Phát triển chăn nuôi heo theo hướng bền vững

07/08/2018 | 04:51 GMT+7

Trong thời gian qua, ngành khuyến nông huyện Châu Thành A đã triển khai mô hình “Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học” để hộ chăn nuôi giảm giá thành, phát triển bền vững.

Nhờ nuôi heo trên nền đệm lót sinh học nên hộ gia đình ông Tầm tiết giảm chi phí, nhân công và phát triển kinh tế dù tuổi cao.

Mô hình nuôi heo có tự lâu đời, nhờ đó mà nhiều nông dân xây nhà, lo cho con ăn học. Tuy nhiên, chăn nuôi với số lượng lớn đã khiến cho môi trường bị ảnh hưởng bởi mùi hôi, chất thải. Để khắc phục hạn chế nói trên, hơn 3 năm nay, thực hiện Đề án 1.000 của ngành nông nghiệp tỉnh, Trạm Khuyến nông huyện triển khai rộng rãi mô hình “Nuôi heo trên nền đệm lót sinh học”. Thông qua các lớp học FFS, ngành đã hướng dẫn bà con vừa học vừa hành nên nhanh chóng tiếp thu kiến thức. Theo phương pháp học này, người nông dân đã kết hợp lý thuyết với thực hành nên hiệu quả khá cao.

Qua quá trình thực hiện, các hộ nuôi heo đã ghi nhận những lợi ích từ mô hình, heo tăng trưởng, phát triển tốt trong môi trường đệm lót, ít nhiễm bệnh hô hấp và đường ruột, nhờ đó giảm chi phí sử dụng thuốc thú y. Mô hình tiết kiệm được 10% chi phí thức ăn; 60% công lao động; 80% chi phí điện, nước. Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường do phân thải ra, không gây mùi hôi như cách nuôi heo truyền thống, hạn chế ruồi muỗi. Phế phẩm của đệm lót sau khi sử dụng được dùng làm phân bón hữu cơ rất tốt cho cây trồng.

Sau khi được hướng dẫn của các cán bộ, kỹ sư ngành khuyến nông, ông Nguyễn Văn Tầm, ở ấp Xáng Mới, xã Thạnh Xuân, đã nâng cấp chuồng nuôi heo bằng đệm lót sinh học. Ông Tầm đã thả 15 con heo con giống Đan Mạch, tái đàn sau thời gian cầm cự đàn heo nái do giá cả liên tục sụt giảm. Ông Tầm chia sẻ: “Tôi đã bỏ ra 20 triệu đồng để sửa sang chuồng cũ xây cách đây gần 20 năm để nuôi theo phương pháp dùng đệm lót sinh học. Tôi còn được nhận 4,2 triệu đồng hỗ trợ từ Đề án 1.000. Dù số tiền hỗ trợ không nhiều nhưng tôi vẫn làm vì tôi biết, chỉ có nuôi heo theo cách này mới bền vững, bảo vệ môi trường. Vợ chồng tôi trên 60 tuổi rồi nên nuôi heo như vầy không tốn nhiều công chăm sóc heo trong tắm rửa vệ sinh như cách cũ.

Thời gian gần đây, giá thịt heo bắt đầu tăng là tín hiệu vui cho người chăn nuôi. Tuy nhiên, nếu nuôi theo phương pháp cũ với chi phí cao từ con giống, thức ăn là không lâu bền. Bởi vậy, định hướng theo phương pháp này là hữu hiệu nhất. Ông Trần Văn Lộc, ở ấp 4B, thị trấn Bảy Ngàn, bày tỏ: “Năm nay, tôi cũng tham gia nuôi heo trên đệm lót. Bà con của tôi ở mấy ấp gần đây cũng bắt đầu làm theo vì phòng và trị một số bệnh thường gặp nên công việc nhàn hạ hơn”. Được biết, cách đây 2 năm, tại thị trấn Bảy Ngàn, nuôi heo thương phẩm là mô hình có thế mạnh thứ hai sau cây xoài. Từ một, hai hộ chăn nuôi nhỏ lẻ ở ấp 4B giờ đã phát triển và mở rộng ra tận ấp 4A và 3B của thị trấn.

Hộ ông Trần Việt Lào tại thị trấn Một Ngàn, sau khi tiếp thu kiến thức mới đã áp dụng vào thực tế thấy khá hiệu quả. Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học của ông Lào cho thấy chi phí đầu tư ban đầu khoảng 150.000-200.000 đồng/m2 đệm lót, thời gian sử dụng nuôi 1-2 lứa heo. Sử dụng đệm lót nuôi heo, ông giảm được 60% công lao động ở khâu dọn phân, tắm heo, rửa chuồng và chi phí bệnh tật cho heo. Sau mỗi đợt nuôi, ông Lào tăng thêm lợi nhuận trên dưới 20% so với phương pháp nuôi heo truyền thống. Cũng nhờ phương pháp này mà ông đã vượt qua được khoảng thời gian heo bị sụt giá, không bị thua lỗ.

Có thể nhận thấy rằng, mô hình nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là một trong những giải pháp hữu hiệu hiện nay. Tuy nhiên, để nghề nuôi heo tiếp tục phát triển bền vững, ngành chức năng cần định hướng người chăn nuôi canh tác ở tầm cao hơn. “Để khắc phục và mở hướng phát triển bền vững cho chăn nuôi heo, thực hiện theo định hướng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, ngành cũng đã đưa ra các giải pháp như vận động người chăn nuôi liên kết, tham gia vào hợp tác xã. Ngoài ra, thực hành chăn nuôi tạo thành chuỗi khép kín để đảm bảo nguồn gốc, an toàn và dễ dàng hơn trong khâu tiêu thụ. Hơn nữa, khâu đầu vào cũng giảm được chi phí, từ đó mới gia tăng lợi nhuận, nâng cao thu nhập cho người dân hướng đến phát triển kinh tế bền vững”, Phó trưởng Trạm Khuyến nông huyện Châu Thành A Lê Văn Khoa thông tin.

   Bài, ảnh: TRÚC LINH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>