Phát triển cây trồng giá trị cao

11/12/2017 | 10:23 GMT+7

Đây là định hướng, mục tiêu của huyện Long Mỹ nhằm xóa hết diện tích cây trồng kém hiệu quả, chuyển sang những loại cây mang hiệu quả kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Trần Văn Đặng kiểm tra sự phát triển của trái bưởi da xanh.

Ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, cho biết: Để nâng cao thu nhập cho người dân, từ khi chia tách địa giới hành chính, huyện Long Mỹ đã phát động cải tạo vườn tạp chuyển sang trồng bưởi da xanh và mãng cầu xiêm. Sau khi thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang 2 loại cây này cho thấy hiệu quả kinh tế nâng lên rõ rệt so với trước đây, bình quân mỗi hộ dân lợi nhuận từ 200-250 triệu đồng/ha/năm. Huyện đang vận động người dân cải tạo vườn kém hiệu quả, đất ven lang bãi bồi sang trồng cây có hiệu quả. Tùy theo từng loại đất sẽ trồng các loại khác nhau như bưởi, mãng cầu xiêm, tràm. Trong đó, cây mãng cầu xiêm sẽ được phát triển ở các xã như Thuận Hòa, Lương Tâm, Lương Nghĩa.

Bên cạnh hỗ trợ cho người dân phát triển diện tích cây trồng có hiệu quả, vận động nông dân tham gia vào tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX), tập huấn kỹ thuật, huyện còn quan tâm tìm đầu ra sản phẩm. Từ đó, huyện đã thành lập được HTX trồng bưởi Tiến Nông ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn và HTX trồng mãng xiêm Thuận Hòa, 2 HTX này đang được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh đầu tư xây dựng thương hiệu và thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Đặc biệt, đối với cây mãng cầu xiêm đã có công ty ký cam kết ghi nhớ bao tiêu sản phẩm được 40ha. Tuy nhiên, theo ông Lâm Văn Việt, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Long Mỹ, hệ thống giao thông, nhất là tuyến Tỉnh lộ 930 đang thi công dở dang đã ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa nên giá bán ra bị thấp hơn các nơi khác. Đây là vấn đề còn khó cho nông dân trong huyện.

Với diện tích trên 2ha đất canh tác của gia đình, ông Trần Văn Đặng, ở ấp 4, xã Vĩnh Viễn, đã chuyển đổi trên 6.500m2 đất sang trồng bưởi da xanh. Ông Đặng cho hay: “Trước đây, gia đình tôi chỉ làm ruộng và trồng mía, sau đợt mía rớt giá tôi trồng lúa trở lại. Nhưng qua thông tin tôi biết được trồng bưởi mang lại hiệu quả kinh tế cao nên đã lên liếp 3.900m2 đất trồng 100 cây bưởi da xanh. Sau 3 năm trồng bưởi cho trái, lợi nhuận kiếm được cao gấp 4 lần trồng lúa. Thấy hiệu quả, tôi lên liếp thêm trồng được 6.500m2 bưởi da xanh. Hiện tại, phân nửa diện tích bưởi đã cho trái, bình quân mỗi năm sau khi trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập từ bán bưởi 150 triệu đồng trở lên. Đặc biệt, quy trình trồng bưởi da xanh của gia đình thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo kế hoạch, hết vụ lúa Đông xuân này, tôi lên liếp thêm 3.900m2 đất tiếp tục trồng bưởi”.

Ông Trần Văn Tôn, Giám đốc HTX Tiến Nông, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, cho biết: Hiện nay, thành viên trong HTX được 20 người, với tổng diện tích trồng bưởi da xanh là 47ha, sản phẩm làm ra chưa đủ cung ứng cho thị trường. Sắp tới đây, để đầu ra ổn định, HTX sẽ tổ chức thu mua và mở rộng diện tích trồng. Trong năm 2018, HTX sẽ phát triển trồng thêm khoảng 3ha bưởi da xanh để đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.

Phấn đấu của huyện Long Mỹ là đến năm 2020 xây dựng vùng bưởi da xanh với 200ha. Ông Nguyễn Thái Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ, cho biết: Đó là mục tiêu mà huyện phải thực hiện đạt, bằng cách tiếp tục chuyển đổi cây kém hiệu quả sang cây có hiệu quả. Trong đó, vùng bưởi da xanh tập trung ở 2 xã là Vĩnh Viễn và Thuận Hưng. Ngoài bưởi da xanh, huyện còn phát triển những loại cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu dọc tuyến đê bao Long Mỹ - Vị Thanh như cây mãng cầu xiêm, khóm. Trước mắt, huyện thực hiện 20ha trồng bưởi da xanh theo hướng VietGAP đảm bảo tiêu chuẩn tiêu thụ thị trường trong nước và xuất khẩu, đồng thời xây dựng thương hiệu bưởi da xanh Long Mỹ. Theo đó, để mở rộng diện tích trồng bưởi da xanh và thực hiện chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, huyện đang tập trung tuyên truyền, tập huấn kỹ thuật trồng, hỗ trợ cây giống cho người dân.

Tính đến nay, huyện Long Mỹ đã phát triển được 301ha bưởi, 93ha mãng cầu xiêm. Hiện tại, trên địa bàn không còn diện tích vườn tạp, chỉ còn trên 153ha vườn kém hiệu quả. Trong năm 2017, huyện đã hỗ trợ cây giống để cải tạo vườn tạp và kém hiệu quả được 100ha, với tổng số tiền hỗ trợ 760 triệu đồng.

 

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>