trồng luân canh 2 năm 3 vụ để vừa bán mía chục vừa bán mía nguyên liệu để tăng thêm nguồn thu nhập”.

Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Mía đường Cần Thơ Nguyễn Hoàng Ngoan cho biết sẽ nghiên cứu phổ biến giống phù hợp với vùng sinh thái ĐBSCL, đặc biệt là tỉnh Hậu Giang để thay thế giống ROC 16 đang có dấu hiệu thoái hóa. Bên cạnh đó, sẽ lựa chọn giống có điều kiện thích nghi với biến đổi khí hậu, nhất là hạn mặn và có đặc tính lưu gốc tốt. Đối với nông dân cần có giải pháp liên kết trong công tác tự nhân giống để có giống mía tốt. Thay đổi tập quán trồng, nhất là không nên trồng quá dày để tiết kiệm giống và chi phí canh tác. Xây dựng cánh đồng mía lớn để tiết giảm chi phí trong việc bơm nước tưới tiêu và chăm sóc mía. Ngoài ra, cũng cần xây dựng lực lượng tổ đốn chặt để thu hoạch mía đúng thời điểm và giải quyết được nguồn lao động đang thiếu hụt tại địa phương. Bên cạnh đó nên cử người đại diện để ký kết hợp đồng tiêu thụ với các nhà máy đường và tổ chức vận chuyển mía đến bán trực tiếp cho các nhà máy để mang lại hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết: Sẽ tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng trong vùng nguyên liệu trên cơ sở nguồn vốn ngân sách và vốn đóng góp của doanh nghiệp. Đồng thời nâng cấp kết cấu hạ tầng hiện có, điều tiết nước nhằm chủ động rải vụ, nâng cao chất lượng chữ đường cây mía. Khuyến cáo nông dân thực hiện chế độ luân canh hợp lý và chế độ xen canh các cây họ đậu trong các tháng đầu vụ để cải tạo đất và tăng thu nhập. Sử dụng các giống mía có năng suất, chất lượng cao, chống chịu được hạn - mặn, úng - phèn, ít đổ ngã để phục vụ cho việc cơ giới hóa. Tiếp tục kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây dựng cánh đồng lớn của tỉnh vào chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; xây dựng phương án cụ thể mang tính chất lâu dài, bền vững để nâng cao tỷ lệ thành công của hợp đồng ký kết. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư, sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường nhằm vừa giúp cải thiện môi trường vừa gia tăng chuỗi giá trị mía đường. Vì việc sản xuất các sản phẩm sau đường, các phụ phẩm từ chế biến đường sẽ giúp giá thành đường giảm và giá mía nguyên liệu thu mua của nông dân được tăng lên, từ đó từng bước nâng cao hiệu quả sản xuất mía và thu nhập cho người nông dân.

Trong vụ mía vừa qua, giống mía được sử dụng chủ yếu như: ROC 16 chiếm 61,6%, giống K88-92 chiếm 24,8%, giống Suphanburi 7 chiếm 3,5%, giống K95 chiếm 2,5%, giống R 570 chiếm 2,2%, còn lại là giống khác chiếm 5,5%. Hiện ở huyện Phụng Hiệp đã quy hoạch cánh đồng lớn trên cây mía với diện tích 685ha, thị xã Ngã Bảy là 500ha.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>